Tín hiệu phát đi
Kể từ sau khủng hoảng tài chính quốc tế năm 2008, đồng NDT chưa từng rớt dưới ngưỡng 7 NDT đổi 1 USD. Cho nên, đây được coi là mốc tâm lý quan trọng và mỗi khi tỷ giá đồng NDT so với đồng USD tiếp cận ngưỡng này, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC, ngân hàng trung ương) đều sử dụng các công cụ điều tiết chính sách của mình để giữ cho đồng NDT không mất mốc 7 NDT đổi 1 USD.
Cú sốc tỷ giá bắt đầu từ ngày 11/8/2015 có thể là một bài học kinh nghiệm quý. Hôm đó, PBOC để đồng NDT mất giá 1,9% so với đồng USD, thị trường mới chỉ manh nha kỳ vọng đồng NDT tiếp tục bị phá giá, giúp hàng hóa xuất khẩu của Trung Quốc tăng tính cạnh tranh, làn sóng rút vốn đã diễn ra. Hệ quả là tới hết tháng 1/2017, dự trữ ngoại tệ của Trung Quốc đã bị bào mòn khoảng 1.000 tỷ USD.
Từ mức cao nhất mọi thời đại khi vượt 3.993 tỷ USD vào tháng 6/2014, dự trữ ngoại tệ của Trung Quốc chỉ còn 2.998 tỷ USD khi bước sang tháng 2/2017. Đây là lần đầu tiên trong 6 năm, dự trữ ngoại tệ của Trung Quốc rơi dưới ngưỡng 3.000 tỷ USD.
Hiện nay, theo số liệu tính hết tháng 5/2019, dự trữ ngoại tệ của Trung Quốc là 3.101 tỷ USD trong khi chiến tranh thương mại Mỹ-Trung vẫn leo thang căng thẳng, ảnh hưởng tiêu cực tới xuất khẩu.
Các nhà phân tích của Reuters dự đoán xuất khẩu của Trung Quốc tháng 5/2019 sẽ giảm 3,8% so với cùng kỳ năm 2018 sau khi đã giảm 2,7% trong tháng 4. Tuy nhiên, điều bất ngờ đã xảy ra khi xuất khẩu của Trung Quốc tháng 5/2019 đã tăng 1,1% so với cùng kỳ năm 2018.
Kể từ sau khủng hoảng tài chính quốc tế năm 2008, đồng NDT chưa từng rớt dưới ngưỡng 7 NDT đổi 1 USD. Ảnh: CMS
Căn nguyên có thể đến từ một bất ngờ khác, đó là ngày 10/5, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã quyết định tăng thuế từ 10% lên mức 25% đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc, trị giá 200 tỷ USD, bắt đầu từ ngày 1/6. Do vậy, các nhà xuất khẩu Trung Quốc đã tranh thủ thời gian đẩy mạnh xuất khẩu sang Mỹ.
Dù Trung Quốc đang đẩy mạnh chuyển đổi kết cấu kinh tế, nhưng xuất khẩu vẫn đóng góp khoảng 20% GDP của nước này.
Bất cứ sự thụt giảm nào trong lĩnh vực xuất khẩu không chỉ ảnh hưởng tới mục tiêu tăng trưởng kinh tế, mà còn làm gia tăng tỷ lệ thất nghiệp. Cho nên, tăng sức cạnh tranh của xuất khẩu còn liên quan tới an sinh, ổn định xã hội và người ta bắt đầu thấy có sự thay đổi, chí ít trong phát biểu của quan chức Trung Quốc.
Vào trung tuần tháng 5/2019, khi đồng NDT giảm qua ngưỡng 6,9 NDT đổi 1 USD, hàng loạt quan chức tài chính ngân hàng Trung Quốc đã lên tiếng trấn an dư luận, nhấn mạnh PBOC có đủ năng lực để giữ ổn định đồng NDT, tuyệt đối không để đồng NDT “xảy ra chuyện”.
