Theo IMF, khu vực kinh tế chưa quan sát được bao gồm 4 phân loại chính: Thứ nhất, kinh tế ngầm, các nhà sản xuất ngoài báo cáo lẽ ra cần đăng ký kinh doanh nhưng chưa đăng ký; thứ hai, doanh nghiệp đã đăng ký nhưng chưa được thống kê; thứ ba, khu vực không được thống kê do thiếu số liệu đáng tin cậy; thứ tư, khu vực bất hợp pháp.
Tại châu Âu, kể từ tháng 9/2014, hệ thống tiêu chuẩn kế toán về tính toán GDP cho phép các quốc gia bổ sung các hoạt động kinh tế chưa quan sát được vào tính toán GDP, kể cả các hoạt động bất hợp pháp. Theo đó, các hoạt động kinh tế bất hợp pháp được xem xét như mại dâm hoặc đồ trộm cắp bất hợp pháp cũng được xem xét tính bổ sung vào GDP.
Tuy nhiên, mức độ áp dụng của từng nước là khác nhau tùy thuộc chính sách riêng của từng nước. Ví dụ, tại các quốc gia cho phép ngành mại dâm hoạt động hợp pháp, doanh thu từ khu vực kinh tế này sẽ được ghi nhận như Đức, Hungary, Áo và Hy Lạp.
Hiện tại, phương pháp và kết quả giữa các nhà kinh tế và tổ chức độc lập khá khác nhau. Dựa trên báo cáo từ IMF, tính toán bởi hai nhà kinh tế học Leandro Medina và Friedrich Schneider. Theo đó, quy mô khu vực kinh tế chưa quan sát được tại Việt Nam dao động trong khoảng 14,8-21,8% GDP trong giai đoạn 1991-2015. Đáng chú ý, so với các nước trong khu vực, con số này chỉ cao hơn Trung Quốc và cách khá xa so với con số công bố của Tổng cục Thống kê Việt Nam.
Theo báo cáo của Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), trong trường hợp chính thức điều chỉnh quy mô GDP từ năm 2020, các chỉ số tài khóa/tài chính quan trọng như tỷ lệ nợ công, tỷ lệ thâm hụt ngân sách hay quy mô tín dụng so với GDP sẽ ngay lập tức thay đổi. Điển hình, nếu tăng quy mô GDP thêm 25,4%, tỷ lệ nợ công sẽ giảm về dưới ngưỡng 50% GDP, trong khi quy mô dự nợ tín dụng chỉ còn ở quanh mức 100% GDP.
Ở mặt tích cực, điều này có thể tạo dư địa tài khóa và tài chính cho việc điều tiết kinh tế vĩ mô. Đặc biệt khi bối cảnh vĩ mô trong và ngoài nước trong 3 năm tới được dự báo sẽ có nhiều biến động.
Ở ngoài biên giới, kinh tế toàn cầu đang suy giảm và rủi ro suy thoái vẫn đang hiện hữu. Ở trong nước, 30% nợ gốc sẽ đáo hạn, trong khi các dự án cơ sở hạ tầng trọng yếu như dự án đường cao tốc Bắc – Nam và Sân bay Long Thành sẽ lần lượt khởi công.
Trong bối cảnh ngân sách hạn hẹp, mô hình hợp tác công – tư (PPP) được xem như chìa khóa mở cánh cửa vốn. Tuy nhiên, kết quả thống kê sơ bộ trong quá trình bỏ thầu 8/11 cấu phần dự án Cao tốc Bắc – Nam đang cho thấy sự áp đảo của doanh nghiệp Trung Quốc hoặc có dòng vốn Trung Quốc.
Do đó, dư địa chính sách rộng hơn sẽ giải tỏa sức ép phụ thuộc vốn vào một số quốc gia nhất định.
Ở mặt tiêu cực, câu chuyện hiệu quả lại được đặt lên bàn thảo luận. Những lo ngại về mức độ hiệu quả của việc đầu tư công nếu nợ công được điều chỉnh giảm là có cơ sở sau hàng loạt bài học như 12 dự án thua lỗ của Bộ Công Thương, đội vốn đường sắt đô thị,….
Bên cạnh đó, VDSC cho rằng Tổng cục Thống kê cần sớm công bố nội dung chi tiết báo cáo tính toán lại quy mô GDP do sự chênh lệch về kết quả tính toán lại quy mô GDP theo các cách tính khác nhau.
Các chuyên gia phân tích của VDSC cũng đặc biệt quan tâm tới khu vực doanh nghiệp trực thuộc Bộ Công an và Bộ Quốc phòng. Các số liệu thực tiễn cho thấy mặc dù số lượng doanh nghiệp này không nhiều nhưng lại chiếm các vị trí quan trọng trong nhiều ngành nghề kinh doanh, với tổng mức doanh thu trong năm 2018 chiếm tới 5% GDP.
Nguồn: Infonet/CafeF.vn