ASEAN chung tay đón dòng vốn đầu tư toàn cầu
Vốn là điểm đến đầu tư hấp dẫn, nên trong bối cảnh xung đột thương mại ngày càng gia tăng và Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp, ASEAN càng có nhiều cơ hội để đón dòng vốn đầu tư toàn cầu đang dịch chuyển mạnh mẽ. Cơ hội đó càng lớn hơn khi hôm qua (25/8), các Bộ trưởng Kinh tế ASEAN đã chính thức họp bàn để thảo luận và hoàn thiện các văn bản pháp lý liên quan trong khuôn khổ Hiệp định đầu tư toàn diện ASEAN, nhằm rà soát và tháo gỡ các rào cản và trở ngại, tạo thuận lợi cho các hoạt động đầu tư nội khối.
“Bài học từ Covid-19 đã khẳng định tầm quan trọng của việc củng cố tinh thần đoàn kết, thúc đẩy sự phát triển vững mạnh trong cộng đồng ASEAN, chung tay xây dựng cơ chế phản hồi tổng thể, toàn diện để ứng phó với các thách thức toàn cầu, tận dụng các cơ hội và đưa ra các giải pháp ứng phó kịp thời, hiệu quả để cùng phát triển bền vững”, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng phát biểu khai mạc Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế – Hội đồng Đầu tư ASEAN lần thứ 23.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, đẩy mạnh đầu tư sẽ góp phần thúc đẩy phục hồi tăng trưởng kinh tế ASEAN, tạo việc làm, tăng cường sự gắn kết, nâng cao sức cạnh tranh, sức mạnh của cộng đồng doanh nghiệp trong khối ASEAN.
“Các thách thức thời gian qua cũng là động lực để ASEAN tiếp tục cải thiện và nâng cao chất lượng môi trường đầu tư, thông qua việc đưa ra các chính sách rõ ràng, minh bạch; phát triển cơ sở hạ tầng đồng bộ, hiện đại; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, cải thiện năng suất lao động, năng lực cạnh tranh của nền kinh tế”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói và bày tỏ tin tưởng rằng, với tất cả nỗ lực cải cách, ASEAN sẽ là điểm đến đầu tư an toàn, hấp dẫn và hiệu quả của các nhà đầu tư.
Theo Báo cáo Đầu tư ASEAN 2019, được Ban Thư ký Hiệp hội ASEAN công bố vào cuối năm 2019, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào ASEAN đã tăng năm thứ 3 liên tiếp, đạt mức kỷ lục 155 tỷ USD trong năm 2018, so với mức 147 tỷ USD năm trước đó. Tỷ lệ đầu tư vào ASEAN trong tổng lượng FDI toàn cầu cũng tăng từ 9,6% năm 2017 lên 11,5% năm 2018.
Khi chiến tranh thương mại nổ ra, đặc biệt là sau đại dịch Covid-19 bùng nổ, làm tê liệt chuỗi cung ứng thế giới, ASEAN càng trở thành một điểm đến hấp dẫn. Các nhà đầu tư châu Âu, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc… đều đang coi ASEAN là một điểm đến thay thế đầy tiềm năng. Chính vì vậy, nhiều nước trong khu vực ASEAN, như Thái Lan, Indonesia, Malaysia, Philippines… đã ban hành nhiều chính sách để có thể đón đầu được dòng vốn này. Và nay, tất cả đang chung tay để đưa ASEAN trở thành một điểm đến hấp dẫn và hiệu quả.
Thông tin cho biết, tại Hội nghị trên, các Bộ trưởng đã đánh giá cao nỗ lực của các nước thành viên ASEAN trong thực hiện các biện pháp và sáng kiến cần thiết để ASEAN duy trì sự hồi phục nhanh chóng, cởi mở và hấp dẫn đầu tư, hỗ trợ các nhà đầu tư và tạo điều kiện thuận lợi để đầu tư của họ vượt qua những khó khăn chưa từng có do Covid-19 gây ra. Các Bộ trưởng cũng giao nhiệm vụ cho các cán bộ đề xuất những sáng kiến khu vực để tạo thuận lợi cho đầu tư vào ASEAN, chuẩn bị cho trạng thái bình thường mới hậu Covid-19.
