Trước hết, IMF đưa ra một số nhận định: “Cho đến thời điểm này, nền kinh tế Việt Nam vẫn kiên cường trước những cơn gió ngược từ bên ngoài. Nền kinh tế được hỗ trợ bởi cầu nội địa gia tăng mạnh mẽ nhờ có tầng lớp trung lưu đang phát triển, quá trình đô thị hóa và bởi dòng vốn tăng từ du lịch, kiều hối và đầu tư FDI.
Việc phối hợp các chính sách tài khóa trong giai đoạn 2016-2018 và tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ đã đưa nợ công về quỹ đạo ổn định. Cuối cùng, việc hướng tới bình đẳng phân bổ tín dụng và áp dụng các tiêu chuẩn Basel II vào năm 2020 sẽ đòi hỏi một quá trình củng cố sức khỏe của các ngân hàng thương mại nhà nước”.
Một nhóm nghiên cứu thuộc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) do Alex Mourmouras dẫn đầu đã có chuyến thăm Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh trong hơn hai tuần, từ ngày 3/4/2019 đến ngày 19/4/2019, để tiến hành thảo luận cho tham vấn Điều IV 2019 (2019 Article IV) với Việt Nam.
Nhóm đã trao đổi quan điểm với các quan chức cấp cao của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Tài chính, Ban Kinh tế Trung ương và các cơ quan Chính phủ khác. Họ cũng đã có các cuộc gặp gỡ đại diện từ khu vực kinh tế tư nhân, các think tank, học viện và các bên liên quan khác.
Kết thúc chuyến thăm, ông Mourmouras đã đưa ra tuyên bố sau:
Căng thẳng thương mại và biến động tài chính đã ảnh hưởng đến các nền kinh tế mới nổi trong năm 2018, trong đó có Việt Nam – một quốc gia hội nhập sâu rộng. Tuy nhiên, nền kinh tế vẫn ổn định và tăng trưởng kinh tế đã đạt mức cao nhất trong vòng 10 năm trở lại đây (7,1%), và vẫn duy trì được đà tăng trưởng trong quý đầu tiên của năm 2019.
Phát triển kinh tế toàn diện được thúc đẩy bởi sự tăng trưởng lành mạnh về thu nhập và tiêu dùng, cùng với quá trình đô thị hóa. Nông nghiệp và công nghiệp sản xuất của Việt Nam cũng đang tăng mạnh. Bên cạnh đó, không thể thiếu sự đóng góp của ngành du lịch ngày càng mở rộng, kiều hối và đầu tư trực tiếp nước ngoài. Lạm phát trung bình được giữ ở mức 3,5% trong năm 2018.
IMF đánh giá triển vọng của nền kinh tế Việt Nam vẫn còn rất vững chắc, được hỗ trợ bởi nền tảng chính trị ổn định, cơ cấu thương mại đa dạng và nỗ lực ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy khu vực tư nhân của Nhà nước.
Thâm hụt ngân sách nói chung đã giảm đáng kể trong giai đoạn 2016-2018 so với giai đoạn trước năm 2016. Thâm hụt giảm, hạn chế cấp mới bảo lãnh Chính phủ và tăng trưởng kinh tế đang giúp đặt tài chính công của Việt Nam trở nên bền vững hơn.
Chính phủ đang tiếp tục củng cố tài khóa, nhưng quá trình điều chỉnh tài khóa cần cải thiện để tạo thêm không gian tài khóa, nâng cao cơ sở hạ tầng, thu hẹp khoảng cách chi tiêu xã hội để ứng phó với thách thức sắp tới của già hóa dân số.
Sự xuất hiện của thị trường trái phiếu doanh nghiệp và các thị trường vốn khác ở Việt Nam là điều đáng hoan nghênh. Thị trường vốn sẽ giúp giảm chi phí vốn tại Việt Nam và đẩy nhanh việc chuyển sang ngân hàng bán lẻ. Ngân hàng Nhà nước dự định sẽ dần dần chuyển từ phân bổ tín dụng hành chính sang phương tiện dựa trên thị trường và các ngân hàng sẽ áp dụng tiêu chuẩn vốn Basel II vào tháng 1/2020.
Kế hoạch hiện đại hóa khung chính sách tiền tệ, bao gồm linh hoạt tỷ giá hối đoái hơn. Nền kinh tế vững chắc sẽ tạo cơ hội để chính phủ có thể cải cách cơ cấu, cải cách thể chế để mang lại một sân chơi công bằng, lành mạnh cho khu vực tư nhân, hỗ trợ họ tiếp cận với đất đai và tín dụng.
Chia sẻ và minh bạch thông tin trong toàn chính phủ, các nhà đầu tư công và nước ngoài là điều quan trọng, sẽ giúp Việt Nam đạt được vị thế thị trường mới nổi. Việt Nam cũng đã rất tích cực phòng chống tham nhũng và hoạt động phòng chống đã thực sự có kết quả.
IMF sẽ giúp Việt Nam thúc đẩy việc cải tiến trong mua sắm công; cải thiện hệ thống kê khai thu nhập và tài sản cho cán bộ nhà nước; và chuẩn bị cho đánh giá ngang hàng về triển khai AML / CFT. Đội ngũ IMF vẫn đang tham gia vào một chương trình phát triển năng lực rộng khắp với Việt Nam, bao gồm các vấn đề tài chính, tiền tệ, tài chính, pháp lý và thống kê, và sẵn sàng hỗ trợ các cơ quan chức năng Việt Nam khi cần thiết.
Nguồn: Trí thức trẻ/CafeF.vn