Chính phủ yêu cầu các địa phương cùng các bộ, ngành liên quan tiếp tục tập trung thực hiện nhiệm vụ tìm kiếm cứu nạn; chỉ đạo, tổ chức triển khai công tác ứng phó, khắc phục hậu quả, hỗ trợ lương thực, thực phẩm, thuốc men cho người dân vùng bị thiên tai, bão lũ, sạt lở đất với tinh thần không để người dân bị đói rét, không có chỗ ở.
Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 10/2020 vừa được Chính phủ ban hành.
Trong đó, về công tác ứng phó bão lũ, cứu hộ, cứu nạn và khắc phục hậu quả thiên tai, ổn định cuộc sống người dân, Nghị quyết nêu rõ, vừa qua, tại các tỉnh miền Trung xảy ra liên tiếp tình trạng “bão chồng bão”, “lũ chồng lũ”, riêng tháng 10 có tới 4 cơn bão lớn, trong đó cơn bão số 9 được đánh giá là cơn bão lớn nhất trong 20 năm qua đã gây mưa, lũ lớn, ngập lụt trên diện rộng và sạt lở đất nghiêm trọng ở nhiều điểm, ảnh hưởng rất nặng nề đến sản xuất và đời sống của hàng triệu người dân.
Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai và Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn đã chỉ đạo các cấp, các ngành, các cơ quan chức năng, nhất là cấp ủy, chính quyền các địa phương chủ động ứng phó quyết liệt, kịp thời với phương châm “4 tại chỗ”; thành lập Sở chỉ huy tiền phương ngay tại tâm bão để chỉ đạo công tác phòng, chống, khắc phục hậu quả bão lũ và tìm kiếm cứu nạn, chỉ đạo sơ tán người dân ra khỏi vùng nguy hiểm; xuất cấp hàng chục nghìn tấn gạo và bảo đảm nhu yếu phẩm cho người dân;…
Chính phủ chia sẻ mất mát, khó khăn của đồng bào miền Trung, đặc biệt là gia đình của những người bị nạn, các cán bộ, chiến sĩ quân đội, công an đã hy sinh trong khi làm nhiệm vụ cứu hộ, cứu nạn. Trong khó khăn, hoạn nạn, chúng ta càng thấy ngời sáng tình thương yêu, đùm bọc của đồng bào, đồng chí, sự đoàn kết, chung sức, đồng lòng của cả nước cùng hướng về miền Trung ruột thịt. Cùng với sự quan tâm, chỉ đạo kịp thời của Đảng, Nhà nước, với tinh thần sẻ chia, tương thân, tương ái, đùm bọc lẫn nhau, cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân cả nước đã có nhiều việc làm thiết thực hỗ trợ đồng bào miền Trung vượt qua khó khăn, sớm ổn định cuộc sống, thể hiện nét đẹp văn hoá, truyền thống và bản chất tốt đẹp của chế độ ta.
Thời gian tới, Chính phủ yêu cầu các địa phương cùng các bộ, ngành liên quan tiếp tục tập trung thực hiện nhiệm vụ tìm kiếm cứu nạn; theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, rà soát những nơi có nguy cơ sạt lở đất, lũ ống, lũ quét, chủ động xây dựng phương án, huy động lực lượng di dời kịp thời người dân đến nơi an toàn; chỉ đạo, tổ chức triển khai công tác ứng phó, khắc phục hậu quả, hỗ trợ lương thực, thực phẩm, thuốc men cho người dân vùng bị thiên tai, bão lũ, sạt lở đất với tinh thần không để người dân bị đói rét, không có chỗ ở; bảo đảm vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh; giúp người dân sửa chữa nhà cửa hư hỏng, khôi phục các cơ sở hạ tầng bị thiệt hại để sớm ổn định đời sống và sản xuất của nhân dân vùng bị thiên tai.
Tiếp tục tìm kiếm các nạn nhân
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai và Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn cùng các địa phương tiếp tục tập trung chỉ đạo huy động phương tiện, lực lượng cần thiết, khẩn cấp triển khai công tác cứu hộ, cứu nạn, tìm kiếm các nạn nhân, người mất tích do bị sạt lở đất, ngư dân mất liên lạc trên biển; đồng thời có phương án bảo đảm an toàn cho lực lượng tham gia tìm kiêm cứu nạn.
