Cổ phiếu DNNN vẫn “ế nặng”
Theo báo cáo của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, từ năm 2016 đến ngày 31/8/2018, có 225 doanh nghiệp (DN) cổ phần hóa (CPH), thoái vốn thực hiện đấu giá cổ phần trên Sở GDCK. Tổng số cổ phần chào bán của 225 DN này là 5.781.874.005 cổ phần và tổng số cổ phần bán được là 3.259.205.328 cổ phần. Theo đó, tỷ lệ thành công đạt 56%. Tổng giá thực tế bán được là 178.200,91 tỷ đồng.
Ông Đặng Quyết Tiến, Cục trưởng Cục Tài chính DN (Bộ Tài chính) cho biết, giai đoạn 2016-2017, số DN thực hiện bán đấu giá cổ phần thấp hơn so với các năm trước, đặc biệt là năm 2017, tuy nhiên tổng giá trị thực tế bán được cao hơn gấp 5,5 lần so với năm trước do năm 2017 có các đợt thoái vốn của Bộ Công Thương tại Sabeco, của SCIC tại Công ty CP Sữa Việt Nam (Vinamilk). Tỷ lệ thành công các đợt đấu giá năm 2017 đạt 57%.
Tuy nhiên, bên cạnh một số phiên đấu giá có tỷ lệ thành công đạt cao thì một số lớn đợt đấu giá vẫn chưa thu hút được sự tham gia của các nhà đầu tư dẫn đến tỷ lệ cổ phần bán thành công còn ở mức thấp (chưa đến 3%).Giai đoạn 8 tháng đầu năm 2018, số lượng các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) CPH và thoái vốn thực hiện bán đấu giá cổ phần qua hai Sở GDCK là 46 DN (bằng 59% so với năm 2017) với tổng giá trị tiền thu được là 27.400 tỷ đồng (tổng số cổ phần bán được là 1,5 tỷ cổ phần). Tỷ lệ thành công bình quân đạt 52% (trong đó có 34/46 phiên có tỷ lệ thành công đạt 100%).
Cụ thể như, tại phiên chào bán cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) ngày 5/9, Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) chào bán 488,8 triệu cổ phần, tương đương 34,8% lượng cổ phần của công ty. Giá khởi điểm được Vinalines đưa ra 10.000 đồng/cổ phần. Với số cổ phần chào bán lớn như trên nhưng phiên đấu giá chỉ có 42 nhà đầu tư đăng ký tham gia, trong đó chủ yếu là nhà đầu tư cá nhân.
Kết thúc phiên đấu giá, số cổ phần đấu giá thành công gần 5,44 triệu cổ phần với giá trung bình 10.002 đồng/cổ phần. Tổng giá trị cổ phần bán thành công hơn 54 tỷ đồng. Sau IPO, Vinalines mới chỉ bán thành công 0,38% vốn tương ứng với 1,1% lượng cổ phần chào bán và có thể gọi là phiên IPO “ế nặng”.
Một thương vụ IPO thất bại khác của Tổng Công ty Phát điện 3 (EVNGenco3), bán đấu giá công khai 267 triệu cổ phần, chiếm 12,8% trên tổng vốn điều lệ 20.809 tỷ đồng ra công chúng. Với mức giá khởi điểm được xác định là 24.600 đồng/cổ phần, nhà nước dự kiến thu về 6.569 tỷ đồng theo giá khởi điểm. Tuy nhiên, chỉ có 336 nhà đầu tư tham gia đấu giá; tổng khối lượng đặt mua chỉ hơn 7,5 triệu cổ phần, chiếm chưa đầy 3% lượng cổ phần chào bán ra công chúng.
Cần khôn ngoan và có chiến lược
Theo nhiều chuyên gia kinh tế, một trong những nguyên nhân khiến nhiều thương vụ IPO DNNN chưa thành công là do số lượng cổ phiếu DNNN chào bán quá ồ ạt. Lượng cổ phiếu bán ra thị trường lớn, trong khi các doanh nghiệp này cũng không phải những tên tuổi đình đám và lợi nhuận từ kinh doanh chưa thực sự nổi bật, do đó tình trạng ế cổ phần là… điều đương nhiên.
