English
31/102019
Chuyên gia băn khoăn khi đánh giá lại quy mô GDP

Quy mô GDP tăng thêm 25,4% khi Tổng cục Thống kê tính lại cho giai đoạn 2011-2017. Mức tăng này khiến các chuyên gia băn khoăn về phương pháp tính cũng như những tác động tới dự toán ngân sách thời gian tới.

Loạt 3 câu hỏi đã được các chuyên gia đặt ra tại Tọa đàm “Tính lại GDP và Lập dự toán ngân sách nhà nước”, được tổ chức ngày 29/10 xoay quanh việc tăng quy mô GDP như công bố của Tổng cục Thống kê.

Cách tính đã đúng và đủ?

Có rất nhiều chỉ số đánh giá sự phát triển của một quốc gia nhưng theo các chuyên gia, GDP là chỉ số được dùng nhiều nhất. Theo thông lệ quốc tế, GDP hiện nay được tính theo 3 phương pháp. Đó là phương pháp sản xuất, phương pháp sử dụng và phương pháp thu nhập.

Theo chuyên gia thống kê Bùi Trinh, trước đây, GDP của Việt Nam được tính theo phương pháp sản xuất nhưng sau đó đã thay đổi cách tính, dùng cả phương pháp sản xuất và phương pháp sử dụng.

“Tuy nhiên, chúng ta chưa phản ánh chính xác bức tranh kinh tế qua cách tính này khi nhiều khoản như phân bổ trả lãi tiền gửi, trợ cấp cho sản phẩm xuất… chưa được trừ trong bảng cân đối liên ngành”, ông Trinh cho biết. Hơn thế nữa, theo ông, đó là còn chưa tính đến việc chúng ta đã để sót một lượng lớn lên tới 76.000 doanh nghiệp trong cả một giai đoạn khá dài.

Ở góc độ khác, ông Võ Trí Thành, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng GDP được tính theo phương pháp nào thì cũng có ý nghĩa và hàm ý chính sách riêng có.

“Nhưng GDP có cái dở là nó chỉ nói được sức sản xuất trong “lòng biên giới”, không phân tách được khoản thu nhập mà nhà đầu tư nước ngoài thu được tại Việt Nam rồi chuyển ra nước ngoài; hay việc đào đường lên rồi lại lấp xuống cũng được tính vào GDP”, ông Thành nói và thêm rằng “Điều này có nghĩa rằng phần thu nhập tốt không được phản ánh chính xác trong GDP. Chỉ số thu nhập quốc dân (GNI) làm điều này tốt hơn GDP”.

Tuy nhiên, ông Thành lại có nhiều băn khoăn về con số doanh nghiệp được cơ quan thống kê tính thêm vào GDP. “76.000 doanh nghiệp là con số rất lớn, chiếm khoảng 1/10 tổng số doanh nghiệp đang hoạt động. Số doanh nghiệp này phân bổ như thế nào, hoạt động ra sao, mức đóng góp vào ngân sách như thế nào cần được cơ quan thống kê giải trình rõ”, ông nói.

Ông Thành cho biết, dù thực tế không có quốc gia nào tính được GDP đầy đủ nhưng ông vẫn “sốc” khi nghe thấy con số doanh nghiệp được bổ sung thêm bởi “sai số” này cho thấy những bất cập trong việc phối hợp giữa các bộ ngành trong thống kê số liệu.

Dự toán ngân sách nhà nước cần biên độ dao động

Theo chuyên gia tài chính Phạm Đình Cường, quy mô GDP tăng thêm 25,4%/năm là rất cao, nhưng điều này không đồng nghĩa với việc Việt Nam giàu lên. Bởi theo ông, với phương pháp tính như hiện nay thì chỉ có giá trị mang tính so sánh với một số quốc gia chứ không phản ánh mức tăng thêm về vật chất.

Trong khi đó, ông Vũ Sỹ Cường, Phó Trưởng Bộ môn Phân tích chính sách tài chính, Khoa Tài chính công, Học viện Tài chính cho rằng tính toán lại GDP sẽ dẫn tới việc tính toán lại loạt chỉ tiêu “ăn theo” GDP như năng suất, đầu tư/GDP, thu chi ngân sách…

Theo tính toán của ông Phạm Đình Cường, khi GDP tăng lên, tỷ lệ huy động vào ngân sách nhà nước sẽ giảm từ 23% xuống khoảng 17-18%. “Vậy còn dư địa để huy động thêm vào ngân sách nhà nước hay không?”, ông Phạm Đình Cường đặt câu hỏi. Theo ông, dư địa huy động không thể đến từ tăng thuế mà phải là tăng hiệu quả thu từ hoạt động lách thuế, nợ thuế, trốn thuế…

Đối với chi ngân sách nhà nước, theo dự toán ngân sách 2019, bội chi là 222 nghìn tỷ VND, chiếm 3,6% GDP. Nếu GDP được tính tăng thêm 25,4%, tức là bội chi vào khoảng 278 nghìn tỷ VND, tăng thêm 56 nghìn tỷ đồng. Nghĩa là “room” để chi ngân sách nhà nước tăng lên. Nhưng theo ông Phạm Đình Cường, room tăng không có nghĩa chi sẽ tăng bởi điều này phụ thuộc vào mức chi mà còn liên quan tới hiệu quả khoản chi.

“Trước đây, chúng ta từng tranh cãi về việc đưa khoản vay trả nợ gốc ra ngoài chi ngân sách nhà nước. Đến giờ, đưa khoản này ra ngoài chi ngân sách nhà nước cũng không có nghĩa là chúng ta đã tăng chi tiêu”, ông Phạm Đình Cường cho biết.

Tuy nhiên, trong trung và dài hạn, ông Thành cho rằng dự toán thu chi cần phải được cân nhắc. “GDP thay đổi chưa làm thay đổi số tuyệt đối trong ngắn hạn. Nhưng về trung và dài hạn, cần xem xét cẩn trọng con số này”, ông Thành cảnh báo.

Theo đó, ông Thành đề nghị cần lập dự toán ngân sách nhà nước cho giai đoạn tới theo 2 phương án, tính theo cả con số GDP cũ lẫn sau điều chỉnh. Bởi trong bối cảnh thế giới đang thay đổi, các nước đều đưa ra kịch bản tăng trưởng có biên độ dao động (chẳng hạn tăng trưởng từ 6,6-6,8%) thì dự toán ngân sách nhà nước cũng phải có biên độ dao động tương ứng và Chính phủ có quyền linh hoạt trong những trường hợp nhất định.

“Quy định ngân sách nhà nước chặt sẽ rất khó cho Chính phủ, nhất là khi nhiều nước hiện giờ cứ 3-6 tháng lại dự báo tăng trưởng để có sự linh hoạt trong điều hành. Nếu cứ chờ xuân thu nhị kỳ họp như hiện nay, nền kinh tế đã thay đổi nhiều lắm rồi”, ông Thành nêu ý kiến.

Nguồn: Vneconomy.vn