Thị trường tài chính thế giới nói chung và thị trường tài chính Việt Nam nói riêng trong 10 năm qua đã trải qua giai đoạn có nhiều biến động và đầy khó khăn, thách thức. Bắt đầu từ sự đổ vỡ của ngân hàng Northern Rock tại Anh cuối năm 2007, cuộc khủng hoảng tài chính có nguồn gốc từ các khoản cho vay thế chấp bất động sản dưới chuẩn đã nhanh chóng lan rộng tại Mỹ kéo theo sự sụp đổ của hàng loạt định chế tài chính khổng lồ như Lehman Brothers, AIG, Wachovia, Fannie Mae, Freddie Mac…và biến thành cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới vào tháng 8/2008. Để ứng phó với cuộc đại khủng hoảng kinh tế – tài chính thế giới, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) và các Ngân hàng Trung ương trên toàn thế giới đã phải thống nhất hành động, thực hiện nhiều biện pháp khẩn cấp bơm thanh khoản để cứu vãn hệ thống tài chính và đưa ra các gói nới lỏng định lượng (QE) lớn chưa từng có nhằm vực dậy nền kinh tế. Khi những dư chấn của cuộc khủng hoảng toàn cầu 2008 chưa kịp đi qua, cuộc khủng hoảng nợ công lại bùng nổ tại Châu Âu vào năm 2011 đẩy kinh tế và tài chính thế giới trước những khó khăn chồng chất.
Bối cảnh kinh tế tài chính thế giới đã tác động không nhỏ tới thị trường tài chính Việt Nam trong đó có thị trường chứng khoán và thị trường bảo hiểm còn non trẻ. Có thể nói, năm 2006 – 2007 đánh dấu sự tăng trưởng nhanh chóng của thị trường chứng khoán về quy mô, số công ty niêm yết, số tổ chức kinh doanh chứng khoán (TCKDCK – công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ) mới thành lập và dòng vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài vào thị trường. Giai đoạn 2008-2011, thị trường chứng khoán và hệ thống TCKDCK đã bộc lộ nhiều yếu kém và nguy cơ rủi ro cao. Nhiều TCKDCK rơi vào tình trạng thua lỗ lớn, nợ xấu cao, không đảm bảo thanh khoản và tỷ lệ an toàn tài chính, phát sinh rủi ro chéo nghiêm trọng khi một số TCKDCK thực hiện cấp tín dụng trá hình dưới nhiều hình thức cho các doanh nghiệp yếu kém từ nguồn vốn chuyển từ các tổ chức tín dụng. Thị trường chứng khoán bộc lộ nhiều khiếm khuyết như quy mô nhỏ và sản phẩm chứng khoán nghèo nàn, hệ thống nhà đầu tư tổ chức còn yếu, tính minh bạch chưa cao ảnh hưởng đến niềm tin của nhà đầu tư, hạn chế về tỷ lệ sở hữu đối với nhà đầu tư nước ngoài. Thị trường bảo hiểm quy mô còn nhỏ bé, sản phẩm chưa đa dạng, các hành vi cạnh tranh không lành mạnh và trục lợi bảo hiểm gây thua lỗ và ảnh hưởng đến năng lực tài chính của các doanh nghiệp bảo hiểm.
Trước bối cảnh đó, Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia được thành lập với vai trò và trách nhiệm là một cơ quan tham mưu, tư vấn cho Thủ tướng Chính phủ trong giám sát chung thị trường tài chính. Thời gian đầu, công tác giám sát lĩnh vực chứng khoán, bảo hiểm của Ủy ban còn gặp một số khó khăn do số lượng cán bộ giám sát hạn chế, chất lượng công bố thông tin của các đối tượng giám sát (tổ chức kinh doanh chứng khoán, doanh nghiệp bảo hiểm) chưa cao, sự phối hợp chia sẻ thông tin giữa các cơ quan quản lý giám sát chưa hiệu quả, việc phân bổ nguồn lực giám sát còn những hạn chế nhất định, hệ thống cơ sở dữ liệu phục vụ công tác giám sát chưa đầy đủ, đồng bộ và một số hạn chế trong thẩm quyền giám sát của Ủy ban. Tuy nhiên, trên cơ sở Quyết định số 252/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 1/3/2012 về phê duyệt chiến lược phát triển thị trường chứng khoán Việt Nam giai đoạn 2011-2020, Quyết định số 193/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 15/2/2012 về phê duyệt chiến lược phát triển thị trường bảo hiểm Việt Nam giai đoạn 2011-2020 và sự chỉ đạo sát sao từ Ban lãnh đạo Ủy ban, công tác giám sát lĩnh vực chứng khoán vào bảo hiểm đã không ngừng đổi mới, hoàn thiện và gánh vác khối lượng công việc rất lớn nhằm thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của Ủy ban trong việc tham mưu, tư vấn cho Thủ tướng Chính phủ về giám sát thị trường chứng khoán và bảo hiểm. Công tác giám sát lĩnh vực chứng khoán, bảo hiểm đã có những đổi mới căn bản về phương thức giám sát, nội dung và chất lượng giám sát.