Bộ Tài nguyên và Môi trường chỉ đạo tổ chức theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, thiên tai; ứng dụng mạnh mẽ khoa học công nghệ, nâng cao năng lực, chất lượng dự báo, cảnh báo thiên tai; cung cấp thông tin kịp thời, chính xác, phục vụ công tác chỉ đạo, ứng phó với thiên tai. Bộ Quốc phòng, Bộ Công an chỉ đạo lực lượng chức năng phối hợp tham gia tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn, hỗ trợ người dân các địa phương bị thiệt hại do thiên tai, bão lũ sớm ổn định đời sống và sản xuất.
Bộ Y tế phối hợp chặt chẽ với các địa phương khẩn trương khôi phục lại hoạt động của các cơ sở y tế bị ảnh hưởng bởi thiên tai, bão lũ; tập trung huy động nguồn lực cứu chữa những người bị nạn. Đồng thời, hướng dẫn, khuyến cáo cách xử lý nước sinh hoạt an toàn; bảo đảm vệ sinh môi trường và thực hiện hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch bệnh.
Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp cùng các địa phương bị thiệt hại do thiên tai khắc phục khó khăn, bảo đảm các điều kiện cần thiết để học sinh sớm được đến trường; hướng dẫn các địa phương điều chỉnh kế hoạch phù hợp, đáp ứng yêu cầu thực hiện chương trình dạy và học.
Hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi để khôi phục sản xuất
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp các bộ, cơ quan và các địa phương liên quan khẩn trương tổng hợp đề xuất hỗ trợ thiệt hại do thiên tai của các địa phương. Phối hợp với Bộ Tài chính thực hiện chính sách hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi để khôi phục sản xuất tại vùng bị thiệt hại do thiên tai theo quy định. Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội và các bộ, cơ quan liên quan khẩn trương xây dựng Nghị quyết của Chính phủ về việc hỗ trợ kinh phí khắc phục thiệt hại về nhà ở do thiên tai gây ra trên địa bàn một số địa phương miền Trung và Tây Nguyên, báo cáo Chính phủ xem xét, ban hành.
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ đạo các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài chủ động rà soát các khoản nợ vay của người dân, doanh nghiệp bị thiệt hại do thiên tai, có giải pháp tháo gỡ khó khăn về vay vốn và thực hiện xử lý nợ vay bị rủi ro theo quy định. Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp các bộ, cơ quan, địa phương liên quan sớm rà soát, đề xuất và thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội cho người dân các địa phương bị thiệt hại do thiên tai.
Bộ Công Thương chỉ đạo tổ chức cung ứng đầy đủ các hàng hóa, vật tư thiết yếu, nhu yếu phẩm phục vụ người dân vùng bị thiệt hại do thiên tai, bảo đảm bình ổn giá cả thị trường, không để xảy ra tình trạng khan hiếm hàng hóa, gây tăng giá đột biến. Chỉ đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam khẩn trương khôi phục hệ thống lưới điện, bảo đảm cung ứng điện phục vụ sinh hoạt và sản xuất tại các vùng bị ảnh hưởng bởi thiên tai.
Bộ Giao thông vận tải khẩn trương có phương án khắc phục, khôi phục các cơ sở hạ tầng giao thông, đặc biệt là những khu vực giao thông bị chia cắt; bảo đảm an toàn giao thông vùng bị thiệt hại do thiên tai.
Chính phủ đề nghị Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị – xã hội, doanh nghiệp, cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân, các nhà hảo tâm tiếp tục phát huy truyền thống tương thân, tương ái, “lá lành đùm lá rách”, quan tâm, hỗ trợ, ủng hộ nhân dân các địa phương bị thiệt hại do thiên tai bão lũ sớm vượt qua khó khăn, mất mát, ổn định đời sống. Các cấp, các ngành, địa phương tập trung chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, có chính sách hỗ trợ phù hợp, kịp thời để cộng đồng doanh nghiệp, người dân nỗ lực phát triển sản xuất, kinh doanh, tăng năng suất lao động để bù đắp, góp phần giảm bớt những tổn thất, thiệt hại do thiên tai, bão lũ đã gây ra đối với đồng bào miền Trung.
