Rà soát thống nhất để tránh chồng chéo
Tại tọa đàm đối thoại chính sách về sửa đổi Luật Đầu tư công: Bàn luận từ những góc nhìn đa chiều diễn ra ngày 8/5, đại diện Ban soạn thảo cho hay, dự thảo sửa đổi Luật Đầu tư công đã được lấy ý kiến các địa biểu Quốc hội tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV cũng như các chuyên gia, các bộ, ngành. Dự thảo Luật sẽ được tiếp tục lấy ý kiến tại kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XIV sắp tới.
Chia sẻ về một số nội dung cơ bản đã được thống nhất, ông Trần Quốc Phương, Vụ trưởng Vụ Tổng hợp Kinh tế quốc dân, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, qua nghiên cứu, tiếp thu ý kiến, đến nay đã có sự thống nhất giữa Chính phủ và Ủy ban Thường vụ Quốc hội về phạm vi nguồn vốn từ nguồn thu hợp pháp khác của cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập dành để đầu tư. Hiện nay các ý kiến đều nhất trí coi nguồn vốn này là vốn đầu tư công nhưng quản lý theo trình tự riêng phù hợp với quy định về quyền tự chủ tài chính của các đơn vị, khác với việc quản lý vốn đầu tư trực tiếp bằng nguồn vốn ngân sách Nhà nước. Bên cạnh đó, ông Trần quốc Phương cho biết, khái niệm nguồn vốn nhà nước ngoài ngân sách sẽ được nghiên cứu làm rõ thêm để quy định cho phù hợp.
Liên quan đến những nội dung chưa thống nhất của dự thảo Luật, ông Trần Quốc Phương cho biết có nhiều nội dung đang cần tiếp tục xin ý kiến như: Việc tách riêng công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng thành dự án độc lập, về điều chỉnh tiêu chí phân loại dự án quan trọng quốc gia, dự án nhóm A, B, C theo tiêu chí mức vốn, tiêu chí đối với dự án khẩn cấp, dự án không phải quyết định chủ trương đầu tư, thẩm quyền xem xét quyết định kế hoạch đầu tư công trung hạn…
Kiến nghị về sửa đổi Luật Đầu tư công, bà Phạm Thúy Hạnh, Vụ Pháp luật (Văn phòng Chính phủ) cho biết, về quản lý vốn đầu tư công, dự thảo Luật Đầu tư công đã điều chỉnh quy định về vốn đầu tư công (bao gồm vốn từ NSNN, vốn từ nguồn thu hợp pháp của các cơ quan Nhà nước…). Cho rằng những điều chỉnh này là cần thiết, tuy nhiên, theo bà Phạm Thúy Hạnh, cần rà soát thống nhất thủ tục xem xét, phê duyệt chủ trương đầu tư của đơn vị sự nghiệp công lập trong Luật Quản lý tài sản công với Luật Đầu tư công để tránh chồng chéo; rà soát các quy định của Luật Đầu tư công với Luật Quản lý sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh tại DN để thống nhất quản lý vốn Nhà nước tại DN. Đại diện Vụ Pháp luật, Văn phòng Chính phủ cũng cho rằng cần làm rõ phạm vi điều chỉnh về vốn góp của Nhà nước trong dự án đầu tư công theo Luật Đầu tư theo đối tác công tư (PPP). “Đối với nguồn vốn ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài thì cần hướng dẫn thống nhất về quy trình thẩm định, phê duyệt dự án đầu tư công, trong đó có đánh giá, xem xét nợ công trong dự án đầu tư công để bảo đảm phù hợp với Luật Quản lý nợ công”, bà Hạnh đề xuất thêm.
Tạo cơ chế tự chủ cho địa phương
Gợi mở hướng nhằm hoàn thiện Luật Đầu tư công dưới góc độ hiệu quả đầu tư công, PGS.TS Phạm Văn Hùng, Đại học Kinh tế Quốc dân cho rằng, cần xây dựng và chuẩn hóa các chỉ tiêu, tiêu chí đánh giá hiệu quả kinh tế xã hội đầu tư công gồm dự án đầu tư, chương trình đầu tư và kế hoạch đầu tư công. “Nếu có thể cần phải luật hóa một số tiêu chí đánh giá hiệu quả kinh tế xã hội hoạt động đầu tư công. Bởi trên 80% vốn đầu tư từ ngân sách là do địa phương quản lý nên trong Luật Đầu tư công cần tạo ra cơ chế tự chủ cho địa phương. Có thể nghiên cứu cơ chế khoán cho địa phương để họ chủ động trong mục tiêu phát triển kinh tế xã hội trong giới hạn ngân sách, địa phương chủ động hơn nhưng cũng sẽ thận trọng hơn, còn Trung ương chỉ quản lý hiệu quả đầu tư theo các mục tiêu đã xác định”, PGS.TS Phạm Văn Hùng đề xuất.
