English
Tự hào 10 năm một chặng đường

Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia tự hào 10 năm một chặng đường phát triển

Trên thế giới, trong những năm gần đây mô hình giám sát tài chính hợp nhất ngày càng phát triển. Số lượng các quốc gia áp dụng hệ thống giám sát tài chính hợp nhất tăng lên đáng kể trong những năm cuối thập kỉ 92 và đầu những năm 2000. Tính đến cuối năm 2002, có ít nhất 46 quốc gia đã áp dụng mô hình giám sát tài chính hợp nhất hoặc bán hợp nhất thông qua việc thành lập một cơ quan duy nhất giám sát toàn bộ lĩnh vực tài chính. Đến giữa năm 2006, có 36 quốc gia đã hoàn tất việc giám sát hợp nhất hoàn toàn, 11 quốc gia hợp nhất giám sát ngân hàng và bảo hiểm, 8 quốc gia hợp nhất giám sát chứng khoán và ngân hàng.

Ở Việt Nam, mô hình giám sát tài chính hợp nhất là mô hình còn rất mới. Cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008-2009 đã tác động trực tiếp đến nền kinh tế Việt Nam làm cho nền kinh tế lâm vào tình trạng hết sức khó khăn. Trước bối cảnh đó, Chính phủ đã nhiều lần họp bàn và đi đến quyết định tất yếu thành lập một cơ quan giám sát tài chính hợp nhất của Việt Nam. Và ngày 03/3/2008, Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia đã được thành lập theo quyết định số 34/2008/QĐ-TTg của Thủ tướng chính phủ với chức năng tham mưu, tư vấn cho Thủ tướng về giám sát chung thị trường tài chính (bao gồm ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm) và điều phối chức năng giám sát tài chính nhằm chống đỡ những cú sốc từ bên ngoài cho hệ thống tài chính Việt Nam.

Ổn định thị trường tài chính và kiểm soát rủi ro các định chế tài chính và các tập đoàn tài chính là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của cơ quan giám sát tài chính. Nhận thức được vai trò, trách nhiệm cũng như những trọng trách lớn đó, trong những năm qua, Ủy ban đã không ngững nỗ lực vươn lên và thể hiện tốt vai trò tham mưu, tư vấn cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong điều hành kinh tế vĩ mô và giám sát tổng thể thị trường tài chính. Thông qua các báo cáo giám sát chung thị trường tài chính, báo cáo giám sát các tập đoàn tài chính định kỳ 6 tháng và hàng năm và nhiều báo cáo chuyên đề, Ủy ban đã tập trung phân tích, đánh giá các chỉ tiêu lành mạnh tài chính, những biến động của các khu vực tài chính và toàn thị trường tài chính; đáng giá năng lực của các tổ chức tài chính, mức độ ảnh hưởng đến hệ thống tài chính và nền kinh tế; đồng thời, phát hiện những vấn đề còn bất cập và cần cảnh báo về kinh tế vĩ mô và hệ thống tài chính Việt Nam.

Từ năm 2008 đến nay, Ủy ban đã có nhiều tham mưu, tư vấn, khuyến nghị chính sách có giá trị cho Thủ tướng Chính phủ và Chính phủ trong điều hành kinh tế vĩ mô với nhiều nghiên cứu hữu ích và những sản phẩm nổi bật cho thấy được những đóng góp tích cực của Ủy ban trên nhiều phương diện, điển hình như:

(i) Trong công tác tham mưu, tư vấn cho Thủ tướng, Chính phủ về điều hành chính sách kinh tế vĩ mô: Hàng năm, Ủy ban đã chủ động nghiên cứu, phân tích, đánh giá, nhận định và dự báo xu hướng các vấn đề kinh tế vĩ mô để tư vấn kịp thời các chính sách điều hành cho Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ thông qua các Báo cáo phục vụ phiên họp Chính phủ thường kỳ (hàng tháng), Báo cáo phục vụ họp Hội đồng tư vấn chính sách tài chính tiền tệ Quốc gia (hàng quý) và các báo cáo định kỳ khác. Cùng với việc xem xét, phân tích diễn biến các nhân tố kinh tế, Ủy ban đã đi sâu phân tích, đánh giá tình hình kinh tế thế giới và trong nước để xây dựng các chỉ tiêu phát triển kinh tế – xã hội, đánh giá diễn biến thị trường tài chính, khu vực phi tài chính (doanh nghiệp, thị trường bất động sản, hộ gia định); từ đó, đưa ra bức tranh tổng thể về nền kinh tế Việt Nam, đồng thời đánh giá sự tác động của thị trường tài chính đến kinh tế vĩ mô và tác động của kinh tế vĩ mô đến thị trường tài chính.

Qua đó, Ủy ban đề xuất các giải pháp và các chính sách phù hợp để tham mưu, tư vấn cho Chính phủ, thủ tướng Chính phủ về các giải pháp điều hành kinh tế vĩ mô, các chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ nhằm lành mạnh hóa hệ thống tài chính, giúp ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì tăng trưởng kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội góp phần xây dựng, phát triền đất nước vững mạnh và bền vững.