Tiếp tục nỗ lực thực hiện “mục tiêu kép”
Để hoàn thành mức cao nhất mục tiêu, chỉ tiêu kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2020, trong thời gian còn lại của năm, Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tiếp tục nỗ lực thực hiện “mục tiêu kép”, phấn đấu đạt mức tăng trưởng cả năm từ 2,5 – 3%; tập trung thực hiện quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội theo các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Trong đó, các bộ, cơ quan, địa phương, nhất là hai Thành phố lớn Hà Nội và Hồ Chí Minh, không được chủ quan, lơ là trong phòng, chống dịch COVID-19; chỉ đạo thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định, nhất là kiểm soát chặt chẽ hoạt động xuất nhập cảnh, đeo khẩu trang tại nơi công cộng và nơi tập trung đông người. Bộ Y tế phối hợp với các bộ, ngành, địa phương nâng cao năng lực xét nghiệm, điều trị trên diện rộng, khả năng truy vết, dự trữ đầy đủ vật tư, trang thiết bị y tế; chủ động sản xuất và hợp tác để người dân sớm tiếp cận vắc xin ngừa COVID-19. Đồng thời, có giải pháp phù hợp, tạo thuận lợi cho chuyên gia, nhà đầu tư, lao động tay nghề cao nhập cảnh và đón công dân về nước.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và các bộ, ngành, địa phương thực hiện nghiêm các kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại hội nghị toàn quốc về thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công và vốn ODA, vốn vay ưu đãi, bảo đảm gắn với trách nhiệm người đứng đầu trong công tác này, nhất là công tác giải phóng mặt bằng và triển khai thực hiện các thủ tục đầu tư. Thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa đầu tư tư nhân, bao gồm cả đầu tư trong nước và FDI; các mô hình kinh tế mới.
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Điều hành tăng trưởng tín dụng phù hợp, đáp ứng nhu cầu vốn tín dụng cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, không hạ chuẩn tín dụng. Đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt.
Chủ động kế hoạch bảo đảm nguồn cung hàng hoá dịp cuối năm
Chính phủ yêu cầu Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp các bộ, ngành, địa phương có giải pháp sớm khôi phục các chuỗi cung ứng, thúc đẩy phát triển ngành logistics, công nghiệp hỗ trợ. Tranh thủ cơ hội duy trì và mở rộng thị trường xuất khẩu từ các hiệp định thương mại tự do đã ký kết, nhất là Hiệp định CPTPP và Hiệp định EVFTA; tăng cường thực hiện các giải pháp truy xuất nguồn gốc hàng hoá. Đẩy mạnh kích cầu tiêu dùng nội địa phù hợp, tổ chức tốt các kênh phân phối hàng hóa gắn với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”; chú trọng phát triển thương mại điện tử. Chủ động kế hoạch bảo đảm nguồn cung hàng hoá dịp cuối năm.
Bộ Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp các bộ, ngành, địa phương liên quan đẩy nhanh tiến độ xây dựng, hoàn thành, đưa vào sử dụng các dự án cải tạo, nâng cấp đường cất, hạ cánh, đường lăn sân bay Nội Bài, sân bay Tân Sơn Nhất và triển khai dự án xây dựng sân bay Long Thành theo kế hoạch đề ra.
Bộ Tài nguyên và Môi trường rà soát, đánh giá những ảnh hưởng, thiệt hại do thiên tai, bão lũ đối với hoạt động dự báo khí tượng thủy văn tại khu vực miền Trung thời gian vừa qua để có biện pháp khắc phục kịp thời theo quy định, trường hợp vượt thẩm quyền, phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các cơ quan liên quan báo cáo Thủ tướng xem xét, quyết định; chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính đề xuất Chính phủ để báo cáo Quốc hội việc sử dụng kinh phí sự nghiệp môi trường cho các nhiệm vụ quan trọng cấp bách như quy định tại Nghị quyết số 86/2019/QH14 ngày 12/11/2019 của Quốc hội.
Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính và các bộ, cơ quan, địa phương tổ chức triển khai hiệu quả Nghị quyết số 154/NQ-CP và Quyết định số 32/2020/QĐ-TTg để sớm hỗ trợ người dân, doanh nghiệp gặp khó khăn do đại dịch COVID-19.
