English
19/112016
Đoàn công tác của Ủy ban làm việc tại Vương quốc Anh

Từ 14-18/11/2016, Đoàn công tác của Ủy ban do Phó Chủ tịch Trương Văn Phước dẫn đầu đã có chuyến thăm và làm việc với các cơ quan trong lĩnh vực tài chính – ngân hàng của Vương quốc Anh.

Thực hiện chương trình công tác của Uỷ ban đã được Chủ tịch Uỷ ban phê duyệt, trong các ngày từ 14-18/11/2016, Đoàn công tác của Ủy ban do Phó Chủ tịch Trương Văn Phước dẫn đầu đã có chuyến thăm và làm việc với các cơ quan trong lĩnh vực tài chính – ngân hàng của Vương quốc Anh . Mục đích của đoàn công tác nhằm tìm hiểu cơ cấu tổ chức, cách thức quản lý, vận hành, đánh giá các ưu – nhược điểm trong hoạt động của các cơ quan trong mạng lưới an toàn tài chính của Vương quốc Anh; chia sẻ kinh nghiệm giữa hai nước trong thực hiện giám sát thị trường tài chính và các bài học cho Việt Nam, đặc biệt trong bối cảnh những biến động về kinh tế, chính trị mạnh mẽ mang tính toàn cầu thời gian qua. Bên cạnh đó, đoàn công tác cũng dành thời gian tìm hiểu về những chuẩn bị và đánh giá bước đầu những tác động chủ yếu của việc đa số người dân Anh bỏ phiếu ra khỏi EU (Brexit) đối với nền kinh tế – tài chính của Anh nói riêng và thế giới nói chung thời gian tới.

Tại các cuộc làm việc với các cơ quan làm nhiệm vụ giám sát thị trường tài chính của Vương quốc Anh hiện nay bao gồm:  Cơ quan quản lý an toàn (PRA), Cơ quan kiểm soát tài chính (FCA), và Cơ quan bồi hoàn dịch vụ tài chính (FSCS), những cơ quan được cơ cấu lại từ mô hình Cơ quan dịch vụ tài chính (FSA) trước đây, hai bên đã có nhiều trao đổi chuyên sâu  về việc đảm bảo sự an toàn của cả hệ thống tài chính thông qua việc đưa ra các chuẩn mực hành chính, giám sát các hành vi giao dịch của các tổ chức tài chính trên thị trường, đảm bảo lòng tin vào thị trường và quyền lợi người tiêu dùng trong lĩnh vực tài chính; nhận diện, kiểm tra giám sát, đưa ra các hành động cụ thể để loại bỏ hoặc làm giảm thiểu các rủi ro tiềm ẩn của hệ thống.

Làm việc với Bộ Tài chính và Thị trường chứng khoán London, Đoàn công tác đã có những chia sẻ kinh nghiệm về việc thúc đẩy phát triển kinh tế vĩ mô, xử lý nợ công, hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp, phát triển thị trường vốn, hoạt động của các quỹ đầu tư và thị trường chứng khoán và cách thức xử lý các sự cố phát sinh. Trong đánh giá về tác động của Brexit, phía bạn cho rằng, với nền tảng kinh tế bền vững, kinh nghiệm xử lý khủng hoảng, một hệ thống các quy định chặt chẽ được áp dụng, nước Anh sẽ hạn chế được những tác động tiêu cực, phát huy những lợi thế để sớm ổn định nền kinh tế, tài chính của họ.

Phòng TTTT