Việt Nam gấp rút đón đầu cơ hội
Cùng hợp tác, cùng phát triển là con đường mà Việt Nam phải đi, để cùng đưa ASEAN trở thành một khu vực kinh tế vững mạnh. Nhưng trong cuộc đua thu hút đầu tư, để vượt lên và thu hẹp khoảng cách phát triển, Việt Nam cần tăng tốc, quyết liệt hơn nữa. Dòng vốn đầu tư đang dịch chuyển vào ASEAN là có thật và Việt Nam đang có nhiều cơ hội để giành chiến thắng, để thu hút đầu tư, không chỉ từ các đối tác ngoài ASEAN, mà còn cả các nước thành viên ASEAN.
Trên thực tế, Việt Nam và ASEAN, trong suốt 25 năm qua, có thể nói, vừa là “đối thủ” nhưng cũng là “đối tác”. “Đối thủ” trong cạnh tranh thu hút đầu tư, nhưng Việt Nam và các thành viên ASEAN cũng là đối tác của nhau.
Số liệu từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, lũy kế tính đến nay, các nước thành viên ASEAN đã đầu tư vào Việt Nam trên 82,2 tỷ USD, chiếm 21% tổng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam. Trong đó, đáng chú ý có Singapore, với 54,98 tỷ USD; Malaysia, với 12,76 tỷ USD; Thái Lan, với 12,4 tỷ USD. Đây không chỉ là các đối tác đầu tư hàng đầu trong ASEAN, mà cũng là các đối tác đầu tư hàng đầu nói chung của Việt Nam. Cả Singapore, Thái Lan, Malaysia đều đứng trong top 10 các quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư lớn vào Việt Nam.
Trong khi đó, ở chiều ngược lại, Việt Nam đã đầu tư 10,4 tỷ USD sang các nước ASEAN, chiếm gần 50% tổng vốn đầu tư ra nước ngoài của Việt Nam, một tỷ lệ không nhỏ.
Như vậy, dù ở góc độ nào, ASEAN cũng đều là đối tác lớn về đầu tư của Việt Nam. Trong cuộc đua hôm nay, theo ông Đỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), Việt Nam cần chuẩn bị sẵn sàng, cả về đất đai, thủ tục, hạ tầng cơ sở, chất lượng nguồn nhân lực… để có thể đón đầu được cơ hội.
Trong ASEAN, Singapore, Thái Lan, Malaysia đang là đối tác lớn, nhưng họ cũng là “đối thủ”. Thêm Indonesia, Philippines đang rất nỗ lực để kéo dòng vốn đầu tư về phía mình. “Mỗi nước đều có những lợi thế riêng. Việt Nam cũng có rất nhiều lợi thế trong cuộc đua thu hút đầu tư nước ngoài. Nhưng nếu nói về đối thủ, thì theo tôi, đối thủ lớn nhất chính là chúng ta. Chúng ta phải vượt qua chính mình, vượt qua con virus trì trệ. Phải tiếp tục cải cách thì các nhà đầu tư mới đến với chúng ta”, ông Đỗ Nhất Hoàng nói.
Tại Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế – Hội đồng Đầu tư ASEAN lần thứ 23, các Bộ trưởng đã hoan nghênh việc Nghị định thư thứ 2 và Nghị định thư thứ 3 sửa đổi Hiệp định Đầu tư toàn diện ASEAN (ACIA), có hiệu lực vào ngày 18/6/2020.
Theo đó, Nghị định thư thứ 2 sửa đổi ACIA đã sửa định nghĩa về nhà đầu tư là “thể nhân” trong ACIA để đề cập việc đối xử với thường trú nhân theo ACIA. Trong khi đó, Nghị định thư thứ 3 sửa đổi ACIA đã loại bỏ đoạn 8 trong hướng dẫn áp dụng danh mục bảo lưu của ACIA. Điều này tạo điều kiện đối xử bình đẳng cho tất cả các nhà đầu tư của các nước thành viên ASEAN.
Các Bộ trưởng cũng hoan nghênh việc hoàn tất ký Nghị định thư thứ 4 sửa đổi ACIA vào ngày 15/7/2020. Nghị định thư này quy định bổ sung thêm nghĩa vụ TRIMs-Plus cấm đặt ra yêu cầu hoạt động đối với các khoản đầu tư vào ACIA.