Ngoài ra, Ủy ban còn xây dựng các Báo cáo chuyên đề: Báo cáo tham mưu giải pháp chủ yếu nhằm thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội năm 2017, Báo cáo về điều hành chính sách tiền tệ và chính sách tiền gửi USD; Khả năng hạ lãi suất, quan điểm điều hành chính sách tiền tệ năm 2018; Báo cáo kích bản kinh tế – tài chính giai đoạn 2016-2020 (2017); Báo cáo thị trường tài chính trong nước và quốc tế; Báo cáo dịch chuyển cơ cấu tăng trưởng 2006-2015, Báo cáo lãi suất năm 2016 và tác động đến nền kinh tế, Báo cáo một số thách thức và nguy cơ đối với nền kinh tế Việt Nam trong năm 2016 và giai đoạn 2016-2020; Báo cáo nhanh về “Khía cạnh tài chính của các dự án BOT”; Báo cáo đánh giá tác động giảm giá dầu đến thu ngân sách nhà nước, Báo cáo tác động của việc nước Anh rút khỏi Liên minh Châu Âu, Báo cáo tác động của việc suy giảm tăng trưởng đến thâm hụt ngân sách nhà nước và nợ công, Báo cáo tác động của việc ông Donal Trump đắc cử tổng thống Mỹ…(2016); Báo cáo đánh giá tình hình nợ công năm 2015 và chỉ ra nguyên nhân tăng quy mô nợ công, đồng thời dự báo nợ công giai đoạn 2016-2020 và đề xuất một số kiến nghị chính sách để cải thiện nguồn thu, tăng cường quản lý chi, giảm bớt thâm hụt ngân sách nhà nước (2015); Báo cáo triển vọng kinh tế Việt Nam năm 2012-2013, Báo cáo về lạm phát của Việt Nam, nguyên nhân và giải pháp, đề xuất hệ thống các giải pháp trước mắt và lâu dài nhằm kiềm chế lạm phát và giải quyết tận gốc những nguyên nhân sâu xa gây ra lạm phát, Báo cáo về các biện pháp và lộ trình chống đô la hóa trên thế giới và rút bài học cho Việt Nam (2011)…

(ii) Về hoạt động giám sát chung thị trường tài chính và điều phối chính sách giám sát  

Với các Báo cáo tổng quan thị trường tài chính, Báo cáo giám sát chung thị trường tài chính, Báo cáo giám sát hợp nhất các tập đoàn tài chính hàng năm, Ủy ban đã đưa ra bức tranh tổng quan về thị trường tài chính nói chung và từng khu vực nói riêng (ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm) giai đoạn tái cơ cấu 2011-2015 và 2016-2020. Những phân tích, đánh giá của Ủy ban dưới góc độ của một cơ quan giám sát độc lập đã đưa ra những quan điềm, nhận định khách quan về những diến biến của thị trường tài chính, phát hiện kịp thời những bất cập và rủi ro của hệ thống tài chính từ đó chỉ ra những dấu hiệu cần cảnh báo.Trên cơ sở đó, Ủy ban đã đề xuất với Chính phủ và các cơ quan quản lý nhà nước nhằm giảm thiểu rủi ro, đảm bảo cho thị trường tài chính hoạt động an toàn, lành mạnh, ổn định và bền vững. Trong quá trình theo triển khai Đề án tái cơ cấu hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD) giai đoạn 2011-2015, Ủy ban đã phát hiện ra một số vấn đề phát sinh như: lãi dự thu tăng nhanh và tích tụ trong thời gian dài dấn đến tình trạng “lãi giả, lỗ thật”, quá trình xử lý lãi dự thu xuất hiện hiện tượng “lãi nhập gốc”. Trong quá trình tham gia xây dựng Luật hỗ trợ tái cơ cấu hệ thống TCTD và xử lý nợ xấu, Ủy ban đã đưa ra nhiều ý kiến về thực trạng cơ sở pháp lý liên quan đến xử lý tài sản đảm bảo và xử lý TCTD yếu kém. Ngoài ra, Ủy ban còn đi sâu phân tích những vấn đề thời sự và những biến động của kinh tế, tài chính như: Báo cáo về tình trạng cấp tín dụng vượt hạn mức của một số ngân hàng đối với những ngành, lĩnh vực tiềm ẩn nhiều rủi ro cao; Báo cáo đánh giá mức độ ổn định thị trường tài chính và khả năng cung ứng vốn cho nền kinh tế. Đây là tài liệu quan trọng để đưa vào Đề án những giải pháp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế giai đoạn 2017-2020; Báo cáo về tình hình huy động vốn và cho vay ngoại tệ của một số NHTM và các chỉ tiêu xuất nhập khẩu ngoại tệ; Báo cáo đánh giá thực trạng hoạt động của Ngân hàng phát triển Việt Nam và đề xuất tái cơ cấu giai đoạn 2016-2020.