Nhưng trước khi lên đường dự Hội nghị Bộ trưởng Tài chính G20 ở Nhật Bản vào cuối tuần trước, Thống đốc PBOC Dịch Cương đã trả lời phỏng vấn hãng tin Bloomberg, nói rằng chiến tranh thương mại có thể mang đến áp lực mất giá tạm thời cho đồng NDT và không nghĩ là một con số cụ thể nào đó lại quan trọng hơn một con số cụ thể khác.
Phát biểu này được phổ biến nhìn nhận như việc Trung Quốc đang chuẩn bị tâm lý cho khả năng đồng NDT phá mốc 7 NDT đổi 1 USD.
Những dự báo “khủng”
Năm 2018, đồng NDT tăng giá vào đầu năm, sau khi chiến tranh thương mại bùng nổ, đồng NDT quay đầu giảm giá, có lúc giảm đến 10% so với đồng USD, tính chung cả năm giảm khoảng 5%. Dư luận cho rằng, đồng NDT giảm giá về cơ bản đã tiêu hóa hết ảnh hưởng của việc Mỹ áp thuế trừng phạt 10% đối với 200 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc.
Nếu đồng NDT không giảm giá tiếp, ngành xuất khẩu của Trung Quốc sẽ gặp nhiều khó khăn. Ảnh: Bloomberg
Nhưng hiện nay, mức thuế đối với 200 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc đã được nâng lên 25% và ông Trump còn đe dọa nếu Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình không đến Nhật Bản dự Hội nghị Thượng đỉnh G20 và gặp mình, Washington sẽ lập tức thực thi lệnh trừng phạt thuế quan đối với hơn 300 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc còn lại.
Điều đó có nghĩa đồng NDT nếu không giảm giá tiếp, ngành xuất khẩu của Trung Quốc sẽ gặp nhiều khó khăn.
Trong một kịch bản được cho là cấp tiến nhất tới nay, bộ phận nghiên cứu của Ngân hàng Phát triển Singapore (DBS) dự đoán nếu Mỹ áp thuế toàn diện với hàng hóa Trung Quốc, tỷ giá đồng NDT sẽ tiệm cận mức 8 NDT đổi 1 USD.
Trong trường hợp tại Hội nghị G20, Mỹ-Trung chỉ ra được tuyên bố còn mức thuế 25% đối với 200 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc vẫn giữ nguyên, nghĩa là hai bên không đạt được thỏa thuận thương mại trong khi vẫn thực thi chính sách gây sức ép cực hạn, tới cuối năm 2020, đồng NDT sẽ phá giá tới mức 7,5 NDT đổi 1 USD.
Tồi tệ nhất là kịch bản Mỹ giữ nguyên mức thuế trừng phạt đối với 200 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc và áp thuế trừng phạt đối với hơn 300 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc còn lại, có nghĩa hai bên không những không đạt được thỏa thuận thương mại mà chiến tranh thương mại còn bùng nổ toàn diện, đồng NDT sẽ phá giá mạnh, tới cuối năm 2020 đạt mức 7,77 NDT đổi 1 USD.
Có cái nhìn ôn hòa hơn, ngân hàng đầu tư Goldman Sachs cho rằng trong 3 tháng tới, tỷ giá đồng NDT sẽ phá mốc 7 NDT đổi 1 USD, đạt 7,05 NDT đổi 1 USD. Sau đó, đồng NDT sẽ quay đầu tăng giá, trong 6 tháng về mốc 6,95 NDT đổi 1 USD và 12 tháng là 6,8 NDT đổi 1 USD.
Trước đó, dự đoán của Goldman Sachs cho các mốc thời gian trên lần lượt là 6,95 NDT đổi 1 USD; 6,65 NDT đổi 1 USD và 6,65 NDT đổi 1 USD.
Trong một báo cáo đưa ra ngày 12/6, Ngân hàng đầu tư Thụy Sỹ UBS cũng cho rằng trong hiện nay đồng NDT đang phải đối mặt với thách thức lớn hơn so với khi xảy ra cú sốc tỷ giá năm 2015.
