English
04/032019
Không thể đặt 30%GDP ra “ngoài vòng pháp luật”

Tuần Việt Nam mởDiễn đàn “Vì Việt Nam hùng cường”với mong muốn thu nhận từ quý độc giả những ý kiến, bài viết về các giải pháp phát triển đất nước trong tất cả các lĩnh vực nhằm khơi thông tiềm năng phát triển, cổ vũ niềm tin của cộng đồng vào tương lai Việt Nam.

Chủ đề đầu tiên của Diễn đàn tập trung vào thể chế kinh tế. Mời quý vị cùng theo dõi.

Sau Đổi mới, khu vực kinh tế tư nhân trong nước ngày càng phát triển, chiếm 38-39% GDP, trong đó doanh nghiệp đăng ký chính thức chiếm gần 9% GDP và khu vực hộ kinh doanh chiếm hơn 30% GDP. Có thể khẳng định, khu vực tư nhân đang dần chứng minh vị thế là động lực chính cho những kết quả tăng trưởng kinh tế đáng khích lệ của của Việt Nam.

Ngoài vòng pháp luật

Trong bài này, tôi tập trung phân tích về kinh tế hộ gia đình đang chiếm đến hơn 30% GDP, tức chiếm phần lớn trong bức tranh kinh tế của Việt Nam. Hiện tại có gần 5 triệu hộ làm kinh tế và tạo ra số công ăn việc làm lớn nhất trong nền kinh tế. Tuy nhiên, khung khổ chính sách áp dụng đối với chủ thể kinh doanh này hiện còn rất thiếu, có sự chưa bình đẳng so với các doanh nghiệp hoạt động chính thức đang được điều chỉnh bằng nhiều luật khác, đặc biệt là Luật Doanh nghiệp. Vì lẽ đó, khu vực kinh tế hộ gia đình còn bị phân biệt đối xử, chẳng hạn như tiếp cận vốn.

Theo tôi, hộ kinh doanh phải được đối xử như doanh nghiệp, Nhà nước không thể lờ đi khu vực đang chiếm trên 30% GDP, hay nói cách khác không thể để khu vực này ra ngoài vòng pháp luật. Cách tiếp cận của tôi là cần đưa khu vực này vào trong Luật Doanh nghiệp khi chúng ta tiến hành sửa đổi luật này tới đây. Việc đưa khu vực này vào Luật Doanh nghiệp nhằm mục đích giúp đỡ, hỗ trợ họ để họ phát triển chứ không phải “trói buộc”, “quản lý” họ.

Không thể đặt 30%GDP ra 'ngoài vòng pháp luật'
Bất kỳ một sự cải thiện nào về hiệu quả hoạt động của khu vực hộ kinh doanh sẽ góp phần nâng cao năng suất tổng thể của nền kinh tế. Ảnh: Lê Anh Dũng

Trong tổng số 5 triệu hộ kinh doanh có khoảng 1,6 triệu hộ kinh doanh có đăng ký. Ít nhất, những hộ đã đăng ký này phải được công nhận là doanh nghiệp. Tôi không có ý cưỡng bức hay ép buộc họ trở thành doanh nghiệp để lấy thành tích, mà cần gọi tên đúng họ là một loại hình doanh nghiệp về bản chất. Đây không phải là một sự đánh tráo khái niệm, mà gọi đúng tên cho họ. Việc cộng nhận hộ kinh doanh có đăng ký là một loại hình doanh nghiệp có hàm ý phải đối xử công bằng với họ, chứ không phải nhằm mục tiêu đạt được 1 triệu doanh nghiệp để báo cáo thành tích.

Chúng ta xác định họ là loại hình doanh nghiệp nhưng không vì thế mà phát sinh thêm về chi phí chuyển đổi, hay chi phí tuân thủ luật pháp. Chẳng hạn, cần xây dựng hệ thống kế toán, thuế dành cho khu vực này theo hướng cho phép áp dụng kế toán đơn, thuế khoán trên doanh số; việc thanh tra, kiểm tra cũng giảm nhẹ.

Thế giới không có hộ kinh doanh

Trên thế giới không mấy quốc gia có hình thức hộ kinh doanh mà chỉ là doanh nghiệp cá thể hay doanh nghiệp một chủ. Hình thức này giống với với hình thức hộ kinh doanh tại Việt Nam.

Điểm khác biệt ở chỗ các doanh nghiệp cá thể/doanh nghiệp một chủ này đều được đăng ký chính thức, từ EU đến châu Mỹ, châu Á. Các doanh nghiệp cá thể/doanh nghiệp một chủ được đăng ký một cách rất dễ dàng tại chính quyền sở tại hoặc qua mạng và chi phí tuân thủ các quy định pháp lý, chế độ kế toán, báo cáo tài chính, đơn giản và gọn nhẹ hơn rất nhiều so với các loại hình công ty khác do bản chất và quy mô của loại hình doanh nghiệp này.