Với nhiệm vụ tham mưu điều phối hoạt động giám sát thị trường tài chính, Ủy ban đã tham gia đóng góp nhiều ý kiến quan trọng đối với Chính phủ và các Bộ, ngành như: Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật các tổ chức tín dụng và đã được Quốc hội thông qua trong kỳ họp Quốc hội tháng 11/2017; Dự thảo Chiến lược phát triển ngành ngân hàng đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030 trình Chính phủ; Dự thảo đề án tái cơ cấu và nâng cao năng lực cho VAMC giai đoạn 2017-2020 và hướng tới năm 2022; Dự thảo Lộ trình phát triển thị trường trái phiếu Việt Nam giai đoạn 2017-2020 và tầm nhìn đến năm 2030…

Bên cạnh đó, Ủy ban đã không ngừng hoàn thiện hệ thống chỉ tiêu và phương pháp phân tích, dự báo kinh tế vĩ mô và giám sát tài chính trên cơ sở xây dựng, áp dụng, hoàn thiện các mô hình/phương pháp/công cụ nghiên cứu định lượng và vận dụng, tiếp thu các phương pháp, mô hình giám sát tài chính trên thế giới. Hiện nay Ủy ban là cơ quan đi đầu trong ứng dụng phương pháp giám sát dựa trên rủi ro (PRISM) trong giám sát các định  chế tài chính trong cả 3 lĩnh vực: ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm. Điều này góp phần ngày càng nâng cao chất lượng các báo cáo tham mưu, tư vấn của Ủy ban, cung cấp những đánh giá độc lập, đáng tin cậy và từ đó, đề xuất, kiến nghị giải pháp với Chính phủ, các Bộ, ngành liên quan và các cơ quan giám sát chuyên ngành trong điều hành và thực thi chính sách, sửa đổi, bổ sung hoàn thiện khuôn khổ pháp lý quản lý, giám sát hoạt động ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm cũng như các vấn đề có liên quan trực tiếp đến thị trường tài chính và nền kinh tế. Mặt khác, Ủy ban chủ động, tích cực phối hợp với các bộ, ngành liên quan trong việc hoàn thiện cơ chế, chính sách về quản lý, giám sát chuyên ngành, về định hướng và các giải pháp phát triển thị trường tài chính an toàn, lành mạnh, hiệu quả.

Bên cạnh việc đổi mới về mô hình tổ chức, hoạt động, hoàn thiện và nâng cao chất lượng công tác giám sát, Ủy ban đã tổ chức nhiều diễn đàn quốc tế và có nhiều hoạt động hợp tác quốc tế nhằm mở rộng quan hệ hợp tác và nâng cao năng lực chuyên môn và kinh nghiệm trong công tác giám sát tài chính. Nhiều diễn đàn tài chính lớn của Ủy ban đã nâng cao hình ảnh và vị thế của mình ở trong nước và trên trường quốc tế. Hội nghị ổn định tài chính khu vực Đông Á với chủ đề “Khuôn khổ ổn định và giám sát tài chính trong môi trường nhiều biến động” vào tháng 11/2012 do Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia tổ chức đã quy tụ được gần 400 đại biểu, đại diện các cơ quan quản lý, các cơ quan hoạch định chính sách, cơ quan giám sát tài chính quốc tế ở nhiều quốc gia trong khu vực và thế giới đến tham dự. Trong bối cảnh thị trường tài chính quốc tế và Việt Nam tiềm ẩn nhiều bất ổn, việc nỗ lực tổ chức Hội nghị này là minh chứng mạnh mẽ cho quyết tâm cải cách hệ thống tài chính theo hướng an toàn, vững chắc tạo tiền đề duy trì đà tăng trưởng và phát triển bền vững của Chính phủ Việt Nam.

Với sự cố gắng và nỗ lực vươn lên không ngừng của tập thể Ban lãnh đạo và toàn thể cán bộ của Ủy ban, chặng đường 10 năm qua mặc dù còn nhiều khó khăn, thử thách nhưng đó cũng là quá trình đóng góp, cống hiến và phát triển đáng tự hào của Ủy ban và đã được lãnh đạo Đảng, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ghi nhận. Nhiều tập thể, cá nhân của Ủy ban đã được trao tặng Huân chương lao động, bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, danh hiệu chiến sĩ thi đua…

Chặng được phía trước và những giai đoạn tiếp theo là những thách thức rất lớn. Vì vậy, đòi hỏi mỗi cán bộ, công chức Ủy ban cần tích cực phát huy những kết quả đã đạt được trong 10 năm qua và phải nỗ lực hơn nữa, quyết tâm cao hơn nữa để làm tốt vai trò của cơ quan tham mưu, tư vấn cho Thủ tướng Chính phủ trong giám sát chung thị trường tài chính, tư vấn các chính sách điều hành kinh tế vĩ mô, góp phần quan trọng trong việc đảm bảo sự an toàn, lành mạnh, ổn định và phát triền bền vững của hệ thống tài chính và nền kinh tế Việt Nam đặc biệt là trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế.