English
03/022020
Còn nhiều thách thức cho mặt bằng lãi suất tại Việt Nam

Trao đổi với phóng viên Báo Hải quan, chuyên gia tài chính – ngân hàng, TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) cho rằng, đây chính là nguyên nhân chính khiến mặt bằng lãi suất khó giảm do các ngân hàng phải giữ chênh lệch lãi suất đầu vào – đầu ra ở mức cao so với trung bình của khu vực.

Tháng đầu tiên của năm 2020 qua đi, ông nhận định như thế nào về tình hình lãi suất của các nước trên thế giới trong năm 2020?

Năm 2019, các nước trên thế giới đa số giảm lãi suất. Theo thống kê của trung tâm nghiên cứu BIDV, có 63 ngân hàng trung ương trên thế giới giảm lãi suất với tổng số 148 lần giảm, chẳng hạn Ngân hàng Trung ương Mỹ (FED) giảm ba lần trong năm. Tuy nhiên, năm nay, các nước cũng đã giảm đà cắt giảm lãi suất, nghĩa là có thể tiếp tục giảm nhưng tần suất không nhiều như năm trước. Nguyên nhân do lãi suất hiện nay rất thấp nên các nước thấy công cụ tiền tệ không còn nhiều dư địa để giảm, nên bắt buộc các nước phải dùng chính sách tài khóa.

Bên cạnh đó, một số nước quan ngại về lạm phát nên sẽ không muốn giảm lãi suất quá nhiều khiến lạm phát bùng lên, nhất là trong bối cảnh giá dầu và giá vàng vẫn còn nhiều biến động có thể khiến lạm phát tăng cao.

Tại Việt Nam, tình hình trên sẽ có tác động như thế nào tới mặt bằng lãi suất, thưa ông?

Theo tôi, trong năm nay, lãi suất đầu vào tại Việt Nam sẽ cơ bản theo hướng ổn định, nhưng ở một số thời điểm, lãi suất đầu vào có thể nhích lên. Nguyên nhân do nhu cầu huy động vốn cho nền kinh tế vẫn còn lớn, nhất là vốn trung, dài hạn. Hơn nữa, hệ thống ngân hàng phải đáp ứng chuẩn Basel II; tiếp tục tuân thủ Thông tư 22/2019/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) quy định các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài theo hướng giảm dần dùng vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn giảm xuống. Theo đó, năm nay, các ngân hàng phải giảm tỷ lệ này xuống còn 37%, tỷ lệ này của năm trước là 40%. Điều này có thể không quá khó khăn vì tỷ lệ đó hiện đang là 38%.

Tuy nhiên, các ngân hàng phải để ý hơn trong việc huy động tăng vốn trung và dài hạn. Hơn nữa, thị trường trái phiếu doanh nghiệp vẫn phát triển tích cực nhưng không quá đột biến, dự tính năm nay tăng 7-10%, trong khi năm trước tăng khoảng 11%. Trong khi đó, nhu cầu về tín dụng còn khá lớn, vì NHNN năm nay vẫn định hướng tăng trưởng tín dụng trong khoảng 13-14%, tương tự 2019.

Đối với lãi suất đầu ra, trong bối cảnh các nước trên thế giới ít giảm lãi suất, Việt Nam cũng phải lưu ý các kênh đầu tư có nhiều biến chuyển như vàng, chứng khoán, bất động sản… Do đó, các ngân hàng cần phải cân nhắc, nếu lãi suất tiết kiệm ở mức thiếu hấp dẫn thì hệ thống ngân hàng khó thu hút được vốn phục vụ cho nền kinh tế. Vì thế, lãi suất đầu ra năm nay rất khó giảm, giữ mức độ như năm qua, hoặc có thể tương tự những tháng cuối năm tức là có giảm nhẹ đôi chút.

Lãi suất đầu ra khó giảm bởi lãi suất hiện nay không phải là điểm nghẽn về tín dụng của nền kinh tế. Hơn nữa, lãi suất thực sau khi đã trừ đi lạm phát đang ở mức trung bình so với khu vực. Cụ thể, trung bình 5 năm qua lãi suất thực ở mức 4,8-5%, vẫn ở mức trung bình cao. Do Việt Nam còn rủi ro, hơn nữa chi phí giao dịch toàn bộ nền kinh tế còn cao, thị trường vốn chưa phải là phát triển, chủ yếu phụ thuộc vào hệ thống ngân hàng. Chính vì vậy, chênh lệch đầu vào – đầu ra tương đối thấp: 2,6-2,7% so với bình quân khu vực là 2,9-3%.

con nhieu thach thuc cho mat bang lai suat tai viet nam 119305
Lãi suất có thể giữ được sự ổn định trong năm 2020. Ảnh: ST.

Cùng với những nguyên nhân nêu trên, theo ông, đâu là những thách thức của nền kinh tế tới mặt bằng lãi suất tại Việt Nam?

