English
05/072019
Chuyên gia kinh tế CSIS nói về EVFTA: Việt Nam đang thực hiện những bước đi phi thường!

Việt Nam và EU ngày 30/6/2019 đã ký kết hiệp định thương mại tự do EVFTA – loại bỏ 99% thuế quan đối với hàng hóa nhập khẩu Việt Nam sang khối này.

Khi cuộc chiến thuế quan giữa Mỹ và Trung Quốc đang có ảnh hưởng tiêu cực tới thương mại thế giới, nhiều quốc gia vô cùng lo lắng về việc chịu ảnh hưởng xấu. Thỏa thuận EU-Việt Nam đã chứng minh Việt Nam đang tích cực lội ngược dòng bằng việc đa phương hóa đối tác, mở cửa với thương mại toàn cầu.

EU đã mô tả Hiệp định thương mại tự do EU-Việt Nam là một thỏa thuận thương mại tự do tham vọng nhất từng được khối này ký kết với một quốc gia đang phát triển.

Theo Ủy ban châu Âu, Việt Nam hiện là đối tác thương mại lớn thứ 16 của EU, đối tác thương mại lớn thứ 2 trong số các nước Đông Nam Á. Dữ liệu chính thức cho thấy, năm 2018, Việt Nam đã xuất khẩu 42,5 tỷ USD hàng hóa và dịch vụ sang EU. Giá trị nhập khẩu từ EU đạt 13,8 tỷ USD.

Đó sẽ là sự mở rộng tầm ảnh hưởng của Việt Nam trong hệ thống thương mại toàn cầu.

“Việt Nam đang thực hiện những bước đi phi thường để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bằng cách thực hiện những cải cách trong nước. Bất chấp khó khăn, họ rất tích cực tìm kiếm thị trường mới”, ông Brian Harding, Phó giám đốc tại Chương trình Đông Nam Á của Trung tâm nghiên cứu chiến lược và nghiên cứu quốc tế (CSIS) đánh giá.

Việt Nam hiện đã nhận được ưu đãi để xuất khẩu vào EU, Canada và Mexico, ông Harding kỳ vọng xuất khẩu của Việt Nam sẽ tăng trưởng hơn nữa sang các nền kinh tế này. Chính phủ dự báo, EVFTA sẽ thúc đẩy xuất khẩu của EU sang Việt Nam thêm 15,28% và xuất khẩu Việt Nam sang EU thêm 20,0% vào năm 2020.

Trong một báo cáo tháng 6 do Nomura thực hiện, ngân hàng đầu tư Nhật Bản ước tính rằng việc tìm kiếm các đối tác thương mại mới đã giúp xuất khẩu của Việt Nam cải thiện rõ rệt. Cụ thể, các mặt hàng tăng mạnh nhất là linh kiện điện thoại, đồ nội thất và máy xử lý dữ liệu tự động,… những nhóm hàng hóa vốn là hàng xuất khẩu lâu đời của Trung Quốc sang Hoa Kỳ.

“Việt Nam rõ ràng được hưởng lợi từ cuộc chiến thương mại và đang nổi lên như một điểm đến thay thế cho các công ty”- ông Harding nhắc lại đánh giá đó và nói thêm rằng, trong số nhiều quốc gia Đông Nam Á đang cố gắng tận dụng lợi thế của cuộc chiến thương mại, thì Việt Nam rõ ràng là người tích cực nhất.

Sự gia tăng xuất khẩu cũng nhờ một phần lớn ở các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã tham gia trong vài năm qua, trong đó có CPTPP. Ông Harding nói với CNBC, ngay cả khi Thổng thống Trump rút lui, Việt Nam vẫn được hưởng lợi đáng kể từ hiệp ước mới với 11 bên, đặc biệt là từ việc tiếp cận thị trường Canada và Mexico.

 

Thỏa thuận thương mại mới chắc chắn là một chiến thắng cho các nhà xuất khẩu Việt Nam, nhưng đó cũng là một dấu hiệu rằng châu Âu nghiêm túc trong việc đa phương hóa các mối quan hệ thương mại.

Các cuộc đàm phán thương mại và đầu tư song phương giữa EU và Việt Nam bắt đầu từ năm 2012 và hoàn tất vào năm 2018. Hiệp ước đó, cùng với thỏa thuận gần đây của khối với Singapore, là bước đệm của sự hợp tác hơn giữa EU và ASEAN. Nhìn vào bức tranh tổng thể, Đông Nam Á là đối tác thương mại lớn thứ ba của EU sau Mỹ và Trung Quốc, do đó, bất kỳ tiến bộ thương mại tự do nào trong khu vực này đều có ý nghĩa đối với EU.

Phòng Thương mại châu Âu tại Việt Nam dự đoán, EVFTA sẽ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Việt Nam. Theo một cuộc khảo sát do đơn vị này thực hiện, hơn 90% số người được hỏi tin rằng hai bên càng sớm có thể chính thức thực hiện thỏa thuận thì cho các doanh nghiệp hoạt động tại Việt Nam càng nhanh chóng được lợi. Họ cũng tin rằng hiệp định thương mại tự do sẽ có tác động tích cực không chỉ về kinh tế mà là cả những vấn đề khác như xã hội và môi trường.

Ký kết thành công FTA với EU cũng có thể thúc đẩy nhiều mối quan tâm từ các nhà đầu tư quốc tế đến Việt Nam. Ông Harding nói: “Chừng nào Việt Nam còn là một trong số rất ít quốc gia Đông Nam Á có quyền xuất khẩu ưu đãi sang EU, họ sẽ còn thu hút nhiều sự quan tâm hơn nữa từ các nhà đầu tư nước ngoài”.

Nguồn: Trí thức trẻ/CNBC