English
03/042020
Giảm lãi suất, NIM của ngân hàng nào bị ảnh hưởng nặng nhất?

Công ty chứng khoán Rồng Việt (VDSC) vừa có báo cáo nhận định về ảnh hưởng của Covid-19 lên tăng trưởng tín dụng và NIM (tỷ lệ thu nhập lãi thuần) của các ngân hàng.

Cụ thể, để hỗ trợ cho nền kinh tế nói chung và các doanh nghiệp nói riêng trong tình hình dịch Covid-19, lãi suất là yếu tố đang được cân nhắc nhiều nhất, khi nhiều hướng dẫn của NHNN đều hướng tới việc ưu tiên dành mọi nguồn lực để các ngân hàng có thể miễn giảm lãi suất cho các khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch.

Cho đến nay, các ngân hàng đã tham gia rất tích cực vào việc ưu đãi về lãi suất cho khách hàng bị ảnh hưởng. Kể từ khi NHNN yêu cầu miễn giảm lãi suất cho các đối tượng khách hàng này từ tháng 2, các ngân hàng đã dành một lượng tín dụng không nhỏ để cho vay mới với lãi suất ưu đãi để hỗ trợ doanh nghiệp tiếp tục duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh. Mức giảm lãi suất thông thường là 0,5-1,5 ppt/năm cho các khoản vay mới, ở một số ngân hàng còn có mức cắt giảm sâu hơn ở mức 2-5ppt như TPBank, HDBank, Vietcombank.

Bên cạnh đó, nhiều ngân hàng cũng đưa ra các ưu đãi lãi suất cho các khoản vay hiện hữu, điển hình như Vietcombank với mức giảm 1-1,5ppt/năm cho khoản vay nội tệ và 0.5-0,75ppt/năm cho các khoản vay bằng USD đến hết tháng 9, hay VIB với mức giảm 0,5-2ppt/năm trong 6 tháng tới cho tất cả các khách hàng doanh nghiệp hiện hữu bất kể quy mô hay lĩnh vực.

Mặc dù đã có nhiều ưu đãi về lãi suất như vậy, tăng trưởng tín dụng toàn ngành 3 tháng đầu năm vẫn ở mức khá thấp, chỉ khoảng 0,68% trong khi cùng kỳ năm trước tăng 1,9%, cho thấy cầu tín dụng yếu đi do các doanh nghiệp đang gặp nhiều khó khăn, phải thu hẹp hoạt động sản xuất kinh doanh.

Do đó, vào chiều ngày 31/03, NHNN đã đã họp với các ngân hàng thương mại để củng cố thêm chính sách này cũng như khuyến khích các ngân hàng giảm lãi suất cho vay ở mức khoảng 2ppt đối với cả các khoản vay cũ và khoản vay mới. Cũng trong ngày này, các ngân hàng được yêu cầu tiết giảm chi phí hoạt động và không chi trả cổ tức tiền mặt để dành nguồn lực triển khai hỗ trợ giảm lãi suất khi các chỉ thị của NHNN đang trở nên cấp bách hơn.

Theo VDSC, với các chính sách này, dự kiến lãi suất cho vay bình quân của nhiều ngân hàng sẽ có sự giảm sút. Bù lại, các ngân hàng cũng được hỗ trợ về đầu vào bởi việc giảm lãi suất chính sách của NHNN. Từ ngày 17/3/2020, NHNN giảm hàng loạt lãi suất điều hành từ 0,5-1%/năm và hạ trần lãi suất tiền gửi kỳ hạn dưới 6 tháng. Theo đó, các ngân hàng đã giảm lãi suất huy động kỳ hạn ngắn và nhiều ngân hàng còn giảm thêm lãi suất huy động dài hạn từ 0,1-0,3ppt/năm.

Cũng trong điều kiện kinh tế không thuận lợi và cầu tín dụng yếu do dịch, NHNN đã giao hạn mức tín dụng đầu 2020 phổ biến thấp hơn từ 2-3ppt so với đầu năm 2019. “Chúng tôi cho rằng việc được giao một hạn mức tăng trưởng tín dụng thấp hơn sẽ giúp hướng tín dụng vào những lĩnh vực an toàn hơn, tránh nguy cơ các ngân hàng đẩy cho vay vào các phân khúc rủi ro cao, và giảm mức độ cạnh tranh về huy động tiền gửi, nhờ đó giảm lãi suất huy động và tạo điều kiện giảm lãi suất cho vay”, nhóm phân tích cho biết. Theo đó, việc giảm lãi suất đầu vào sẽ giúp phần nào bù đắp cho các ngân hàng khi phải hạ lãi suất đầu ra.

Với kịch bản cơ sở rằng dịch sẽ được kiểm soát trong quý 2 và hoạt động sản xuất kinh doanh hồi phục từ quý 3 – cũng là thời điểm bắt đầu mùa cao điểm cho vay của các ngân hàng, chúng tôi giả định NHNN có thể nới thêm 2-3 điểm % hạn mức tín dụng cho các ngân hàng trong nửa cuối năm. Theo đó, VDSC cho rằng, tăng trưởng tín dụng ở mỗi ngân hàng có thể thấp hơn 2-3 điểm % so với năm 2019, trừ trường hợp của VietinBank.

Vietinbank đã đặt ra chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng năm nay từ 6-10% tùy theo tình hình diễn biến của dịch (so với năm ngoái đạt mức 8,8%), tức cũng có thể giữ nguyên mức tăng trưởng tín dụng của năm 2019 nếu cho vay hồi phục hoặc thậm chí cao hơn trong trường hợp được tăng vốn kịp thời.

Về NIM, VDSC dự báo NIM sẽ giữ nguyên hoặc giảm nhẹ ở hầu hết các ngân hàng. Nhiều khả năng ảnh hưởng lên NIM ở các ngân hàng quốc doanh như BIDV và VietinBank sẽ mạnh hơn so với các ngân hàng tư nhân do tỷ lệ LDR (tỷ lệ dư nợ tín dụng trên vốn huy động) cao làm hạn chế dư địa giảm chi phí huy động. Chúng tôi vẫn kỳ vọng một số ngân hàng sẽ có khả năng tăng nhẹ NIM như HDBank và MBB (nhờ tài chính tiêu dùng tăng trưởng nhanh hơn ngân hàng mẹ) và Techcombank (do giảm chi phí huy động và tăng trưởng tín dụng năm 2019 phản ánh đầy đủ vào thu nhập lãi năm 2020).

Dù vậy, không loại trừ khả năng NHNN sẽ tiếp tục đề ra các chính sách nhằm giảm lãi suất cho vay sâu hơn nữa. Ngoài ra, do ảnh hưởng của dịch có thể có phạm vi lớn, các gói hỗ trợ tín dụng có thể không phải chỉ dành cho các doanh nghiệp chịu sự ảnh hưởng trực tiếp của dịch mà có thể còn mở rộng ra những doanh nghiệp chịu ảnh hưởng gián tiếp, hoạc toàn nền kinh tế. Như vậy, trong trường hợp đó, các ảnh hưởng của dịch lên NIM của các ngân hàng có thể sẽ mạnh hơn dự kiến.

Nguồn: Trí thức trẻ