Sau 4 tháng đầu năm 2023, số thu ngân sách nhà nước qua các tháng có dấu hiệu suy giảm nhanh, các khoản thu chính như thu nội địa, dầu thô và thu cân đối ngân sách từ hoạt động xuất, nhập khẩu đều tụt dốc. Mức giảm thu cũng diễn ra ở nhiều ngành nghề, lĩnh vực như: bất động sản, chứng khoán, ôtô… tại nhiều địa phương.
Thực tế này khiến tổng thu ngân sách nhà nước 4 tháng đầu năm 2023, theo số liệu Tổng cục Thống kê mới công bố, sụt giảm 5% so với cùng kỳ năm trước, đạt 645,4 nghìn tỷ đồng và bằng 39,8% dự toán năm. Đặc biệt, trong thời gian tới, các chính sách giảm thuế tiếp tục được nghiên cứu ban hành với quy mô lớn sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến tiến độ thu ngân sách nhà nước.
Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, thu nội địa tháng 4 ước đạt 113 nghìn tỷ đồng, lũy kế 4 tháng đầu năm 2023 ước đạt 538,8 nghìn tỷ đồng, bằng 40,4% dự toán và giảm 2% so với cùng kỳ. Thu từ dầu thô tháng 4 ước đạt 5,5 nghìn tỷ đồng, lũy kế 4 tháng ước đạt 21,9 nghìn tỷ đồng, bằng 52,2% dự toán và giảm 9,6%.
Đáng lưu ý, thu cân đối ngân sách từ hoạt động xuất, nhập khẩu tháng 4 ước đạt 20,6 nghìn tỷ đồng. Như vậy, lũy kế 4 tháng, thu cân đối ngân sách từ hoạt động xuất nhập khẩu ước đạt 84,7 nghìn tỷ đồng, bằng 35,4% dự toán và giảm tới 19,9% so với cùng kỳ năm trước.
Tình hình thực hiện nhiệm vụ thu ngân sách những tháng đầu năm 2023 diễn ra trong bối cảnh kinh tế thế giới gặp nhiều khó khăn, áp lực từ sức ép lạm phát, thách thức lớn do đồng nội tệ tại nhiều quốc gia mất giá mạnh, cuộc xung đột giữa Nga – Ukraine chưa dự báo thời điểm kết thúc.
Trong nước, GDP quý 1 ước chỉ tăng 3,32% so với cùng kỳ, gần như thấp nhất trong nhiều năm gần đây. Dù trong tháng 4, nền kinh tế Việt Nam ghi nhận nhiều tín hiệu của sự phục hồi nhưng khi so sánh với cùng kỳ vẫn tiếp đà suy giảm.
Chia sẻ gần đây, TS. Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), cho rằng bức tranh kinh tế hiện nay không những khó khăn, suy giảm mà thực sự tiêu điều.
Theo đó, từ quý 4/2022 trở đi, nền kinh tế Việt Nam bắt đầu suy giảm nhưng đã không đánh giá đúng thực chất, bởi suy giảm không phải nhất thời mà vì yếu tố bất định từ bên ngoài và khó khăn nội tại từ bên trong, trong đó có yếu tố điều hành.
“Tất cả động lực của tăng trưởng, kể cả các vùng hay ngành đều suy giảm, riêng dịch vụ được coi là “cứu cánh” nhưng thu nhập người dân giảm, lạm phát tăng, rõ ràng tiêu dùng không thể tăng được, hay đầu tư công dù chỉ đạo ráo riết, nóng nhưng cũng khó tăng”.
TS. Nguyễn Đình Cung.
Quan điểm của TS. Nguyễn Đình Cung hoàn toàn có cơ sở khi mà các dấu hiệu suy giảm kinh tế rất rõ.
Cụ thể, mặc dù cán cân thương mại hàng hóa 4 tháng duy trì xuất siêu 6,35 tỷ USD (cùng kỳ năm trước xuất siêu 2,35 tỷ USD) nhưng kim ngạch xuất, nhập khẩu giảm mạnh nhiều tháng liên tiếp.
Số liệu Tổng cục Thống kê cho thấy tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa 4 tháng ước đạt 210,79 tỷ USD, giảm 13,6% cùng kỳ; trong đó, xuất khẩu giảm 11,8%, nhập khẩu giảm 15,4%, trong bối cảnh tăng trưởng toàn cầu suy yếu. Kim ngạch nhập khẩu hàng hóa suy giảm mạnh hơn cho thấy sản xuất đang thu hẹp.