Căng thẳng thương mại leo thang và kinh tế trong nước lao dốc gây ra nhiều mối đe dọa là hai nhân tố thúc đẩy tỷ giá đồng NDT phá mốc 7 NDT đổi 1 USD trong 3 tháng tới. Theo UBS, trong 6-12 tháng tới, đồng NDT sẽ dao động trong khoảng 6,7-6,8 NDT đổi 1 USD.
Nguyên nhân bao gồm khả năng Mỹ-Trung đạt được thỏa thuận thương mại vào cuối năm nay, gây áp lực khiến đồng NDT tăng giá và cán cân thu chi quốc tế của Trung Quốc được cải thiện tác động tới tỷ giá đồng NDT.
Và nỗi lo trật tự tài chính thế giới rối loạn
Nhiều năm nay, việc đồng NDT có phá mốc tâm lý quan trọng 7 NDT đổi 1 USD hay không được giới tài chính ngân hàng bàn thảo khá sôi nổi. Đó là do đồng NDT đã trở thành đồng tiền dự trữ quốc tế, có phạm vi thanh toán ngày càng rộng còn Trung Quốc vươn lên trở thành nước xuất khẩu lớn nhất thế giới, quốc gia nhập khẩu lớn thứ 2 thế giới, cho nên, sự biến động của tỷ giá đồng NDT có ảnh hưởng rất lớn.
Vấn đề hiện nay, giống như UBS nhận định, nếu cứ cố thủ giữ mốc dưới 7 NDT đổi 1 USD, tính linh hoạt trong chính sách tiền tệ của PBOC sẽ bị hạn chế nghiêm trọng.
Theo Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu kinh tế thuộc Đại học Phúc Đán, ông Trương Quân, dư địa để Trung Quốc nhượng bộ trong chiến tranh thương mại với Mỹ không lớn, khả năng kinh tế Trung Quốc hạ cánh cứng rất cao.
Điều đó có nghĩa áp lực phá giá đồng NDT sẽ tăng lên.
Vấn đề là trong trường hợp tỷ giá đồng NDT phá mốc tâm lý quan trọng bấy lâu, UBS cho rằng tình cảm lo lắng của các nhà đầu tư sẽ tăng lên. Hơn nữa, ảnh hưởng của nó sẽ không chỉ bó gọn trong phạm vi lãnh thổ Trung Quốc.
Theo Trương Quân, nếu Trung Quốc cho phép đồng NDT phá giá mạnh sẽ dẫn tới tình trạng nhiều nước chạy đua phá giá đồng nội tệ, trực tiếp ảnh hưởng tới đồng USD và hệ thống tiền tệ quốc tế.
Phát biểu hôm 14/6, tại Diễn đàn Lục Gia Chủy, một diễn đàn chuyên về tài chính tiền tệ ở Thượng Hải, ông Chu Tiểu Xuyên, người giữ chức Thống đốc PBOC 16 năm trước khi bàn giao cho ông Dịch Cương, cũng cho rằng các vấn đề nảy sinh từ lĩnh vực thương mại có thể một lần nữa kích hoạt cuộc đua phá giá tiền tệ ở nhiều nước trên thế giới.
Bởi khi xuất hiện các vấn đề đó, do không muốn bị tổn thất, các nước thường phá giá đồng nội tệ. Nếu tất cả đều phá giá tiền tệ, trật tự tài chính toàn thế giới sẽ hỗn loạn và không có ai được lợi cả.
Theo Chu Tiểu Xuyên, trong bối cảnh chiến tranh thương mại diễn ra trên toàn cầu, việc các nước hoặc khu vực tương ứng áp dụng chính sách tài chính, tiền tệ tích cực, nới lỏng có thể mang lại tác dụng nhất định. Tuy nhiên, vấn đề then chốt nhất vẫn là phải khôi phục niềm tin.
Nguồn: ttvn.vn