English
27/032019
Kiềm chế CPI dưới 4%: Làm tốt quý I, tạo đà cả năm

Giá điện được điều chỉnh; giá xăng dầu thế giới vẫn tiềm ẩn những yếu tố khó lường; tăng lương, tăng giá dịch vụ y tế, giáo dục theo lộ trình… là những yếu tố sẽ ảnh hưởng đến chỉ số giá tiêu dùng (CPI). Mục tiêu kiềm chế CPI dưới 4% sẽ chỉ đạt được nếu có sự phối hợp chặt chẽ giữa các đơn vị.

Áp lực lớn cho CPI

Trong kỳ điều chỉnh mới đây nhất, Liên Bộ Công Thương – Tài chính đã quyết định giữ ổn định giá các mặt hàng xăng dầu tiêu dùng phổ biến trên thị trường, sau khi tăng mạnh mức chi sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu. Như vậy, kể từ đầu năm đến nay, giá xăng dầu chỉ tăng 1 lần duy nhất, còn lại là giảm hoặc giữ nguyên giá. Động thái này thể hiện quyết tâm điều hành các mặt hàng do nhà nước quản lý giá linh hoạt nhằm kiềm chế CPI không tăng ở mức quá cao.

kiem che cpi duoi 4 lam tot quy i tao da ca nam
Giá xăng dầu được giữ nguyên trong kỳ điều chỉnh gần nhất

Việc quyết định không điều chỉnh giá xăng dầu thời điểm này, dù giá xăng dầu thế giới đang ở mức cao, là cần thiết, bởi giá nhiều hàng hóa trên thị trường đang có diễn biến phức tạp. Đơn cử, từ ngày 1/3, giá gas đã tăng 17.000 đồng; giá lúa tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long cũng có xu hướng nhích lên sau khi các bộ, ban, ngành, địa phương vào cuộc mua tạm trữ lúa gạo cho nông dân theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ; dịch bệnh trên lợn có thể đẩy giá các mặt hàng thực phẩm khác tăng cao… Đặc biệt, giá điện được điều chỉnh tăng 8,36% kể từ ngày 20/3, không chỉ tác động trực tiếp đến CPI mà còn gây áp lực tăng giá lên nhiều mặt hàng khác bởi đây là đầu vào của nhiều ngành sản xuất.

Ngay từ đầu năm nay, các chuyên gia cho rằng, việc kiềm chế CPI dưới 4% theo mục tiêu Quốc hội giao không hề đơn giản khi hàng loạt các mặt hàng như giá điện, dịch vụ, y tế, giáo dục… đều có xu hướng tăng theo lộ trình. Xu hướng tăng giá của đồng USD cũng sẽ gây tác động đến tỷ giá trong nước.

Thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp

Dù mục tiêu CPI tăng không quá 4% không dễ để đạt được, nhưng theo Tiến sĩ Lê Quốc Phương – chuyên gia phân tích kinh tế – việc hoàn thành CPI dưới 4% vẫn có thể đạt được bởi nhiều yếu tố thuận lợi. Đó là những năm gần đây (2016-2018), CPI thấp dưới 4%, lạm phát cơ bản thấp dưới 2%; cung hàng hóa tương đối dồi dào không gây biến động lớn về giá; kinh tế vĩ mô ổn định tạo dư địa tiếp tục kiềm chế lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô; đồng thời, hỗ trợ tăng trưởng ở mức hợp lý.

“Xuất siêu liên tục trong vài năm gần đây giúp tỷ giá ổn định và giảm áp lực lạm phát; dự trữ ngoại hối cao kỷ lục giúp Ngân hàng Nhà nước có công cụ ổn định tỷ giá cũng làm giảm áp lực lạm phát. Nếu duy trì thành tích xuất siêu, áp lực lên CPI sẽ phần nào được giảm bớt” – ông Lê Quốc Phương cho biết.

Để bảo đảm CPI không tăng quá cao, Bộ Công Thương đang phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương theo dõi sát diễn biến giá những mặt hàng thiết yếu để kịp thời đề xuất giải pháp bảo đảm cân đối cung – cầu nhằm bình ổn giá, làm tốt khâu lưu thông, nhất là thời điểm dịp lễ, Tết.

Đối với việc thực hiện lộ trình thị trường một số mặt hàng quan trọng, thiết yếu, Bộ Tài chính tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, Tổng cục Thống kê tính toán mức độ và thời điểm điều chỉnh phù hợp, giúp kiểm soát mặt bằng chung, hạn chế tác động của chi phí đến sản xuất, tiêu dùng và đời sống người dân. Ngoài ra, tăng cường kiểm tra việc chấp hành các quy định pháp luật về giá, nhất là đối với những hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng thiết yếu, hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục kê khai giá.

Theo các chuyên gia, kiềm chế tốt CPI trong quý I sẽ tạo đà để điều hành giá các mặt hàng do nhà nước quản lý trong thời gian tới, từ đó hoàn thành mục tiêu CPI cả năm.

Nguồn: congthuong.vn