TS Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng, DNNN là món hàng hời và việc không bán được là do sự thiếu sự quan tâm của nhà đầu tư. Cổ phần hóa DNNN là quyết định đúng, song Nhà nước nên bán vốn khôn ngoan và có chiến lược bài bản, biết làm hàng, chứ đừng làm theo kiểu “quẳng” hết hàng ra thị trường một cách ào ạt.
“Hiện chủ sở hữu DNNN khá phân mảnh, có mục tiêu và lợi ích khác nhau, nên nếu đẩy hàng ra thị trường ào ào cùng một lúc sẽ không thành điểm cộng tốt, ngược lại sẽ triệt tiêu nhau”, TS Hiếu nhận định.
Bên cạnh đó, nhà đầu tư (NĐT) chưa mặn mà với các thương vụ IPO DNNN còn bởi e ngại tình trạng thua lỗ của DN trong những năm trước đó. Tiêu biểu như Vinalines, hầu hết các công ty vận tải biển thuộc tập đoàn này đều thua lỗ, thậm chí âm vốn chủ sở hữu. Báo cáo tài chính hợp nhất kiểm toán năm 2017 cho thấy, Vinalines vẫn còn lỗ lũy kế 3.253 tỷ đồng. Tổng tài sản và vốn chủ sở hữu đạt lần lượt là 28.137 tỷ đồng và 7.969 tỷ đồng. Thậm chí, trước đó, Vinalines đã từng có thời điểm lỗ lũy kế tới 22.000 tỷ đồng và Nhà nước từng cân nhắc việc cho Vinalines phá sản.
Bên cạnh lỗ luỹ kế, Vinalines còn vướng số nợ phải trả. Tại buổi giới thiệu cơ hội đầu tư vào tổng công ty trước thềm IPO, lãnh đạo Vinalines cho biết, nợ của công ty mẹ hiện còn 2.000 tỷ đồng do đã tái cơ cấu. Hơn nữa, trên sàn chứng khoán, các công ty con hoặc liên kết của Vinalines như Vosa, Đông Đô, vận tải Biển Bắc… đang giao dịch với thị giá cổ phiếu dưới 2.000 đồng, thậm chí vài trăm đồng/cổ phiếu. Những lí do trên khiến NĐT e ngại cổ phiếu của DN này.
Thêm vào đó, tỷ lệ muốn nắm giữ cổ phần của các doanh nghiệp Việt Nam còn ở mức cao, cổ đông nhà nước vẫn muốn nắm giữ và thoái từng phần. Trong khi, hiện các nhà đầu tư nước ngoài muốn nắm tỷ lệ chi phối để có thể chủ động trong các hoạt động kinh doanh của mình. Do đó, các đợt đấu giá chưa thực sự thu hút được sự tham gia của nhà đầu tư nước ngoài.
“Nhà đầu tư nước ngoài chỉ tham gia vào số ít các cuộc đấu giá các DN có quy mô vốn lớn như Công ty TNHH MTV Lọc hóa dầu Bình Sơn, Tổng công ty Dầu Việt Nam, Tổng công ty Điện lực dầu khí Việt Nam”, ông Đặng Quyết Tiến cho hay.
Theo ông Đặng Xuân Minh, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần AVM Việt Nam, báo cáo tài chính và công bố thông tin của DN chưa thực sự minh bạch đang là vấn đề lớn nhất ảnh hưởng đến thu hút vốn ngoại khi mà họ còn e ngại về tính chính xác của các con số tài chính. Ngoài ra, việc tiếp cận thông tin về đối tượng tiềm năng cũng khá khó khăn cho các nhà đầu tư nước ngoài.
TS Phan Đức Hiếu cho rằng, để tránh “vết xe đổ” những thương vụ IPO không thành công trong năm 2018, cơ quan chức năng cần bán vốn DNNN đúng kế hoạch, lựa chọn thời điểm phù hợp để đạt giá trị cao nhất.
“Bán vốn nhà nước cần khôn ngoan và có chiến lược hơn. Không phải ra chiến lược cổ phần hóa DNNN hôm trước, hôm sau ồ ạt quẳng hết vốn ra thị trường để bán”, TS Hiếu khuyến cáo.
Nguồn: VOV