Mặc dù dẫn đầu cả nước về quy mô kim ngạch xuất, nhập khẩu nhưng trong 4 tháng đầu năm, hoạt động xuất, nhập khẩu hàng hóa qua các cửa khẩu TP. Hồ Chí Minh giảm mạnh, tác động đến số thu ngân sách nhà nước trên địa bàn thành phố.
Theo Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh, trong quý đầu năm, đơn vị làm thủ tục thông quan hàng hóa với kim ngạch 28,34 tỷ USD, giảm 6,51 tỷ USD. Trong đó, kim ngạch nhập khẩu đạt 15,31 tỷ USD, giảm 19,31% (tương đương 3,66 tỷ USD); kim ngạch xuất khẩu đạt 13,02 tỷ USD, giảm 17,92% (tương đương 2,85 tỷ USD) so với cùng kỳ. Kết quả này đặt ra nhiều thách thức cho Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh hoàn thành nhiệm vụ thu ngân sách 145.800 tỷ đồng năm nay.
Cũng theo dự báo của giới phân tích, giá trị nhập khẩu khó có thể cải thiện rõ rệt trong quý 2/2023, do lãi suất cao và điều kiện tài chính thắt chặt toàn cầu sẽ tác động tiêu cực đến việc mở rộng kinh doanh của doanh nghiệp và chi tiêu của người tiêu dùng.
Bên cạnh đó, do triển vọng các thị trường xuất khẩu lớn bao gồm Mỹ và châu Âu chiếm gần 50% tổng xuất khẩu của Việt Nam khá ảm đạm, dẫn đến mức tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam năm 2023 có thể hạ xuống âm 2% so với chỉ tiêu tăng trưởng xuất khẩu ở mức 6%. Điều này gây thách thức không nhỏ đối với ngành hải quan trong việc hoàn thành nhiệm vụ thu ngân sách trong năm 2023.
Cùng với đó, ngành công nghiệp và xây dựng tiếp tục chịu ảnh hưởng nặng nề. Tính chung 4 tháng đầu năm 2023, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp giảm 1,8% so với cùng kỳ năm trước, bởi kinh tế thế giới phục hồi chậm với chính sách thắt chặt tiền tệ ở nhiều quốc gia làm suy giảm nhu cầu tiêu dùng của các đối tác thương mại lớn, kéo theo đơn hàng sản xuất giảm, kim ngạch xuất khẩu giảm.
Tính chung 4 tháng, số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn là 49,9 nghìn doanh nghiệp, tăng 21,8% so với cùng kỳ năm trước; 20,9 nghìn doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, tăng 39,9%; 6,1 nghìn doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 10,1%…
Mặc dù tình hình thu ngân sách nhà nước rất khó khăn, tăng trưởng kinh tế chỉ đạt 3,32%, thu ngân sách nhà nước tới hết tháng 4/2023 giảm 5%, kim ngạch xuất, nhập khẩu cũng giảm gần 14%,… nhưng Bộ Tài chính đã và đang tham mưu các cơ chế, chính sách nhằm hỗ trợ cho người dân và doanh nghiệp phục hồi và phát triển kinh tế.
Một số chính sách gây hụt thu ngân sách lớn trong năm nhưng kỳ vọng sẽ giúp người dân, cộng đồng doanh nghiệp vượt qua khó khăn, phục hồi và phát triển, như: giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn cả năm 2023 khoảng 38 nghìn tỷ đồng; đề xuất giảm 2% thuế giá trị gia tăng với tất cả nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất 10% dự kiến áp dụng 6 tháng cuối năm, sẽ hỗ trợ người dân và doanh nghiệp khoảng 35 nghìn tỷ đồng…
Trước đó, giữa tháng 4 vừa qua, Chính phủ ban hành Nghị định số 12/2023/NĐ-CP về gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất năm 2023 khoảng 110 nghìn tỷ đồng; trong đó, gia hạn nộp thuế giá trị gia tăng với quy mô khoảng trên 50.000 tỷ đồng, thuế thu nhập doanh nghiệp 42.000 tỷ đồng…
Nguồn: Vneconomy.vn