Đối tượng được hưởng chính sách lần này sẽ rộng hơn lần một. Ước tính sơ bộ, khả năng thực hiện sẽ vào khoảng 70.000 – 90.000 tỷ đồng, trong thời gian từ tháng 9 đến cuối năm nay.
Doanh nghiệp vừa và nhỏ; hợp tác xã, tổ hợp tác; hộ kinh doanh; người lao động tại khu vực nông thôn sẽ được Ngân hàng chính sách xã hội hỗ trợ lãi vay 3,96%, bằng một nửa lãi suất vay đối với hộ nghèo, trong vòng 12 tháng.
Các cơ sở sản xuất kinh doanh được vay mức tối đa 2 tỷ đồng và 100 triệu đồng đối với người lao động.
Nếu chính sách này có hiệu lực, Bộ LĐ-TB&XH ước tính Nhà nước phải hỗ trợ khoảng 15.000 tỷ đồng.
Dự kiến, 100.000 người và 10.000 cơ sở sản xuất kinh doanh được hưởng chính sách lần này.
Bên cạnh đó, Bộ LĐ-TB&XH cũng đề xuất hỗ trợ người lao động phải thuê nhà, hoặc nuôi con nhỏ dưới 6 tuổi bị mất việc làm, tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không lương, ngừng việc mỗi người 1 triệu đồng. Thời gian áp dụng từ tháng 9 đến tháng 12/2020. Kinh phí Nhà nước bỏ ra ước tính khoảng 3.600 tỷ đồng.
Ngoài ra, Bộ LĐ-TB&XH cũng đề xuất Thủ tướng xem xét giảm lãi suất vay vốn tạo việc làm từ Quỹ quốc gia về việc làm và nguồn huy động của Ngân hàng Chính sách xã hội…
Cuối tháng 4, trên cơ sở đề xuất của các bộ, ngành, Chính phủ cũng đã ban hành quyết định hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19. Gói hỗ trợ này giá trị 62.000 tỷ đồng.
Theo Bộ LĐ-TB&XH, tính đến ngày 10/8, có gần 16 triệu người được thụ hưởng chính sách trên, với tổng kinh phí trên 17,5 ngàn tỷ đồng. Kho bạc Nhà nước trung ương thực hiện giải ngân 11.982 tỷ đồng, để hỗ trợ cho trên 12 triệu người và 13.725 hộ kinh doanh.
Nguồn: Tổng hợp báo chí