Do vậy, chi phí tuân thủ các quy định pháp luật và mức thuế áp dụng đối với doanh nghiệp một chủ tại các quốc gia này thấp ở một mức hợp lý, phù hợp với khả năng của các doanh nghiệp cá thể/doanh nghiệp một chủ và cá nhân hay hộ gia đình kinh doanh.

Đó cũng là yếu tố quyết định tới tính hấp dẫn của loại hình doanh nghiệp này và khiến phần lớn người dân khi tiến hành đăng ký kinh doanh đã lựa chọn đăng ký chính thức theo hình thức doanh nghiệp một chủ, như người dân tại Việt Nam đã lựa chọn hình thức hộ kinh doanh cá thể.

Kinh nghiệm quốc tế cho thấy một vấn đề thực tiễn cần phải được giải quyết, cần điều chỉnh và cải cách về mô hình kinh tế hộ gia đình tại Việt Nam, góp phần trả mô hình này về đúng vị trí của nó để phát huy hết tiềm năng vô cùng to lớn của loại hình doanh nghiệp này.

Việc công nhận chính thức có thể góp phần quan trọng cho việc cải cách khu vực hộ kinh doanh, khuyến khích chính thức hóa một cách tự nguyện của khu vực hộ kinh doanh, nâng cao tính chính thức của khu vực tư nhân, nâng cao năng suất và hiệu quả tổng thể của khu vực kinh tế tư nhân nói riêng và của nền kinh tế nói chung.

Yêu cầu cho sửa Luật Doanh nghiệp tới đây 

Đã đến lúc cần đặt câu hỏi tại sao những đơn vị hộ kinh doanh sử dụng hàng chục, hàng trăm lao động…nhưng không được xem là doanh nghiệp? Họ chính là các doanh nghiệp tư nhân đích thực nhất. Tại sao không thúc đẩy họ áp dụng những tiêu chuẩn quản trị tốt để dần lớn lên thành những doanh nghiệp đủ lớn? Chúng ta cần phải tháo bỏ các rào cản về thuế, về sổ sách kế toán…để hàng triệu hộ kinh doanh có động lực trở thành một cộng đồng doanh nghiệp tư nhân đủ mạnh.

Giải pháp cần làm trong Luật Doanh nghiệp sửa đổi lần này một mặt để giảm tối đa các điều kiện hoạt động cho nhóm doanh nghiệp chính thức nhỏ và siêu nhỏ, tạo tiền đề để sửa các luật thuế và Luật Kế toán thời gian tới, mặt khác tạo ra cơ chế để khuyến khích hộ kinh doanh chuyển đổi thành doanh nghiệp.

Đã tới lúc các hộ kinh doanh, khu vực chiếm đến hơn 30% GDP, cần một khung khổ pháp lý riêng, thậm chí một chương riêng trong Luật Doanh nghiệp, chứ không chỉ phải vài điều khoản trong Nghị định hướng dẫn Luật Doanh nghiệp như hiện nay.

Tất nhiên, liên quan đến chuyển đổi hộ kinh doanh cá thể có nhiều văn bản khác (về thuế, kế toán, đất đai, lao động…) nhưng với tư cách đạo luật gốc về doanh nghiệp, Luật doanh nghiệp cần tính đến giải pháp thúc đẩy sự chuyển đổi của hộ kinh doanh cá thể lên thành doanh nghiệp chính thức, tạo ra một môi trường kinh doanh thuận lợi và công bằng, tăng cường chất lượng quản trị để dần hình thành một thế hệ doanh nghiệp tư nhân đủ lớn, đủ mạnh.

Do vậy nâng cao hiệu quả hoạt động, hiệu quả của hộ kinh doanh là hết sức quan trọng vì trên thực tế khu vực này chiếm 30,4% GDP nhưng chỉ đóng góp 1,56% tổng thu ngân sách nhà nước và cũng có mức đóng góp rất hạn chế về tăng độ che phủ về bảo hiểm xã hội.

Bất kỳ một sự cải thiện nào về hiệu quả hoạt động của khu vực hộ kinh doanh sẽ góp phần nâng cao năng suất tổng thể của nền kinh tế. Quá trình chính thức hóa cũng sẽ giúp đẩy nhanh việc tái phân bổ nguồn lực từ khu vực hộ kinh doanh sang khu vực tư nhân chính thức, nơi có năng suất cao hơn và việc sử dụng các nguồn lực có hiệu quả hơn.

Nghị quyết số 10-NQ / TW ban hành năm 2016 của Đảng về phát triển kinh tế tư nhân nhấn mạnh ưu tiên “Khuyến khích, tạo điều kiện cho các hộ kinh doanh mở rộng quy mô, nâng cao hiệu quả hoạt động…chuyển đổi sang hoạt động kinh doanh theo mô hình doanh nghiệp…”.

Đó chính là luận điểm chính để sửa Luật Doanh nghiệp lần này, nếu thiếu nó e rằng việc sửa đổi luật là không toàn diện, không đáp ứng được nhu cầu phát triển thực tế như những lần sửa đổi trước đây.

Nguồn: vietnamnet.vn