Trong giai đoạn từ nay đến năm 2030, Bộ Chính trị nhấn mạnh 5 quan điểm chỉ đạo đối với dòng vốn FDI.
Thứ nhất, khu vực kinh tế FDI là bộ phận hợp thành quan trọng của nền kinh tế Việt Nam, được khuyến khích, tạo điều kiện phát triển lâu dài, hợp tác và cạnh tranh lành mạnh với các khu vực kinh tế khác. Nhà nước tôn trọng, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp của nhà đầu tư; bảo đảm hài hoà lợi ích giữa Nhà nước, nhà đầu tư và người lao động trong doanh nghiệp.
Thứ hai, cần xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách về đầu tư nước ngoài phù hợp xu hướng phát triển, tiếp cận chuẩn mực tiên tiến quốc tế và hài hoà với các cam kết quốc tế, bảo đảm sự đồng bộ, nhất quán, công khai, minh bạch và tính cạnh tranh cao.
Thứ ba, việc thu hút FDI phải chọn lọc, lấy chất lượng, hiệu quả, công nghệ và bảo vệ môi trường là tiêu chí đánh giá chủ yếu. Ưu tiên các dự án có công nghệ tiên tiến, công nghệ mới, sạch, hiện đại…,
Thứ tư, thu hút FDI phải đa dạng hoá đối tác, hình thức đầu tư, đan xen lợi ích trong hợp tác đầu tư nước ngoài và kết nối hữu cơ với khu vực kinh tế trong nước, phù hợp với định hướng cơ cấu lại nền kinh tế và mục tiêu phát triển bền vững; bảo vệ môi trường, bảo đảm quốc phòng, an ninh, an sinh, trật tự…
Thứ năm, Bộ Chính trị cho rằng phải tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước, vai trò của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị – xã hội…
Nghị quyết hướng đến mục tiêu hoàn thiện thể chế, chính sách hợp tác đầu tư nước ngoài có tính cạnh tranh cao, hội nhập quốc tế, đáp ứng yêu cầu đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, bảo vệ môi trường, giải quyết tốt các vấn đề xã hội, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế.
Nghị quyết cũng đưa ra các mục tiêu phấn đấu cụ thể đối với việc thu hút vốn FDI, bao gồm:
– Vốn đăng ký giai đoạn 2021 – 2025 khoảng 150 – 200 tỷ USD (30 – 40 tỷ USD/năm); giai đoạn 2026 – 2030 khoảng 200 – 300 tỷ USD (40 – 50 tỷ USD/năm).
– Vốn thực hiện giai đoạn 2021 – 2025 khoảng 100 – 150 tỷ USD (20 – 30 tỷ USD/năm); giai đoạn 2026 – 2030 khoảng 150 – 200 tỷ USD (30 – 40 tỷ USD/năm).
– Tỉ lệ doanh nghiệp sử dụng công nghệ tiên tiến, quản trị hiện đại, bảo vệ môi trường, hướng đến công nghệ cao tăng 50% vào năm 2025 và 100% vào năm 2030 so với năm 2018.
– Tỉ lệ nội địa hoá tăng từ 20 – 25% hiện nay, lên mức 30% vào năm 2025 và 40% vào năm 2030.
– Tỉ trọng lao động qua đào tạo trong cơ cấu sử dụng lao động từ 56% năm 2017 lên 70% vào năm 2025 và 80% vào năm 2030.
Nguồn: Trí thức trẻ/CafeF.vn