Tại tọa đàm, kiến nghị các giải pháp quản lý đầu tư công trong sửa đổi Luật Đầu tư công, các chuyên gia đến từ Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, Văn phòng Quốc hội đề xuất cần thay đổi kế hoạch đầu tư công hàng năm thành kế hoạch đầu tư công trung hạn 3 năm cuốn chiếu nhằm bảo đảm sự phù hợp với Luật Ngân sách Nhà nước cũng như tạo sự gắn kết chặt chẽ giữa vốn đầu tư công với kế hoạch tài chính – ngân sách.
Tuy nhiên, thông tin về kiến nghị này, ông Trần Quốc Phương cho biết, qua nghiên cứu, thảo luận, việc áp dụng phương pháp kế hoạch 3 năm cuốn chiếu là phương pháp tiến bộ nhưng cũng là một nội dung khó, chưa có kinh nghiệm triển khai. Nếu kế hoạch đầu tư công cũng xây dựng theo hướng 3 năm cuốn chiếu chỉ để tham khảo, định hướng thì giá trị pháp lý của kế hoạch là không cao, chưa đủ để làm căn cứ xây dựng kế hoạch đầu tư công hàng năm, có thể làm phát sinh thủ tục, vướng mắc khi triển khai thực hiện. “Do đó, để tránh phát sinh thủ tục, Chính phủ và Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất không quy định kế hoạch đầu tư công 3 năm cuốn chiếu tại dự thảo Luật Đầu tư công (sửa đổi)”, ông Trần Quốc Phương cho biết. Được biết, tại một số hội thảo lấy ý kiến đóng góp cho Luật Đầu tư công sửa đổi được tổ chức trước đó, kế hoạch đầu tư công 3 năm cuốn chiếu đã được nhiếu ý kiến đề xuất xây dựng.
Góp ý xây dựng luật dưới góc độ địa phương, TS. Nguyễn Thị Thanh, UBND TP Hà Nội kiến nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu đưa vào quy định của Luật sửa đổi để xử lý nguồn vốn cho các dự án chuyển tiếp sang kỳ trung hạn tiếp theo, vì về nguyên tắc và thực tiễn triển khai không thể tất cả các dự án thực hiện đều được bố trí đủ vốn và hoàn thành kết thúc trong một kỳ đầu tư công trung hạn, nhất là các dự án có quy mô lớn như dự án xây dựng tuyến đường sắt đô thị. Đồng thời, TS. Nguyễn Thị Thanh đề xuất cơ quan soạn thảo thảo nghiên cứu bổ sung quy định tiêu chí phân loại dự án quan trọng cấp quốc gia về quy mô sử dụng vốn đầu tư công (quy định tại điều 7 dự thảo) theo hướng mở sau mỗi kỳ trung hạn 5 năm quy mô sử dụng vốn đầu tư công được điều chỉnh thêm 20% tương ứng với chỉ số trượt giá khoảng 4%.
Liên quan vấn đề này, ông Trần Quốc Phương thông tin, theo quan điểm của Chính phủ, qua nghiên cứu, tổng mức tăng thêm của cả tăng trưởng kinh tế và tăng giá trong thời gian từ năm 2014 đến nay là khoảng 52%, theo đó, điều chỉnh tiêu chí phân loại dự án quan trọng cấp quốc gia, dự án nhóm A, B, C lên khoảng 1,5 lần (150%) là tương ứng với đề xuất của Ủy ban Tài chính – Ngân sách, tương đương dự án quan trọng cấp quốc gia là 15.000 tỷ đồng. Trên quan điểm Luật Đầu tư công (sửa đổi), sau khi được thông qua, áp dụng trong dài hạn, Chính phủ kiến nghị phương án đề xuất điều chỉnh phân loại dự án theo tiêu chí mức vốn lên 2 lần, tương đương dự án quan trọng quốc gia là 20.000 tỷ đồng.
Nguồn: Báo Hải quan