English
23/102018
Chính phủ đánh giá thế nào về rủi ro khi tín dụng tiếp tục tăng nhanh hơn đáng kể so với tăng GDP?

Liên quan đến nhiệm vụ tái cơ cấu TCTD giai đoạn 2016-2020, Chính phủ đánh giá sơ bộ có 1 mục tiêu đã hoàn thành, 3 mục tiêu có khả năng hoàn thành và 2 mục tiêu cần giải pháp để thúc đẩy hoàn thành.

Thừa uỷ quyền của Thủ tướng, chiều ngày 22/10, trong khuôn khổ làm việc của Kỳ họp thứ Sáu Quốc hội khoá XIV, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã trình bày báo cáo đánh giá giữa kỳ thực hiện Nghị quyết số 24 của Quốc hội về kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016-2020.

Theo đó, đánh giá kết quả thực hiện 22 nhóm chỉ tiêu được đặt ra tại Nghị quyết 24 trong giai đoạn 2016 – 2018 cho thấy, so với các mục tiêu đặt ra tới năm 2020, có 9 chỉ tiêu đã hoàn thành; 8 chỉ tiêu có khả năng hoàn thành và 5 chỉ tiêu cần các giải pháp thúc đẩy để hoàn thành. Như vậy, tới thời điểm hiện nay, có 77% số mục tiêu đã hoàn thành hoặc dự kiến hoàn thành.

Về 3 lĩnh vực trọng tâm trong cơ cấu lại nền kinh tế được xác định trong Nghị quyết về tái cơ cấu là cơ cấu lại đầu tư công, doanh nghiệp nhà nước và các tổ chức tín dụng, báo cáo nhận xét:

Kết quả cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước: Đánh giá sơ bộ cho thấy, có 1 mục tiêu đã hoàn thành, 2 mục tiêu có khả năng hoàn thành và 6 mục tiêu cần các giải pháp thúc đẩy để hoàn thành. Cổ phần hóa và thoái vốn tại các doanh nghiệp nhà nước đạt kết quả khá, thực hiện thoái vốn nhà nước thành công tại một số DNNN quy mô lớn. Một số DNNN yếu kém trở lại hoạt động. Số nhóm ngành, lĩnh vực Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ giảm mạnh.Ủy ban quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp đã được thành lập và chính thức hoạt động.

Bên cạnh các kết quả đáng ghi nhận như trên, quá trình cơ cấu lại DNNN đang tiến triển chậm về một số chỉ tiêu phản ánh chất lượng của quá trình cơ cấu lại DNNN, như chất lượng công tác cổ phần hóa còn hạn chế, chất lượng quản trị DNNN chậm cải thiện, hiệu quả sản xuất kinh doanh của nhiều DNNN còn thấp, chưa tương xứng với nguồn lực đang nắm giữ.

Kết quả cơ cấu lại đầu tư công: Đánh giá sơ bộ, có 1 mục tiêu đã hoàn thành, 2 mục tiêu có khả năng hoàn thành và 4 mục tiêu cần có giải pháp thúc đẩy để hoàn thành. Các mục tiêu hoàn thành và có khả năng hoàn thành liên quan đến nâng cao kỷ luật, kỷ cương trong hoạt động đầu tư công, cắt giảm tình trạng đầu tư dàn trải và nợ đọng xây dựng cơ bản.Các dự án quan trọng quốc gia được đẩy nhanh tiến độ. Giải ngân vốn đầu tư công từng bước được cải thiện nhờ những nỗ lực tháo gỡ khó khăn của Chính phủ. Tuy nhiên, còn có một số mục tiêu khó hoàn thành, đặc biệt là mục tiêu nâng cao chất lượng thể chế quản lý đầu tư công của Việt Nam để đáp ứng thông lệ quốc tế tốt. Tình trạng lãng phí, chất lượng công trình thấp chưa được giải quyết triệt để.

Kết quả cơ cấu lại các TCTD: Đánh giá sơ bộ, có 1 mục tiêu đã hoàn thành, 3 mục tiêu có khả năng hoàn thành và có 2 mục tiêu cần giải pháp thúc đẩy để hoàn thành. Việc xử lý nợ xấu tại các TCTD đã được thực hiện thực chất hơn, lãi suất cho vay trung bình giảm, dòng vốn tín dụng chuyển dịch nhiều hơn vào các ngành sản xuất để hỗ trợ cho tăng trưởng kinh tế.

Bên cạnh đó, còn có một số vấn đề khó khăn trong cơ cấu lại các TCTD như: tình trạng sở hữu chéo tại một số TCTD còn chưa được giải quyết dứt điểm; việc thực hiện cơ cấu lại đối với các NHTM có vốn Nhà nước gặp khó khăn về bổ sung vốn; tiến độ xử lý cơ cấu lại đối với một số TCTD phi ngân hàng có cổ đông lớn là các Tập đoàn/Tổng Công ty nhà nước còn chậm. Tỷ lệ tín dụng cũng như tổng nợ trong nước (nợ trong nước của Chính phủ và dư nợ tín dụng) so với GDP đã ở mức cao. Do vậy, nếu tốc độ tăng tín dụng tiếp tục tăng nhanh hơn đáng kể so với tốc độ tăng GDP,  trong trung và dài hạn sẽ có rủi ro dẫn tới mất ổn định kinh tế vĩ mô.

Đề cập đến giải pháp năm 2019-2020, Chính phủ kiến nghị tới Quốc hội cần tiếp tục đẩy mạnh việc thực hiện quyết liệt và thực chất các chính sách và nhiệm vụ cơ cấu lại nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng, phải coi đây là một trọng tâm ưu tiên hàng đầu trong công tác điều hành của Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương; và việc hoàn thành các mục tiêu đã đề ra về cơ cấu lại nền kinh tế sẽ là động lực quan trọng hàng đầu để duy trì tốc độ tăng trưởng cao, bền vững trong giai đoạn 2019 -2025.

Riêng với 3 lĩnh vực nêu trên, Chính phủ kiến nghị:

Hoàn thiện thể chế quản lý đầu tư công, bảo đảm hiệu quả và phù hợp với thông lệ quốc tế, ưu tiên đổi mới cách thức thẩm định, đánh giá và lựa chọn dự án đầu tư. Tập trung đầu tư công có trọng tâm, trọng điểm, gắn chặt với các ưu tiên về cơ cấu lại nền kinh tế, ưu tiên tối đa đầu tư phát triển hạ tầng và tăng cường vị thế các vùng động lực tăng trưởng.

Đẩy mạnh cơ cấu lại DNNN, tăng cường chiều sâu và tốc độ cổ phần hóa, nâng cao thực chất trình độ quản trị, tăng cường tính công khai, minh bạch trong quản lý DNNN.

Đẩy mạnh cơ cấu lại các TCTD, xử lý nợ xấu, xây dựng thị trường vốn nhằm bảo đảm hiệu quả trung gian tài chính, cân bằng giữa phát triển thị trường tiền tệ và thị trường vốn. Giảm dần tốc độ tăng trưởng tín dụng đến mức phù hợp so với tăng trưởng GDP, tốc độ tăng trưởng tín dụng đạt khoảng 14-16% vào năm 2020.

Nguồn: Trí thức trẻ