Việc cắt giảm thuế theo cam kết CPTPP sẽ làm giảm thu ngân sách nhưng sẽ không có tác động đột ngột do lộ trình giảm thuế nhập khẩu tương đối dài.
Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đã được Quốc hội chính thức phê chuẩn vào ngày 12/11/2018. Việc tham gia CPTPP có thể giúp GDP và xuất khẩu của Việt Nam tăng tương ứng là 1,32% và 4,04% đến năm 2035. Tổng kim ngạch nhập khẩu cũng có thể tăng thêm 3,8%. Về thu hút đầu tư, các cam kết trong CPTPP về dịch vụ và đầu tư dự kiến giúp cải thiện môi trường đầu tư, góp phần thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài.
Việc tham gia CPTPP được đánh giá là có lợi cho nền kinh tế Việt Nam. Tuy nhiên, bên cạnh nhiều thuận lợi, một trong những thách thức khi tham gia CPTPP được đặt ra, đó là việc nếu cắt giảm thuế nhập khẩu theo cam kết sẽ làm giảm thu ngân sách.Đặc biệt, cơ hội việc làm, thu nhập của người dân cũng sẽ tăng lên, bình quân mỗi năm đạt khoảng 20.000 – 26.000 USD. Còn theo nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới (WB), đến năm 2030, CPTPP dự kiến sẽ giúp giảm 0,6 triệu người nghèo ở mức chuẩn nghèo có thu nhập 5,5 USD/ngày.
Gần 98% số dòng thuế giảm về mức 0%
Theo ông Vũ Như Thăng, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ Tài chính, trong CPTPP có các cam kết về thuế xuất nhập khẩu và chính sách thuế xuất nhập khẩu. Đối với thuế nhập khẩu, Việt Nam cam kết một biểu thuế chung cho tất cả các nước CPTPP, trong đó: 65,8% số dòng thuế có mức thuế suất 0% ngay khi Hiệp định có hiệu lực; 86,5% số dòng thuế có mức thuế suất 0% vào năm thứ 4 kể từ khi Hiệp định có hiệu lực; 97,8% số dòng thuế có mức thuế suất 0% vào năm thứ 11 kể từ khi Hiệp định có hiệu lực; các mặt hàng còn lại cam kết xoá bỏ thuế nhập khẩu với lộ trình dài hơn hoặc theo hạn ngạch thuế quan.
“Đối với thuế xuất khẩu, Việt Nam cam kết xóa bỏ phần lớn thuế với hàng xuất sang các nước thành viên CPTPP theo lộ trình, lên đến 15 năm. Những mặt hàng quan trọng còn lại như than đá, dầu mỏ và một số loại quặng, khoáng sản (70 mặt hàng) sẽ tiếp tục được duy trì thuế xuất khẩu và áp dụng một mức trần thuế suất”, ông Vũ Như Thăng cho biết.
Bên cạnh đó là các cam kết không bên nào được đánh thuế nhập khẩu với một mặt hàng, bất kể xuất xứ từ đâu khi được tái nhập khẩu vào lãnh thổ của bên đó sau khi được tạm xuất khẩu sang lãnh thổ của một bên khác, để sửa chữa hoặc thay thế. Ngoài ra, CPTPP còn miễn thuế nhập khẩu đối với hàng thương mại có giá trị không đáng kể và ấn phẩm quảng cáo; hàng tạm nhập khẩu vì mục đích nhất định, bỏ quy định tạm nhập và tái xuất cùng một cửa khẩu và cho phép phương tiện vận tải được phép đi qua bất kỳ tuyến đường nào để xuất cảnh nhanh chóng và hợp lý.
Tuy nhiên, đại diện Bộ Tài chính cho rằng, việc cắt giảm thuế nhập khẩu theo cam kết sẽ làm giảm thu ngân sách nhưng sẽ không có tác động đột ngột.
“Do trong CPTPP có 7/10 nước đã có FTA với Việt Nam và lộ trình giảm thuế nhập khẩu tương đối dài (10 năm). Trong khi đó, Việt Nam được quyền đánh thuế xuất khẩu đối với một số mặt hàng có nguồn thu lớn như dầu thô và một số loại khoáng sản nên tác động giảm thu không lớn”, ông Vũ Như Thăng khẳng định.
Cơ hội gia tăng trong nội khối cho Việt Nam
Theo ông Thăng, mặc dù khi thực hiện các cam kết theo CPTPP, thuế suất sẽ giảm nhưng tham gia Hiệp định CPTPP sẽ giúp Việt Nam cơ cấu lại thị trường xuất nhập khẩu theo hướng cân bằng hơn, không quá dựa nhiều vào một thị trường như Trung Quốc, Hàn Quốc…
“Các mặt hàng xuất khẩu có thế mạnh của Việt Nam như nông thủy sản, điện, điện tử đều được xóa bỏ thuế ngay khi Hiệp định có hiệu lực. Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới, xuất khẩu của Việt Nam có thể tăng thêm 4,2%”, ông Vũ Như Thăng cho biết.