Tăng cường giám sát việc phân phối, sử dụng sách giáo khoa, sách tham khảo
Chính phủ yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo tăng cường chỉ đạo, kiểm tra, giám sát việc phân phối, sử dụng sách giáo khoa, sách tham khảo tại các cơ sở giáo dục phổ thông; khẩn trương chỉ đạo việc rà soát, tiếp thu ý kiến đóng góp một cách cầu thị, làm rõ trách nhiệm của cá nhân, tổ chức liên quan để có biện pháp xử lý, điều chỉnh phù hợp nội dung của sách giáo khoa lớp 1 với tinh thần minh bạch, khách quan. Nâng cao chất lượng hoạt động của hội đồng giáo sư các cấp, bảo đảm công bằng, khách quan, không để xảy ra tiêu cực trong việc xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư năm 2020.
Bộ Y tế phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan nghiên cứu hoàn thiện hành lang pháp lý và cơ chế thanh toán bảo hiểm y tế cho hoạt động khám chữa bệnh từ xa; phối hợp với Bảo hiểm Xã hội Việt Nam ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin trong thanh toán bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội. Rà soát, đánh giá hiệu quả việc triển khai chương trình sữa học đường giai đoạn 2016 – 2020.
Bộ Khoa học và Công nghệ rà soát, bổ sung quy định về quản lý, kiểm soát, ngăn chặn hiệu quả các công nghệ lạc hậu gây ô nhiễm môi trường; phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường hoàn thiện hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật về bảo vệ môi trường; hoàn thiện, bổ sung chính sách và tập trung phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận các ưu đãi hỗ trợ khoa học, công nghệ.
Bộ Tư pháp phối hợp chặt chẽ với các bộ, cơ quan đẩy nhanh tiến độ xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, bảo đảm chất lượng và tiến độ theo phân công; khắc phục tình trạng nợ đọng văn bản quy định chi tiết thi hành luật, pháp lệnh. Bộ Ngoại giao tiếp tục thực hiện tốt công tác bảo hộ công dân, nhất là tại các nước dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp.
Bộ Quốc phòng tiếp tục nắm chắc tình hình, dự báo kịp thời, chính xác các tình huống, nhất là trên biển, để có phương án ứng phó kịp thời, không để bị động bất ngờ; kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ quốc gia. Bộ Công an theo dõi sát tình hình, chủ động phương án, kế hoạch đấu tranh với các thế lực thù địch, phản động, mở cao điểm tấn công trấn áp các loại tội phạm, bảo đảm giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, nhất là dịp Tết Nguyên đán 2021 và trong thời gian diễn ra Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.
Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ đạo đẩy mạnh công tác thông tin, truyền thông về những kết quả đạt được trong việc thực hiện “mục tiêu kép”; các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 và công tác khắc phục hậu quả thiên tai, bão lũ, tôn vinh những tấm gương người tốt, việc tốt, tấm gương hy sinh cao cả giúp người dân phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, bão lũ. Tiếp tục đẩy mạnh phát triển Chính phủ điện tử, nâng cấp hạ tầng số, công nghệ thông tin, băng thông rộng quốc tế để triển khai mạng 5G quy mô quốc gia.
Chính phủ thống nhất đánh giá: Mặc dù gặp nhiều khó khăn do thiên tai, bão lũ, dịch bệnh nhưng với sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị, sự nỗ lực của các bộ, ngành, địa phương, nhân dân cả nước và cộng đông doanh nghiệp, tình hình kinh tế – xã hội nước ta có chuyển biến tích cực. Chúng ta tiếp tục kiểm soát tốt đại dịch COVID-19, không để lây lan trong cộng đồng; tạo điều kiện cho nền kinh tế tiếp tục đà phục hồi và được các tổ chức quốc tế có uy tín đánh giá cao (Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo năm 2020 Việt Nam là nền kinh tế tăng trưởng dương duy nhất trong ASEAN-5, quy mô GDP đứng thứ 4 khu vực Đông Nam Á). Kinh tế vĩ mô ổn định; lạm phát được kiểm soát; chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tiếp tục xu hướng giảm dần, bình quân 10 tháng tăng 3,71% so với cùng kỳ năm 2019. Thị trường tiền tệ cơ bản ổn định. Thị trường chứng khoán diễn biến tích cực. Giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công tiếp tục là điểm sáng; vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách nhà nước đạt 69,8% kế hoạch cả năm. |
Nguồn: chinhphu.vn