Thủ tướng Chính phủ mới đây đã chính thức ký quyết định phê duyệt Đề án thống kê khu vực kinh tế chưa được quan sát tại Việt Nam. Việc thống kê khu vực kinh tế chưa được quan sát nhằm phản ánh đầy đủ, toàn diện hơn phạm vi, quy mô của nền kinh tế.
Không phải để “làm đẹp số liệu”
Ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê
Phạm vi của khu vực kinh tế chưa được quan sát gồm 5 nhóm: Hoạt động kinh tế ngầm; hoạt động kinh tế bất hợp pháp; hoạt động kinh tế phi chính thức chưa được quan sát; hoạt động kinh tế tự sản, tự tiêu của hộ gia đình; hoạt động kinh tế bị bỏ sót trong các chương trình thu thập dữ liệu thống kê.
Đối với Việt Nam, trong 5 thành tố kinh tế chưa được quan sát, hiện ngành thống kê mới chỉ thực hiện thống kê được 3 thành tố đầu nhưng chưa đầy đủ, còn 2 thành tố cuối cùng là kinh tế ngầm (hoạt động kinh tế hợp pháp, nhưng bị giấu diếm một cách có chủ ý nhằm trốn tránh nghĩa vụ nộp thuế, tránh thực hiện các thủ tục pháp lý, thủ tục hành chính và trách nhiệm xã hội) và kinh tế bất hợp pháp (hoạt động kinh tế bị pháp luật cấm và các hoạt động kinh tế hợp pháp, nhưng hoạt động khi chưa được cấp phép) chưa thống kê được.
Cùng với sự phát triển chung của nền kinh tế, các hoạt động kinh tế chưa được quan sát xuất hiện ngày càng đa dạng và phức tạp, tồn tại trong nhiều lĩnh vực. Việc thống kê khu vực kinh tế chưa được quan sát nhằm phản ánh đầy đủ, toàn diện hơn phạm vi, quy mô của nền kinh tế, góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước đối với nền kinh tế chứ không phải để “làm đẹp số liệu” hay tạo điều kiện để Việt Nam gia tăng vay nợ, chi tiêu, đầu tư…
Tính kinh tế ngầm vào GDP sẽ phải chỉnh chuỗi thời gian tính GDP 10 năm
Tính kinh tế ngầm vào GDP sẽ phải chỉnh chuỗi thời gian tính GDP 10 năm
Thực tế vẫn tồn tại song song 02 khu vực trong hoạt động của một nền kinh tế: khu vực kinh tế quan sát được và khu vực kinh tế chưa được quan sát (tạm gọi chung là kinh tế ngầm).
Rõ ràng, hiện nay GDP của Việt Nam đang tính từ nền kinh tế quan sát được vẫn còn bị nghi ngờ. Vì thống kê cũng đang dựa nhiều vào ước lượng (có sai số). Nếu tính thêm khu vực kinh tế ngầm vào GDP nghĩa là lại ước lượng thêm một khoản vu vơ nữa thì rất nguy hiểm.
Vấn đề quan trọng hơn, nếu cộng cả khu vực kinh tế ngầm vào GDP (dự kiến thực hiện vào năm 2020) sẽ phải điều chỉnh chuỗi thời gian tính GDP ít nhất là 10 năm. Đó là nguyên tắc, nếu không số liệu sẽ “gãy” hết.
Khi điều chỉnh một chuỗi thời gian cho các dãy số liệu nó sẽ ảnh hưởng đến cấu trúc ngành nghề theo 10 năm điều chỉnh đó, dẫn đến tốc độ tăng trưởng GDP sẽ khác, cấu trúc GDP sẽ khác, cấu trúc ngành sẽ khác. Vì không phải ngành nghề nào cũng có khu vực kinh tế ngầm giống nhau, con số thống kê kinh tế ngầm có năm nó tăng cao, có năm tăng thấp…
Khi cấu trúc GDP khác đi thì cấu trúc của nhu cầu sẽ khác, tiêu dùng sẽ khác, tích lũy sẽ khác, xuất nhập khẩu sẽ khác… Tất cả tỷ lệ sẽ khác, dẫn đến tất cả các báo cáo, đề tài khoa học từ trước đến nay sẽ vô giá trị. Các con số tăng trưởng hay dự tính tăng trưởng hằng năm mà Quốc hội đưa ra bàn thảo sẽ là không thực chất, vì dự tính tổng đầu tư, thu – chi ngân sách… chỉ dựa trên khu vực kinh tế quan sát được, nhưng tăng trưởng thực tế lại gồm cả kinh tế ngầm.
Khi tính kinh tế ngầm vào GDP thành tích tăng trưởng GDP lúc đó lại chỉ là ảo, nó cho thấy thu nhập bình quân đầu người tăng lên (do quy mô GDP lớn hơn), tỷ lệ bội chi, tỷ lệ nợ công giảm đi… nhưng thực tế không phải vậy. GDP tăng từ cách tính mới này cũng do thuế tăng, giá điện tăng, phí tăng… tất yếu sẽ liên quan đến người dân.
