Lượng trái phiếu phát hành của thị trường Đông Á mới nổi trong quý 3 đã tăng lên tới 2,2 nghìn tỷ USD, cao hơn 6,4% so với quý trước và 39,8% so với cùng kỳ năm trước, do các chính phủ vay tiền để hỗ trợ những chương trình kích thích quy mô lớn.
Nếu tính theo tỷ lệ phần trăm của tổng sản phẩm quốc nội (GDP), thị trường trái phiếu Đông Á mới nổi đã tăng từ 91,6% vào cuối tháng 6 lên tới 95,6% vào cuối tháng 9. Tỷ lệ trái phiếu đang lưu hành trên GDP gia tăng chủ yếu do các nước tăng các khoản hỗ trợ để đẩy lùi tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19.
Trái phiếu chính phủ vẫn chiếm tỷ trọng chi phối trong thị trường trái phiếu khu vực, với 11,5 nghìn tỷ USD vào cuối tháng 9. Trái phiếu doanh nghiệp đạt 7,2 nghìn tỷ USD. Trung Quốc là thị trường trái phiếu bằng đồng nội tệ lớn nhất của khu vực, chiếm 77,5% tổng lượng trái phiếu của Đông Á mới nổi.
Tuy nhiên, các thị trường này đang phải đối mặt với các rủi ro: Covid-19 vẫn là rủi ro tiêu cực lớn nhất; Lệnh phong tỏa và những hạn chế hoạt động kinh tế; Căng thẳng thương mại Mỹ – Trung…
Thị trường trái phiếu bằng đồng nội tệ Việt Nam có mức tăng trưởng hằng quý đạt 11,6% vào cuối tháng 9 năm nay. Đây là tốc độ tăng trưởng hằng quý cao nhất trong khu vực Đông Á mới nổi, đạt 65,3 tỷ USD. Mức tăng trưởng này được hỗ trợ bởi sự mở rộng trong cả phân khúc trái phiếu chính phủ và trái phiếu doanh nghiệp.
Phân khúc trái phiếu chính phủ của Việt Nam đã tăng 9,1% so với quý trước vào cuối tháng 9 năm 2020 đạt 54,7 tỷ USD, chiếm 83,8% tổng lượng trái phiếu của cả nước. Trong khi đó, trái phiếu doanh nghiệp vẫn duy trì được đà tăng trưởng, tăng 26,9% so với quý trước vào quý 3 năm 2020, đạt 10,6 tỷ USD. Tăng trưởng hằng năm của trái phiếu doanh nghiệp đạt mức 129,1% vào cuối tháng 9 năm nay.
Nguồn: adb.org