English
05/122018
Cắt giảm nhiều điều kiện kinh doanh trong lĩnh vực tài chính

Đơn giản hóa điều kiện kinh doanh

Nghị định 151 đã sửa đổi, bổ sung 14 nghị định trong lĩnh vực tài chính, qua đó đã cắt giảm và đơn giản hóa 117 điều kiện kinh doanh thuộc 13 ngành nghề: kế toán, kiểm toán, xổ số, casino, đặt cược, trò chơi điện tử có thưởng dành cho người nước ngoài, dịch vụ xếp hạng tín nhiệm, dịch vụ quản lý quỹ hưu trí tự nguyện, kinh doanh bảo hiểm, tái bảo hiểm, môi giới bảo hiểm, thẩm định giá, chứng khoán.

Trong đó, nhóm điều kiện đầu tư, kinh doanh trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm và kinh doanh chứng khoán được cắt giảm, đơn giản hóa nhiều nhất (75 điều kiện). Cụ thể, lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm được cắt giảm 19 điều kiện, đơn giản hóa bảy điều kiện so với quy định tại Nghị định 73/2016/NĐ-CP trước đây. Lĩnh vực chứng khoán được cắt giảm 26 điều kiện, đơn giản hóa 23 điều kiện.

Một số quy định được cắt giảm nổi bật trong lĩnh vực chứng khoán như sau:

Thứ nhất, giảm điều kiện về mức vốn điều lệ tối thiểu đối với nghiệp vụ tự doanh chứng khoán từ 100 tỉ đồng xuống còn 50 tỉ đồng.

Thứ hai, giảm tiêu chuẩn đối với chức danh tổng giám đốc (giám đốc) của tổ chức kinh doanh chứng khoán. Nghị định 86/2016/NĐ-CP trước đây quy định tổng giám đốc (giám đốc) của công ty chứng khoán phải có ít nhất ba năm kinh nghiệm làm việc tại các bộ phận nghiệp vụ trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, chứng khoán hoặc tại bộ phận tài chính, kế toán, đầu tư trong doanh nghiệp khác và có kinh nghiệm quản lý điều hành tối thiểu ba năm. Nghị định 151 rút ngắn khoảng thời gian này còn tối thiểu hai năm.

Thứ ba, cắt giảm hai điều kiện đối với công ty chứng khoán trong việc thực hiện giao dịch ký quỹ như đã quy định trong Nghị định 86 trước đây. Một là không có lỗ lũy kế bằng hoặc lớn hơn 50% vốn điều lệ tính theo báo cáo tài chính năm gần nhất đã được kiểm toán hoặc báo cáo tài chính bán niên gần nhất đã được soát xét. Ý kiến kiểm toán tại báo cáo tài chính năm và báo cáo tài chính soát xét gần nhất phải là ý kiến chấp nhận toàn phần. Hai là tỷ lệ tổng nợ trên vốn chủ sở hữu không vượt quá ba lần, vốn chủ sở hữu không thấp hơn mức vốn pháp định, trích lập đầy đủ các khoản dự phòng. Tuy nhiên, ở khía cạnh tỷ lệ vốn khả dụng thì Nghị định 151 đã nâng tỷ lệ này lên với mức tối thiểu là 220% liên tục trong sáu tháng gần nhất (tỷ lệ này trước kia là 180% nhưng là liên tục trong 12 tháng gần nhất).

Tiếp tục rà soát

Cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện đầu tư, kinh doanh là chủ trương quan trọng của Chính phủ với mục tiêu tạo chuyển biến mạnh mẽ về môi trường kinh doanh, năng lực cạnh tranh của nền kinh tế. Nghị quyết 01/NQ-CP của Chính phủ đã đưa ra mục tiêu cắt giảm và đơn giản hóa 50% điều kiện kinh doanh và 50% các thủ tục kiểm tra chuyên ngành với hàng hóa nhập khẩu. Là một bộ quản lý đa ngành, đa lĩnh vực, số lượng văn bản quy phạm pháp luật do Bộ Tài chính chủ trì soạn thảo, ban hành hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành là rất lớn, liên quan đến nhiều lĩnh vực phức tạp, phạm vi ảnh hưởng rộng.

Trước thực tế đó, việc Bộ Tài chính tích cực rà soát, xây dựng phương án cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh theo nguyên tắc tạo thuận lợi cho doanh nghiệp nhưng đồng thời vẫn đảm bảo mục tiêu quản lý nhà nước như Nghị định 151 nêu trên là điều cần thiết và đáng hoan nghênh.

Được biết trong thời gian tới, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục trình Chính phủ các dự thảo nghị định để cắt, giảm điều kiện kinh doanh hàng miễn thuế, kho bãi, địa điểm làm thủ tục hải quan, tập kết, kiểm tra, giám sát hải quan (dự kiến cắt, giảm 14 điều kiện kinh doanh) và trong lĩnh vực kinh doanh dịch vụ đòi nợ (dự kiến cắt giảm năm điều kiện kinh doanh). Ngoài ra, dự án Luật Chứng khoán (sửa đổi) và Luật Quản lý thuế (sửa đổi) đã được đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội. Dự kiến khi được thông qua, hai dự án luật trên sẽ cắt giảm thêm 28 điều kiện đầu tư, kinh doanh.

Ngoài việc cắt giảm điều kiện đầu tư, kinh doanh, điểm tích cực của Nghị định 151 còn ở chỗ việc cắt giảm các quy định về hồ sơ, thủ tục liên quan có thể thực hiện ngay khi ban hành (nghị định có hiệu lực kể từ ngày ký).

Tuy nhiên, ở góc độ căn cơ và lâu dài hơn, Bộ Tài chính nói riêng và các cơ quan quản lý nhà nước nói chung cần thay đổi tư duy quản lý từ “tiền kiểm” sang “hậu kiểm”. Điều kiện kinh doanh thông thường chính là tiền kiểm, nghĩa là Nhà nước cấp giấy phép, cấp chứng nhận cho phép doanh nghiệp hoạt động. Khi đó, gánh nặng tuân thủ quản lý và thực thi pháp luật phần lớn đè nặng lên doanh nghiệp. Còn với phương thức quản lý bằng các tiêu chuẩn, quy chuẩn hậu kiểm, các cơ quan quản lý nhà nước sẽ luôn phải đồng hành, hướng dẫn, giám sát việc doanh nghiệp tuân theo các tiêu chuẩn, quy chuẩn đã ban hành. Khi đó, sẽ có ít giấy tờ, ít phép tắc và môi trường kinh doanh sẽ ngày càng thuận lợi cho cộng đồng doanh nghiệp.

Nguồn: thesaigontimes.vn