English
13/012018
Cơ hội giảm lãi suất cho vay năm 2018 đến từ đâu?

Ủy ban giám sát tài chính quốc gia dự báo lãi suất huy động và cho vay VND năm 2018 sẽ khá ổn định so với năm 2017, với biên độ dao động khoảng 0,2 điểm phần trăm.

Mới đây, trả lời phỏng vấn báo chí, TS. Trương Văn Phước, quyền chủ tịch Ủy ban giám sát tài chính quốc gia nhận định rằng, trong năm 2017 lãi suất đã giảm nhưng chưa được như mong đợi. Thực tế này, theo ông là do nhiều nguyên nhân.

Trước hết đó là nợ xấu cao, các ngân hàng phải tăng trích lập dự phòng rủi ro, lấy lợi nhuận để bù đắp khoản vốn bị mất nên lãi suất khó giảm. Thứ hai là chi phí lãi suất huy động không giảm được vì nền kinh tế vẫn có nhu cầu vốn lớn, trong khi các kênh đầu tư khác lại tăng trưởng tốt như thị trường bất động sản, nhất là thị trường chứng khoán tăng rất ngoạn mục là 1 trong 5 thị trường tăng nhanh nhất của thế giới…

Trong báo cáo vừa cập nhật về nền kinh tế năm 2017 và dự báo 2018, Ủy ban giám sát tài chính Quốc gia dự báo rằng năm 2018 lãi suất tiền gửi có thể có biến động nhẹ và cục bộ do yếu tố mùa vụ vào đầu năm do Tết Nguyên đán và vào cuối năm do nhu cầu tín dụng thường tăng cao. Bên cạnh đó, việc một số TCTD buộc phải tăng huy động dài hạn để đảm bảo tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn theo quy định hay việc một số TCTD tăng vốn để đáp ứng yêu cầu về CAR theo Basel II cũng có thể làm cho lãi suất tăng nhẹ

Về khả năng hạ lãi suất VND, theo ủy ban giám sát tài chính, vẫn có những yếu tố còn hỗ trợ thuận lợi cho việc giảm mặt bằng lãi suất cho vay năm 2018. Đó là các biến số kinh tế vĩ mô như lạm phát được kiểm soát khoảng 4%, áp lực từ phía tỷ giá không lớn; Nợ xấu nhiều khả năng được xử lý nhanh và triệt để hơn do cơ chế hỗ trợ từ Nghị Quyết số 42; và đặc biệt là dự báo kết quả kinh doanh hệ thống tiếp tục khả quan, thanh khoản tương đối ổn định, các TCTD yếu kém có chuyển biến tích cực.