Theo số liệu thống kê của Merchant Machine cách đây khoảng hơn hai năm, Việt Nam đứng thứ 2 trên thế giới về tỉ lệ người dân chưa được tiếp cận dịch vụ ngân hàng. Tuy vậy, ngày chuyển đổi số vào năm 2023, đại diện Ngân hàng Nhà nước đã khẳng định khoảng 74,63% người trưởng thành Việt Nam đã có tài khoản ngân hàng, trong đó, hơn 70% tài khoản mở mới được mở tại khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa.
Đô thị loại 2 là một loại phân cấp đô thị, được quy định trong hệ thống phân loại đô thị của Việt Nam. Đây là các đô thị có quy mô vừa và nhỏ, nhưng đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển kinh tế-xã hội của một quốc gia.
Những đô thị này thường là các trung tâm kinh tế, văn hóa và hành chính của các tỉnh và thành phố, nơi tập trung một lượng lớn dân cư với các hoạt động kinh tế đa dạng. Sự phát triển của đô thị loại 2 không chỉ giúp cân bằng sự phát triển giữa các vùng miền mà còn tạo ra cơ hội việc làm và cải thiện chất lượng cuộc sống cho người dân.
Nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ ngân hàng, đặc biệt là ở nông thôn và các đô thị loại 2, từ lâu đã là một trong những ưu tiên cốt lõi của chính sách phát triển tài chính của Việt Nam. Trong quá khứ, các ngân hàng thương mại truyền thống thường không mở rộng đủ mạng lưới tại những khu vực này, phần lớn do chi phí đầu tư cao, nguồn nhân sự tại chỗ mỏng và thách thức về địa lý khiến việc tiếp cận bị hạn chế.
Tuy nhiên, những năm gần đây, nhận thấy tiềm năng từ “mảnh đất màu mỡ” này, cũng như nguồn lực của các ngân hàng tích lũy ngày một mạnh hơn, nhiều nhà băng đã tích cực mở rộng tệp khách hàng sang các vùng đô thị loại 2. Theo đó, hướng mở rộng này đóng vai trò then chốt trong việc đáp ứng nhu cầu tài chính của người dân, thiết kế và phát triển các sản phẩm, dịch vụ phù hợp với khách hàng tại những khu vực này. Ngược lại, sự phát triển mạnh mẽ của các khu vực thị trường này đã tạo thêm sức hút hấp dẫn cho các ngân hàng thương mại.
Về chung một nhà để mạnh hơn, từ chục năm trước, trong bối cảnh ngành ngân hàng đang đứng trước xu thế tái cấu trúc, HDBank và DaiABank, hai ngân hàng tự nguyện tìm đến với nhau và trở thành câu chuyện thành công điển hình của hoạt động M&A của ngành.
Lúc bấy giờ, HDBank-ngân hàng đang có tệp khách hàng ổn định ở khu vực đô thị và DaiABank-ngân hàng với tệp khách hàng nông thôn dày dặn ở khu vực Đông Nam Bộ, đã bắt tay mở rộng quy mô mạng lưới và tệp khách hàng.
Khu vực Đông Nam Bộ-nơi hội tụ của những điều kiện thuận lợi cho phát triển các lĩnh vực công nghiệp và dịch vụ, cũng là một trong những “cái nôi” đầu tiên giúp HDBank phát triển tệp khách hàng nông nghiệp, nông thôn. Khu vực này mang những đặc điểm về nguồn tài nguyên đất đai thuận lợi cho cho các loại cây trồng chủ lực của Việt Nam như cao su, cà phê… Cùng với trồng trọt, các ngành chăn nuôi gia súc, gia cầm, thủy hải sản như tôm, cá, đặc biệt phát triển ở các tỉnh ven biển đã tạo cơ hội lớn cho HDBank phát triển tệp khách hàng mục tiêu cũng như phát triển các sản phẩm dịch vụ.
Thường xuyên tổ chức marketing trực tiếp trong khu vực, phát triển tốt nguồn cộng tác viên, đẩy mạnh chăm sóc khách hàng, thiết kế các sản phẩm và dịch vụ đặc thù để phù hợp với các tệp khách hàng… chính là cách ngân hàng này đến sát hơn với nhóm khách hàng nông nghiệp, nông thôn.
