Trong khi đó, tăng trưởng GDP 6,6-6,8% và chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng bình quân 4% là các chỉ tiêu đã được Quốc hội quyết định cho năm nay.
Nhóm nghiên cứu của VEPR cho rằng những mục tiêu trên là có thể đạt được, thậm chí chỉ tiêu về tăng trưởng GDP hoàn toàn có thể vượt qua con số nói trên, trong bối cảnh Việt Nam đang hưởng lợi từ cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung.
Tuy nhiên, rủi ro lạm phát vẫn cần phải được theo dõi chặt chẽ khi giá cả trên thị trường hàng hóa thế giới trồi trụt thất thường.
Vấn đề lớn nhất là chính sách tài khóa
Nhận định của báo cáo là triển vọng tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong dài hạn sẽ tiếp tục phụ thuộc vào FDI, vào kết quả gỡ bỏ rào cản thể chế, sự cải thiện môi trường kinh doanh và quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước.
Theo VEPR, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước nên đặt nhiệm vụ trọng tâm là thu gọn đầu mối quản lý, xóa bỏ các lực cản để từ đó thúc đẩy tiến trình cổ phần hóa, thay vì sa đà vào việc cố gắng bảo vệ và duy trì khu vực doanh nghiệp Nhà nước vốn dĩ không thể hoạt động hiệu quả bằng khu vực tư nhân.
VEPR nhắc lại nhận định đã được nêu trong nhiều năm: vấn đề lớn nhất của Việt Nam nằm ở chính sách tài khóa.
Báo cáo lần này nói rõ, trong nhiều năm gần đây, bức tranh ngân sách và nợ công không được cải thiện. Quy mô nợ công lớn và sát ngưỡng cho phép (65% GDP) khiến gánh nặng chi trả nợ lãi ngày càng cao. Nguồn thu ngân sách vẫn chỉ đủ hoặc dư thừa không đáng kể sau khi thực hiện tiêu dùng của Nhà nước, không có tiết kiệm (phải vay nợ) để thực hiện đầu tư phát triển. Tỷ lệ thu ngân sách Nhà nước/GDP có giảm đôi chút nhưng lại chủ yếu là nhờ tư nhân hóa nhiều dịch vụ công.
Đặc biệt, khối tài sản Nhà nước tuy ngày càng giảm thông qua bán vốn doanh nghiệp Nhà nước hoặc bán các tài sản Nhà nước khác, nhưng thâm hụt ngân sách lại chưa được thu hẹp (vẫn khoảng 4% chưa kể chi trả nợ gốc).
“Điều này có nghĩa là Việt Nam cũng thiếu “đệm tài khóa” để đối phó với các cú sốc bên ngoài (nếu có) như nhiều quốc gia khác. Môi trường kinh doanh theo đó cũng khó được cải thiện khi doanh nghiệp và người dân luôn phải đối mặt với nỗi lo tăng thuế phí để bù đắp cho thâm hụt ngân sách của Chính phủ”, các tác giả báo cáo của VEPR nhận xét.
Chủ động điều hành tỷ giá một cách khéo léo?
Lưu ý chính sách cho 2019 được VEPR nêu tại báo cáo là trước tiến trình “bình thường hóa” chính sách tiền tệ từ các nước phát triển và nguy cơ chiến tranh thương mại Mỹ – Trung leo thang trong năm 2019, Việt Nam một mặt nên tiếp tục tiến trình cải thiện điều kiện thể chế – kinh tế trong nước, cải cách tài khóa và thúc đẩy tiến trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, mặt khác nên tập trung chuẩn bị các điều kiện về tài khóa, tiền tệ và tỷ giá để sẵn sàng đối mặt với những bất ổn từ kinh tế thế giới.
Một chính sách được các tác giả báo cáo gợi ý là Việt Nam có thể điều hành tỷ giá một cách linh hoạt theo hướng thích ứng (hấp thụ bớt) các cú sốc từ bên ngoài.
Báo cáo nêu ví dụ, việc chủ động giảm giá VND một cách khéo léo giữa mức mất giá của Nhân dân tệ so với USD là cần thiết để Việt Nam thích ứng trong cuộc chiến tranh thương mại Mỹ-Trung. Lý do được nêu ra là điều chỉnh tỷ giá như vậy giúp Việt Nam tận dụng hai thị trường lớn để có thể cải thiện tình trạng sản xuất và cán cân thương mại.
Gợi ý tiếp theo là hạ thấp đòn bẩy (deleveraging), điều tiết và giám sát chặt chẽ nhằm nâng cao sức khỏe của hệ thống tài chính.
Báo cáo cho rằng, tuy các ngân hàng đã có những nỗ lực xử lý nợ xấu trong thời gian qua, rủi ro về chu kỳ nợ xấu mới vẫn là tiềm tàng với hệ thống tổ chức tài chính của Việt Nam khi tín dụng đổ vào các lĩnh vực rủi ro như dự án BOT, bất động sản, và gần đây là tín dụng tiêu dùng trên thực tế vẫn cao.
Việc thu hồi vốn vay từ các dự án giao thông BOT, BT không hề đơn giản khi nhiều công trình từ các dự án này liên tiếp bị phát hiện sai phạm, khiến thời gian hoàn vốn của chúng có thể kéo dài hơn dự kiến.
Khuyến nghị kiểm soát tín dụng một số lĩnh vực
Với lĩnh vực bất động sản, dù đã được kiểm soát chặt chẽ hơn nhưng tỷ trọng tín dụng đổ vào bất động sản vẫn tăng. Nhóm nghiên cứu cho rằng, khi thị trường bất động sản trở nên suy yếu, khoản tín dụng đổ vào đây có thể trở thành nợ xấu.
Thêm vào đó, tín dụng tiêu dùng đang dần trở thành một trong những động lực quan trọng cho tăng trưởng của hệ thống ngân hàng. Nếu không được giám sát chặt chẽ rất có thể chúng sẽ trở thành gánh nặng khó chi trả của các hộ gia đình khi nền kinh tế gặp phải các cú sốc.
Do vậy, việc hạ thấp đòn bẩy và kiểm soát tín dụng với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro là điều cần thiết nhằm tăng cường khả năng chống chọi của hệ thống tài chính trước những cú sốc, báo cáo nêu.
Một lưu ý chính sách nữa tại báo cáo là thận trọng hơn với tăng trưởng cung tiền (khống chế trong khoảng 12%/năm). Tuy tổng phương tiện thanh toán có xu hướng tăng chậm lại trong những năm gần đây, tỷ lệ M2/GDP của Việt Nam hiện vẫn đạt khoảng 170%.
Trong bối cảnh Ngân hàng Nhà nước vẫn giữ lãi suất điều hành ở mức thấp, việc giảm tỷ lệ cung tiền sẽ giúp cho Việt Nam có thêm dư địa chính sách tiền tệ để ứng phó với những cú sốc từ bên ngoài.
Từng bước xây dựng “đệm tài khóa” cũng là gợi ý được nêu tại báo cáo. Theo các tác giả thì khi nguồn vay ODA ngày càng càng hạn chế, Việt Nam phải dựa nhiều vào nguồn nội lực nhiều hơn cho đầu tư phát triển, điều này chỉ có thể được thực hiện thông qua việc thu gọn, tinh giản và sắp xếp lại bộ máy chính quyền để giảm chi thường xuyên.
Qua đó, thâm hụt ngân sách sẽ dần được cắt giảm và tạo được “đệm tài khóa” nhằm tăng cường khả năng thích ứng của nền kinh tế trước những biến động khó lường của kinh tế thế giới.
Nguồn: Vneconomy.vn