Bên cạnh đó, các cam kết trong CPTPP về dịch vụ và đầu tư, hải quan… sẽ có tác dụng tích cực trong việc cải thiện môi trường đầu tư, thu hút vốn đầu tư nước ngoài trực tiếp và gián tiếp.
“Các doanh nghiệp Việt Nam có cơ hội tham gia chuỗi cung ứng mới hình thành sau khi CPTPP có hiệu lực, trong đó có một số ngành có nhiều tiềm năng như điện tử, thực phẩm, đồ uống, thuốc lá, dệt may, hóa chất, sản phẩm nhựa, thiết bị vận tải… Mặt khác, tham gia CPTPP – một FTA có nhiều tiêu chuẩn cao sẽ là cơ hội để Việt Nam tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, đổi mới mô hình tăng trưởng”, ông Vũ Như Thăng nhấn mạnh.
Đồng tình với quan điểm này, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cũng cho rằng, bên cạnh những lợi ích về việc cải thiện thể chế và môi trường kinh doanh, việc cắt giảm triệt để thuế quan, từ đó giảm giá thành sản phẩm cũng khiến CPTPP được kỳ vọng sẽ mang lại lợi thế cạnh tranh cho doanh nghiệp (DN).
“Hiệp định CPTPP mang đến cơ hội mở rộng thương mại đầu tư với ba thị trường mới đầy tiềm năng ở châu Mỹ. Bên cạnh đó là cơ hội nâng cấp và làm sâu sắc thêm mối liên hệ cộng hưởng với bảy thị trường còn lại, trong đó có nhiều đối tác chiến lược quan trọng của Việt Nam. Do đó, đây chính là cơ hội tăng lợi nhuận cho DN, có thêm việc làm cho người lao động, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế”, ông Vũ Tiến Lộc nhận định.
Theo đại diện VCCI, hiệp định này sẽ có tác động tâm lý rất lớn cho DN, mở ra khả năng phát triển hàng giá trị gia tăng trong nội khối cho Việt Nam; đồng thời tạo ra sân chơi bình đẳng, công bằng cho DN. Tuy nhiên, ông Lộc cũng thẳng thắn cho rằng, tất cả những tiềm năng đang chỉ ra mới chỉ là cơ hội và vì kỳ vọng nhiều vào các cơ hội nên chúng ta không thể không lo lắng về nguy cơ các cơ hội này có thể không trở thành hiện thực.
“Các FTA hứa hẹn mang lại nhiều cơ hội nhưng phần lợi ích thực sự đạt được còn khiêm tốn. Bài học từ việc thực thi 10 FTA đang có đã cho thấy rất rõ điều này. Riêng lợi ích từ ưu đãi thuế quan, trung bình chúng ta mới chỉ tận dụng được chưa đầy 40% và chủ yếu thuộc về doanh nghiệp FDI, hơn 60% còn lại vì nhiều lý do khác nhau đã tuột khỏi doanh nghiệp Việt Nam”, ông Vũ Tiến Lộc cho hay.
Do đó, để giúp DN tận dụng được các thuận lợi này, đại diện VCCI cho rằng, sau CTTPP có hiệu lực thi hành, phải thông tin rộng rãi tới người dân, DN. Chính phủ cần có kịch bản ứng phó để tận dụng tốt những cơ hội và ứng phó với những bất lợi, thách thức đặt ra.
Còn theo nhiều chuyên gia kinh tế, để đảm bảo thực hiện các cam kết hội nhập quốc tế, trong đó có CPTPP, tận dụng được thuận lợi, giảm thiểu những tác động bất lợi do quá trình cắt giảm thuế đảm bảo ổn định, bền vững cho nguồn thu ngân sách trong dài hạn, Việt Nam cần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tăng kim ngạch thương mại bền vững để tăng thu thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế bảo vệ môi trường ở khâu nhập khẩu. Đồng thời, tiếp tục cải cách hệ thống thuế với mục tiêu xây dựng hệ thống thuế đồng bộ vừa khuyến khích các thành phần kinh tế phát triển, vừa đảm bảo nguồn lực tài chính đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế – xã hội.
Bên cạnh đó, ngành tài chính cần thực hiện rà soát và điều chỉnh những bất cập trong chính sách thuế đảm bảo phù hợp với những quy định của các cam kết; đẩy mạnh các chính sách khai thác các nguồn thu từ thuế nội địa như cải cách các chính sách về thuế thu nhập cá nhân, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế sử dụng đất… để đảm bảo tính ổn định cho ngân sách về dài hạn.
Nguồn: VOV