Đầu tiên, hoạt động giám sát đã tập trung vào xây dựng và hoàn thiện giám sát theo rủi ro, mang tính chủ động và dự báo, tiệm cận với chuẩn mực quốc tế. Các quy trình và hệ thống chỉ tiêu giám sát lĩnh vực chứng khoán và bảo hiểm đã từng bước được xây dựng và hoàn thiện. Trên cơ sở nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế, cụ thể là phương pháp giám sát trên cơ sở rủi ro và mức độ tác động (PRISM) của NHTW Ai-len, rà soát lại hệ thống chỉ tiêu giám sát công ty chứng khoán, doanh nghiệp bảo hiểm của Ủy ban và theo quy định của pháp luật Việt Nam, Ủy ban đã hoàn thành việc xây dựng các quy trình và bộ chỉ tiêu giám sát công tay chứng khoán và doanh nghiệp bảo hiểm trên cơ sở rủi ro và mức độ tác động, quy trình và bộ chỉ tiêu giám sát thị trường chứng khoán, hệ thống công ty chứng khoán và hệ thống doanh nghiệp bảo hiểm áp dụng tại Ủy ban. Kết quả giám sát được đề cập trong các báo cáo giám sát thị trường tài chính 6 tháng và hàng năm, góp phần đánh giá, xếp hạng chính xác các công ty chứng khoán, doanh nghiệp bảo hiểm, đánh giá đúng xu hướng, thực trạng, các rủi ro tiềm ẩn phát sinh của thị trường chứng khoán và bảo hiểm.
Tiếp theo, chất lượng giám sát đã từng bước được nâng cao và chuyên sâu hơn. Năm 2011, Ủy ban đã xây dựng phương pháp đánh giá lại các chỉ tiêu tài chính trọng yếu của công ty chứng khoán như tỷ lệ vốn khả dụng, giá trị nợ có vấn đề (nợ xấu), dự phòng cho vay và dự phòng danh mục đầu tư tài chính, nguồn vốn từ hệ thống các tổ chức tín dụng chuyển sang công ty chứng khoán. Kết quả đánh giá lại giúp Ủy ban nhận diện sát thực hơn về mức độ rủi ro và các rủi ro tiềm ẩn ở nhóm công ty chứng khoán yếu kém, mức độ rủi ro chéo giữa hệ thống tổ chức tín dụng và hệ thống công ty chứng khoán. Đánh giá định tính về chất lượng quản trị doanh nghiệp, năng lực quản trị rủi ro, tính minh bạch trong công bố thông tin, chiến lược kinh doanh của công ty chứng khoán…cũng được chú trọng và xây dựng hệ thống chấm điểm và xếp hạng. Trên cơ sở đó, Ủy ban đã có những đề xuất, kiến nghị và đưa ra các giải pháp kịp thời để tham mưu, tư vấn cho Thủ tướng Chính phủ trong quá trình tái cấu trúc hệ thống TCKDCK.
Bên cạnh đó, Ủy ban tham gia tích cực vào hoàn thiện cơ chế, chính sách pháp luật về thị trường chứng khoán và bảo hiểm, đóng góp vào sự phát triển ổn định, bền vững của thị trường tài chính, nâng cao tính minh bạch và kỷ luật thị trường, khơi thông dòng vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài. Ủy ban đã có nhiều đóng góp ý kiến vào các dự thảo văn bản pháp luật của Chính phủ, Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Ngân hàng Nhà nước, đánh giá tác động của các chính sách mới lên thị trường tài chính, các chiến lược phát triển thị trường chứng khoán và thị trường bảo hiểm, báo cáo về các rủi ro phát sinh, tiềm ẩn và hiện tượng, bất cập trên thị trường chứng khoán, bảo hiểm. Từ đó, sự phối hợp và chia sẻ thông tin giữa Ủy ban và các cơ quan giám sát chuyên ngành (Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Cục Quản lý giám sát bảo hiểm) luôn được củng cố, duy trì để thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ được Thủ tướng Chính phủ giao.
Mặt khác, Ủy ban không ngừng nâng cao chất lượng đội ngũ giám sát viên nhằm đáp ứng yêu cầu của công tác giám sát. Đội ngũ cán bộ giám sát viên lĩnh vực chứng khoán, bảo hiểm được đào tạo cơ bản, có trình độ chuyên môn cao, nắm bắt được các phương pháp giám sát và các diễn biến phức tạp trên thị trường tài chính, nhiệt tình trong công tác, chủ động trong nghiên cứu, sáng tạo trong công việc, có tinh thần học hỏi, nâng cao kiến thức, trình độ chuyên môn nghiệp vụ và các kỹ năng phụ trợ.
Có thể nói, công tác giám sát lĩnh vực chứng khoán và bảo hiểm trong 10 năm qua đã không ngừng đổi mới và phát triển, góp phần không nhỏ vào chặng đường 10 năm phát triển của Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia và góp phần quan trọng vào sự phát triển ổn định, lành mạnh của thị trường tài chính nói riêng và sự nghiệp phát triển kinh tế đất nước nói chung.
BAN GIÁM SÁT TỔNG HỢP