Trong những năm gần đây, Chính phủ rất rõ ràng trong định hướng ổn định vĩ mô hàng đầu song song với tăng trưởng kinh tế, do vậy tăng trưởng kinh tế năm 2019 được dự báo dao động xung quanh mức 6,7%.
Nền tảng trong nhóm nước tăng trưởng cao
Năm 2018 khép lại với những thành tựu đặc biệt trong phát triển kinh tế Việt Nam, với tăng trưởng kinh tế đạt mức 7,08%. Đây là mức cao nhất trong 11 năm qua và đưa Việt Nam trở thành quốc gia nằm trong nhóm các nước tăng trưởng cao nhất trong khu vực và thế giới.
Kết quả này có được đến từ ngành chế biến, chế tạo với mức tăng trưởng 12,98%, cũng như mức tăng cao nhất của ngành nông nghiệp đạt 3,76% trong giai đoạn 2012-2018.
Ngoài ra, khu vực đối ngoại cũng thiết lập kỷ lục tăng trưởng mới với tổng kim ngạch xuất nhập khẩu trên 482 tỷ USD và xuất siêu 7,2 tỷ USD (tăng 147% so với năm 2017). Song song đó, khu vực thu ngân sách Nhà nước đạt dấu mốc đáng ghi nhớ khi lần đầu tiên Việt Nam vượt thu ngân sách so với dự toán 3,5 tỷ USD.
[Năm 2019: Lĩnh vực nào sẽ bứt phá, tạo động lực cho nền kinh tế?]
Phó giáo sư-tiến sỹ Nguyễn Đức Trung, Trưởng nhóm thực hiện Báo cáo Kinh tế vĩ mô Việt Nam năm 2019, cho rằng những con số tăng trưởng trên được tạo ra bởi nền tảng kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát ba năm liên tục được kiểm soát thấp ổn định dưới 4%. Qua đó, có thể thấy môi trường kinh doanh có nhiều tín hiệu tích cực.
Đặc biệt, kết quả điều tra xu hướng kinh doanh quý 1/2019 so với quý 4/2018 của Tổng cục Thống kê có 85,1% số doanh nghiệp đánh giá xu hướng tốt lên và ổn định. Đồng thời, chỉ số PMI (chỉ số Quản lý thu mua) đạt 56,6 điểm vào tháng 11/2018, cao nhất trong các nước ASEAN; chỉ số phát triển bền vững năm 2018 tăng 11 bậc, xếp hạng 57/176 quốc gia.
Tuy nhiên, trong bức tranh kinh tế của năm 2018 vẫn còn những mảng tối nhất định như một số ngành vốn tạo động lực tăng trưởng cho nền kinh tế như: điện thoại, điện tử, xây dựng… không còn duy trì được tốc độ tăng trưởng ấn tượng như giai đoạn 2016-2017, đi kèm với ngành khai khoáng tiếp tục tăng trưởng âm. Bên cạnh đó, ngành dịch vụ đạt tăng trưởng thấp hơn năm 2017; trong đó tăng trưởng không cao của dịch vụ bất động sản nhất quán với sự chững lại của tăng trưởng ngành xây dựng.
Dây chuyền sản xuất linh kiện cho các sản phẩm điện tử tại Công ty TNHH INOAC Viet Nam (vốn đầu tư của Nhật Bản) tại Khu công nghiệp Quang Minh (Hà Nội). (Ảnh: Danh Lam/TTXVN)
Theo tính toán, từ năm 2008 (năm Việt Nam đạt mức GDP bình quân đầu người 1.070 USD và trở thành quốc gia đạt mức thu nhập trung bình), nếu muốn tăng trưởng GDP bình quân 7%/năm, Việt Nam cần 40,5 năm để chuyển sang nước có thu nhập cao. Bởi theo định nghĩa của Ngân hàng Thế giới, một quốc gia mắc kẹt trong 42 năm không vượt qua được ngưỡng thu nhập bình quân đầu người từ 1.000-10.000 USD/năm thì bị rơi vào bẫy thu nhập trung bình.
Dòng vốn FDI đang vừa có xu hướng giảm trên phạm vi toàn cầu, vừa có tín hiệu chuyển hướng về các nước có nguồn lực công nghệ cao trên nền tảng 4.0, cũng sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến nền kinh tế. Trên thực tế, tổng vốn FDI đăng ký năm 2018 giảm 15,5% so với năm 2017 là dấu hiệu đáng báo động cho sự suy giảm nguồn lực này trong thời gian tới.