Năm 2013, Tổng cục Thống kê đã đưa vào GDP tăng thêm mấy trăm nghìn tỷ đồng khi thống kê cả hoạt động ngân hàng và dịch vụ nhà tự có tự ở của người dân. Ghi nhận vào bên Nợ và bên Có của hệ thống tài khoản quốc gia, nhưng tựu chung không ai được hưởng từ sự tăng thêm đó. Hai hoạt động trên hiện nay lên đến gần 1 triệu tỷ đồng.
Bây giờ lại tính thêm một khoản từ khu vực kinh tế ngầm, ước tính chiếm 10-15% GDP, giống như một khoản rất vu vơ. Do đó, để nói chống thất thu thuế hay chống buôn lậu là khó.
Đưa vào thống kê là yêu cầu chính đáng
Ông Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng CIEM
Đưa kinh tế chưa được quan sát vào thống kê là một yêu cầu chính đáng bởi vì khu vực này đóng góp tỷ lệ % GDP cao nhưng chỉ đóng góp con số rất nhỏ cho nguồn thu ngân sách.
Việc thống kê có thể thu được thuế hay không phụ thuộc nhiều vào bộ máy nhà nước vì khu vực này có những điểm đặc thù. Ví dụ, cơ quan thuế muốn thu thuế người chạy xe ôm rất không dễ dàng vì làm sao biết ông ấy đi bao nhiêu, nếu gắn máy, ông bảo ông không có khách làm sao kiểm soát được. Hay thu thuế người bán bún riêu, ốc bà lại nói tôi không đi làm, tôi ốm, bà thường xuyên bán cho một số nhân vật nào đấy không muốn nêu rõ cụ thể nhưng mọi người đều biết, họ đến ăn và không trả tiền, liệu những người ấy có giúp cho việc thống kê, thu thuế hay không? Trong một phiên họp của Uỷ ban thường vụ Quốc hội hồi năm 2018 có đề cập đến việc “cưa đôi” tiền thuế giữa cán bộ thuế và người nộp thuế.
Sửa Luật Doanh nghiệp bỏ hẳn khái niệm kinh tế hộ, điều này sẽ phải xem xét và định nghĩa các loại doanh nghiệp như thế nào, quy mô bao nhiêu, cửa hàng nhỏ bún riêu, ốc gì đấy liệu mình có biết để làm hóa đơn chứng từ.
Ở Đức những người Việt Nam mở cửa hàng ăn, hàng phở, họ được mời đi dự lớp mở cửa hàng ăn uống, được cử người hướng dẫn thiết kế, cần những bộ phận gì, rửa bát như thế nào, lau như nào, được tặng máy thu tiền và nối với cơ quan thuế. Bộ phận kinh tế phi hình thức của họ rất thấp.
Quay trở lại trường hợp Việt Nam, rất nhiều hộ gia đình có đến cả trăm lao động, quy mô tương đối nhưng vẫn nói là bé, hộ gia đình…
Vấn đề ở đây, như bà Lê Thị Nga, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội nói có hiện tượng “cưa đôi”, vậy tại sao cơ quan phường, quận không biết hay làm ra vẻ không biết còn thực sự biết.
Có sự “cưa đôi” hay không đòi hỏi có sự cải cách bộ máy, có sự giám sát người thu và công nghệ để làm sao biết thực thu bao nhiêu, đòi hỏi sự cải cách thể chế, đảm bảo bộ máy có thể được giám sát và chịu trách nhiệm.
Nếu coi hộ gia đình cũng là doanh nghiệp lúc đó đối xử với doanh nghiệp siêu nhỏ này như thế nào… Kinh tế hộ gia đình tạo việc làm, thoát đói, chưa chắc thoát nghèo, những hộ gia đình không đăng ký, không thương hiệu, khó cạnh tranh hàng hóa quốc tế đang chiếm lĩnh thị trường mình. Khu vực này làm tăng GDP nhưng có tăng năng lực cạnh tranh quốc gia không, đây là câu hỏi lớn.
Cần thời gian kiểm định mới đưa vào GDP
Ông Ngô Trí Long, chuyên gia kinh tế
Nếu tính được kinh tế chưa quan sát có mặt lợi là tính đúng được GDP hàng năm để định hình, tuy nhiên khi tính toán không chính xác sẽ khiến GDP là giả tạo.
Khi GDP được tính không chính xác ảnh hưởng đến nợ công, quy định trần nợ công 65% GDP, ví dụ đang nợ công 66 đồng trên thu nhập 100 đồng, nợ công 66%, nếu tính 30% mà số thực chỉ 10% thì sẽ làm mất đi tính thực trong hoạch định chính sách.
Việc tính toán theo tôi tính khả thi khó, nhiều nước tính cũng khó và không chính xác. Hiện nay, ngay số liệu công khai còn khiến giới chuyên môn nghi ngờ nên tôi cho rằng việc tính kinh tế chưa quan sát vào GDP ngay sẽ có hiệu luỵ, cần tính và kiểm định, xác định rồi mới đưa vào GDP, ít nhất là một thời gian quá độ. Nếu chưa chính xác và đưa ngay vào sẽ gây hiệu luỵ, số ảo bệnh thành tích, và ảnh hưởng đến nợ công.
Nguồn: BizLive