Sau khi thiết lập hệ thống website riêng cho từng 63 tỉnh thành để kết nối, đáp ứng nhu cầu đặc thù của mỗi vùng miền, năm 2023, Ngân hàng cho ra mắt app HDBank Nông thôn, ứng dụng dành riêng cho khách hàng khu vực nông nghiệp và nông thôn. Đến cuối năm, lượng khách hàng mới trên kênh số tăng tới 58% so với cùng kỳ và đã vượt qua số lượng khách hàng mới được thu hút qua kênh truyền thống.
Và đến thời điểm hiện tại, cùng với “Big 4” Agribank, Vietcombank, BIDV và VietinBank, HDBank là một trong số ít ngân hàng thương mại đã phủ khắp mạng lưới tại tất cả 63 tỉnh thành trên cả nước.
Xây được nền tảng vững chắc, HDBank đã không ngừng mở rộng mạng lưới, đặc biệt nhắm đến nhóm khách hàng khu vực nông thôn và đô thị loại 2 với các gói vay với lãi suất ưu đãi, các giải pháp tài chính thiết kế chuyên biệt.
Hiện thị trường cho vay nông nghiệp, nông thôn là một phần quan trọng trong cơ cấu tín dụng của HDBank, chiếm 33% tổng dư nợ cá nhân. Ở mảng tín dụng, số lượng khách hàng nông nghiệp, nông thôn chiếm 42,9%, số lượng lớn nhất trong tất cả các sản phẩm.
Bên cạnh mở rộng và duy trì quy mô tín dụng, việc phát triển phát tệp khách hàng này giúp HDBank giảm thiểu rủi ro khi kinh tế gặp khó khăn. Sở dĩ, tỉ lệ nợ xấu của sản phẩm cho vay nông nghiệp, nông thôn thấp là do các khoản vay có quy mô nhỏ nên phân tán được rủi ro, khả năng phát sinh nợ quá hạn thấp.
“Phân khúc nông nghiệp và nông thôn có gốc rễ gắn chặt từ hơn chục năm trước, lan tỏa sức mạnh để gia tăng tỉ trọng đóng góp cho HDBank. Chưa kể, nông nghiệp và nông thôn luôn là trụ đỡ cho nền kinh tế, gắn với đặc thù thế mạnh”, đại diện HDBank từng nói.
Cùng với HDBank, Agribank vẫn là “đầu tàu” truyền thống trong thực hiện chiến lược tài chính toàn diện quốc gia, thế mạnh tại những khu vực và thị trường nói trên. Bằng chứng, dư nợ đầu tư phát triển nông nghiệp, nông thôn luôn chiếm 70% dư nợ nền kinh tế của Agribank, chiếm tỉ trọng lớn trong tổng dư nợ gần 2 triệu tỷ đồng lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn tại Việt Nam.
Vai trò “đầu tàu” của Agribank được cộng đồng quốc tế đánh giá là hình mẫu giảm nghèo hiệu quả nhờ triển khai 7 chương trình tín dụng chính sách và 2 chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới và xóa đói giảm nghèo bền vững. Điều này góp phần đưa Việt Nam hoàn thành mục tiêu thiên niên kỷ về xóa đói giảm nghèo trước 10 năm.
Không chỉ Agribank và HDBank, LPBank cũng là một trong những nhà băng đón đầu xu hướng phát triển thị trường nông thôn. Lãnh đạo LPBank từng chia sẻ: “Với việc hiện diện ở khắp các huyện thị, LPBank sẽ đón đầu xu hướng phát triển thị trường nông thôn, một thị trường trọng điểm mà chúng tôi có lợi thế tạo lập được nhiều năm nay”.
LPBank không ngừng phát triển mạng lưới các điểm giao dịch truyền thống trên khắp 63 tỉnh thành. Chiến lược của LPBank cũng là sự kết hợp đồng thời cả online và offline để tạo nên sự cộng hưởng, giúp phát triển bền vững và gia tăng số lượng khách hàng, bán chéo sản phẩm dịch vụ.
Đại diện LPBank cho biết: “Đặc thù của nông thôn Việt Nam là yếu tố vùng miền. Vì vậy phải thiết kế sản phẩm đảm bảo phù hợp với tệp khách hàng tại từng địa phương, từng ngành nghề chứ không chỉ đơn thuần theo phân khúc khách hàng. Bên cạnh đó, cũng cần chú trọng ứng dụng công nghệ làm sao cho người dùng thấy đơn giản, thuận tiện, dễ dùng cùng trải nghiệm có tính cá nhân hóa cao, đáp ứng đặc thù khu vực”.
Nguồn: chinhphu