Triển vọng kinh tế ở giai đoạn 2019-2020
Với những nền tảng của năm 2018, tăng trưởng kinh tế vĩ mô được nhóm nghiên cứu Báo cáo Kinh tế vĩ mô Việt Nam năm 2019 dự báo tăng trưởng từ 6,8-6,9% trong năm 2019. Đồng thời, năm 2019 mở ra với sứ mệnh quan trọng, quyết định cho sự thành công của kế hoạch 5 năm 2016-2020, do nền kinh tế không đạt được mục tiêu ở năm 2016 và xa hơn là vượt qua bẫy thu nhập.
Theo các chuyên gia, nhân tố tích cực cho tăng trưởng đến từ triển vọng kinh tế thế giới, sự lạc quan của khu vực tư nhân và sự hồi phục của ngành nông-lâm-thủy sản. Trong đó, nhờ vào các Hiệp định Thương mại tự do (FTA) song phương và đa phương đang có hiệu lực, Việt Nam có cơ hội mở rộng thị trường tiêu thụ hàng hóa. Với điểm sáng của một thị trường ổn định, tăng trưởng cao, nền kinh tế Việt Nam tiếp tục là điểm đến đầu tư được lựa chọn.
Dẫn chứng cụ thể, ông Nguyễn Xuân Thành, Giám đốc Phát triển Trường Đại học Fullbright Việt Nam, cho hay ở khía cạnh ngành sản xuất, triển vọng khả quan của tiêu dùng tư nhân sẽ tạo điều kiện cho ngành dịch vụ tiếp mở rộng. Đặc biệt, xu thế mở rộng tiêu dùng đang lan tỏa ra toàn nền kinh tế, cũng như triển vọng tích cực của hoạt động bán lẻ, tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, du lịch và dịch vụ ăn uống, lưu trú.
Còn ngành nông-thủy-hải sản duy trì đà tăng trưởng cao hơn nếu việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng phục vụ xuất khẩu. Hoạt động nuôi trồng thủy sản có nhiều thuận lợi khi các sản phẩm có xu hướng được tiêu thụ tốt từ cả thị trường trong nước và nước ngoài. Thêm vào đó, số lượng thị trường xuất khẩu chấp nhận sản phẩm ngành nông-thủy-hải sản Việt Nam ngày càng tăng đang mở rộng thị trường đầu ra cho ngành này.
Tính đến nay các tranh luận về những tác động của cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung đến nền kinh tế Việt Nam vẫn chưa nhất quán, nhưng có thể thấy Việt Nam có thể được hưởng lợi nhưng cũng phải chịu ảnh hưởng tiêu cực. Đáng chú ý, cuộc chiến này chỉ là bề nổi cho tảng băng chìm về xu hướng bảo hộ thương mại và các hàng rào phi thuế quan ngày càng gia tăng.
Việt Nam là nền kinh tế nhỏ, nhưng có độ mở thương mại rất lớn và đến cuối năm 2018 độ mở thương mại của Việt Nam chỉ thấp ở Singapore trong Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á. Theo đó, kịch bản xấu nhất, thị trường xuất khẩu sẽ bị ảnh hưởng rất mạnh, bất ổn kinh tế toàn cầu sẽ làm giảm thanh khoản dòng vốn, nguồn vốn nước ngoài sẽ giảm sút.
Ở góc độ địa phương giữ vai trò đầu tàu kinh tế cả nước, tiến sỹ Trần Anh Tuấn, Quyền Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển Thành phố Hồ Chí Minh, cho hay trong định hướng phát triển của Thành phố Hồ Chí Minh, khu vực dịch vụ chiếm tỷ lệ cao, đóng vai trò kéo theo các ngành công nghiệp, sản xuất, xây dựng… Trong những năm gần đây, khu vực dịch vụ đã dẫn dắt các ngành tài chính, ngân hàng, du lịch, bán lẻ, logistics… tăng trưởng, đóng góp tích cực vào nền kinh tế Thành phố.
Trước bối cảnh này, ở giai đoạn 2019-2020, Thành phố Hồ Chí Minh đã và đang tập trung mọi nguồn lực để triển khai cơ chế đặc thù, đẩy mạnh phát triển kinh tế. Trong đó, thành phố đã triển khai những giải pháp và chương trình hành đồng cụ thể để hiện thực hóa các mục tiêu kinh tế, đầu tư, thương mại.
Tuy nhiên, để Thành phố Hồ Chí Minh phát triển đột phá về kinh tế, cần tạo động lực phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo và mở rộng khu vực dịch vụ ở đa dạng lĩnh vực. Đồng thời, Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng và cả nước nói chung cần tập trung các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng chất lượng với chiến lược dài hạn.
Nguồn: cafef.vn