Nền kinh tế Việt Nam năm 2019 khép lại với tốc độ tăng trưởng GDP đạt 7,02%, tiếp nối đà tăng trưởng 7,08% - mức cao kỷ lục trong hơn một thập kỷ qua - đã đạt được trong năm 2018 trước đó.
Tiêu dùng tư nhân tăng 7,3% và đầu tư tăng 7,7%, niềm tin của nhà đầu tư tiếp tục được củng cố, đầu tư trực tiếp nước ngoài gia tăng. Với xung lực tăng trưởng mạnh, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đã điều chỉnh nâng dự báo tăng trưởng của Việt Nam từ mức 6,7% lên 6,8% trong năm 2020.
Ðộng lực tăng trưởng trong năm 2020 sẽ được củng cố nhờ tăng trưởng mạnh mẽ của tiêu dùng trong nước, được hậu thuẫn bởi lạm phát ở mức vừa phải và sự lớn mạnh của tầng lớp thu nhập trung bình.
Lạm phát được giữ ở mức thấp, tỷ giá ổn định và chính sách tiền tệ được định hướng hỗ trợ tăng trưởng, tạo ra môi trường kinh tế vĩ mô thuận lợi hơn để mở rộng sản xuất, kinh doanh cũng như đầu tư hộ gia đình.
Việc tháo gỡ những vướng mắc để đẩy mạnh giải ngân theo kế hoạch một số dự án đầu tư công trọng điểm sẽ góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong năm 2020.
Năm 2020 được dự báo tình hình thế giới và khu vực sẽ diễn biễn phức tạp, khó lường. Chiến tranh thương mại Mỹ – Trung vẫn là những thách thức khó đoán định đang kéo giảm thương mại toàn cầu.
Tăng trưởng kinh tế của nhiều nền kinh tế lớn trên thế giới, bao gồm cả Mỹ và Trung Quốc được dự báo đang chậm lại. Giá dầu thế giới diễn biến khó dự báo.
Các yếu tố bên ngoài không mấy thuận lợi như vậy sẽ có những ảnh hưởng bất lợi đến nền kinh tế định hướng xuất khẩu và có độ mở cao như Việt Nam.
Ðể giữ vững thành quả phát triển kinh tế đầy ấn tượng và tăng trưởng ở mức cao cũng như đảm bảo phát triển kinh tế – xã hội ngày càng bền vững, Chính phủ cần tiếp tục điều hành ổn định kinh tế vĩ mô và đẩy mạnh hơn nữa cải cách thể chế, cải thiện hơn nữa môi trường kinh doanh và đầu tư, nhằm tạo điều kiện cho khu vực tư nhân tham gia và đóng góp nhiều hơn nữa cho nền kinh tế.
Về lâu dài, quan điểm của chúng tôi là Việt Nam cần đảm bảo tính bền vững, bao trùm trong phát triển kinh tế, chú trọng đến chất lượng hơn là tốc độ tăng trưởng.
Trước hết, Việt Nam cần phải làm nhiều hơn nữa để tiếp tục đẩy mạnh các cải cách tái cơ cấu quan trọng, bao gồm cải cách doanh nghiệp nhà nước, lĩnh vực tài chính – ngân hàng, bên cạnh những cải cách quan trọng trong lĩnh vực y tế và giáo dục.
Thứ hai, cần giải quyết tính lưỡng cực của nền kinh tế, đặc biệt đối với ngành sản xuất – chế biến, chế tạo, lĩnh vực đang bị chi phối bới các doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài, khu vực còn có liên kết yếu hoặc không có mối liên kết nào với các doanh nghiệp trong nước.
Trong lĩnh vực nông nghiệp, thương mại hóa nông nghiệp đóng vai trò rất quan trọng, đặc biệt là trong bối cảnh Việt Nam vẫn đang phát triển nông nghiệp dựa nhiều vào các nguồn lực tự nhiên.
Thứ ba, Việt Nam cần nâng cao năng suất lao động, trong đó tăng trưởng cần được dựa nhiều hơn vào đổi mới sáng tạo và công nghệ, thay vì các yếu tố sẵn có như lao động và các tài nguyên thiên nhiên khác.
Việt Nam cần thúc đẩy phát triển hệ thống quốc gia về đổi mới sáng tạo để có thể áp dụng nhanh chóng các công nghệ tiên tiến và tăng cường năng lực cạnh tranh trên thị trường toàn cầu, cũng như tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị quốc tế.
Cuối cùng, Việt Nam cũng cần giải quyết những thách thức phát sinh về biến đổi khí hậu, vấn đề nhân khẩu học và thu hẹp khoảng cách bất bình đẳng xã hội.
Năm 2020, năm cuối cùng của Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2016-2020 đang mở ra với nhiều kỳ vọng phát triển cho nền kinh tế Việt Nam.
Cùng với các đối tác phát triển, Ngân hàng Phát triển châu Á luôn sát cánh, sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam đạt được những thành quả phát triển kinh tế-xã hội bền vững và bao trùm trong năm 2020, tạo nền tảng vững chắc cho kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm tiếp theo.
Chúc mừng Năm mới!
Nguồn: tinnhanhchungkhoan.vn