Thách thức đối với nền kinh tế năm nay là lạm phát tăng hơn so với năm ngoái do giá thịt lợn tăng mạnh những tháng cuối năm 2019 và đầu năm 2020, lạm phát tháng 1/2020 đã ở mức tương đối cao. Đồng thời, căng thẳng Mỹ – Iran cũng khiến giá dầu và vàng tăng những ngày đầu năm. Vì vậy, việc điều hành chính sách tiền tệ phải thật sự thận trọng mới đảm bảo được mục tiêu lạm phát trong năm nay. Do đó, với những thách thức này, nếu lãi suất đầu vào vẫn được giữ như thời điểm cuối năm 2019, nghĩa là giảm nhẹ một chút thì đã là thành công.

Xin cảm ơn ông!

Bà Dương Thị Thanh Bình, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước (NHNN): Điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt

Thời gian qua, NHNN đã điều hành đồng bộ các giải pháp về lãi suất để ổn định và giảm lãi suất thị trường theo chủ trương của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Cụ thể, trên cơ sở nền tảng kinh tế vĩ mô, tiền tệ, ngoại hối ổn định, lạm phát được kiểm soát, ngân hàng trung ương các nước liên tục cắt giảm lãi suất, vào tháng 9/2019, NHNN đã giảm 0,25 điểm phần trăm các mức lãi suất điều hành, qua đó tạo điều kiện hỗ trợ nền kinh tế, hỗ trợ thanh khoản và giảm chi phí vốn cho hệ thống tổ chức tín dụng. Tiếp đó, đến tháng 11/2019, NHNN điều chỉnh giảm 0,2-0,5 điểm phần trăm đối với trần lãi suất huy động các kỳ hạn dưới 6 tháng; giảm 0,5%/năm trần lãi suất cho vay ngắn hạn đối với các lĩnh vực ưu tiên; giảm lãi suất chào mua OMOs (2 lần giảm với tổng mức giảm là 0,75 điểm phần trăm).

Phản ứng tích cực với chính sách của NHNN, các tổ chức tín dụng đã chủ động điều chỉnh giảm lãi suất huy động và lãi suất cho vay góp phần hỗ trợ sản xuất kinh doanh; trong đó nhiều tổ chức tín dụng điều chỉnh giảm lãi suất sâu hơn mức trần quy định của NHNN. Do đó, xét về tổng thể, việc điều hành chính sách tiền tệ của NHNN đã, đang và tiếp tục thể hiện sự linh hoạt hỗ trợ nền kinh tế, tính đến các tác động từ bên ngoài nhưng vẫn kiên định với mục tiêu kiểm soát lạm phát, ổn định thị trường tiền tệ ngoại hối trong trung, dài hạn. NHNN vẫn tiếp tục điều hành cẩn trọng các công cụ chính sách tiền tệ để ổn định tiền tệ, ngoại hối, kiểm soát lạm phát, tiếp tục thực hiện các quy định về đảm bảo an toàn đối với các tổ chức tín dụng, góp phần giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô và thúc đẩy tăng trưởng bền vững.

PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh, Học viện Tài chính: Theo dõi sát biến động thị trường

Để thúc đẩy kinh tế tăng trưởng nhanh và bền vững, Việt Nam phải ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn. Đặc biệt, Chính phủ và các cơ quan, bộ, ngành phải theo dõi sát tình hình biến động của nền kinh tế thế giới và thị trường tài chính tiền tệ. Từ đó phải có các giải pháp chủ động, quản lý điều hành tỷ giá linh hoạt, lãi suất hợp lý để đưa dòng vốn ra nền kinh tế.

Ông Nguyễn Đức Độ, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế – Tài chính, Học viện Tài chính: Lãi suất duy trì ổn định

Năm 2020, mặt bằng lãi suất nhiều khả năng sẽ duy trì được sự ổn định. Tuy nhiên, lãi suất cho vay phục vụ nền kinh tế phụ thuộc chủ yếu vào nguồn vốn huy động từ tổ chức, cá nhân trong thị trường 1 (thị trường giữa các ngân hàng thương mại với các tổ chức kinh tế và cá nhân). Vì vậy, nếu người dân vẫn chủ yếu gửi tiền kỳ hạn ngắn thì lãi suất cho vay, nhất là vay dài hạn rất khó giảm.

Ông Hoàng Việt Cường, Phó Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Nam Á (NamABank): Nỗ lực đựa nguồn vốn giá rẻ vào thị trường

Chính phủ đã có chủ trương giảm lãi suất cho vay. Các ngân hàng trung ương nhiều nước đã không ngừng nới lỏng chính sách tiền tệ, nên nếu muốn cạnh tranh được, các ngân hàng nhỏ cũng đang đối diện với thách thức. Do đó, NamABank cũng sẽ nỗ lực để đưa thêm nguồn vốn giá rẻ vào thị trường.

Nguồn: haiquanonline.com