English
28/062022
Lạm phát và “cuộc chiến tiền tệ” mới giữa các quốc gia

“Chiến tranh tiền tệ đảo ngược” dần hình thành

Thực tế thì không phải tới lúc này, các ngân hàng trung ương mới manh nha đề cập tới một “cuộc chiến tiền tệ”. Ngay từ tháng 2 năm nay, Ủy viên Ban điều hành Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB), bà Isabel Schnabel đã đưa ra một biểu đồ cho thấy mức độ giảm giá của đồng Euro so với USD. Hai tháng sau, Thống đốc NHTW Canada Tiff Macklem cũng đã “phàn nàn” về việc đồng đô la Canada (CAD) xuống giá quá mạnh. Chủ tịch NHTW Thụy Sĩ Thomas Jordan cũng đã đề cập khả năng can thiệp nhằm nâng giá đồng franc (CHF) của nước này.

Các tổ chức tài chính như Goldman Sachs và giới đầu tư thị trường ngoại hối trong vài tháng qua đã bắt đầu cảnh báo khả năng “chiến tranh tiền tệ” kiểu truyền thống – khi mà các quốc gia tìm cách phá giá đồng nội tệ của mình nhằm ngăn chặn ảnh hưởng từ đồng USD suy yếu, hỗ trợ xuất khẩu và tăng trưởng, nay sẽ chuyển sang trạng thái “đảo ngược”.

Lạm phát và “cuộc chiến tiền tệ” mới giữa các quốc gia - Ảnh 1.

Việc nâng giá đồng nội tệ giúp giảm chi phí nhập khẩu trong bối cảnh lạm phát cao (Nguồn: CNBC)

“Chiến tranh tiền tệ đảo ngược”, tức là các nước lại thi nhau tìm cách nâng giá động nội tệ, cải thiện sức mua của mình trong bối cảnh lạm phát gia tăng chóng mặt, bởi một đồng tiền mạnh sẽ giúp giảm chi phí nhập khẩu hàng hóa. Trong khi cuộc đua phá giá đã diễn ra suốt một thập niên qua, thì theo nhà kinh tế Michael Cahill từ Goldman Sachs, phần lớn nhà đầu tư không nhớ nổi từ bao giờ mà các nước phát triển lại đồng loạt nâng giá nội tệ.

Bất chấp sự hiếm gặp này thì “chiến tranh tiền tệ đảo ngược” đang ngày càng là một thực tế. Với các động thái thắt chặt tiền tệ mạnh tay từ Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED), đồng bạc xanh đã lên giá khoảng 7% trong năm nay so với rổ nhiều đồng tiền chủ chốt.

Lạm phát và “cuộc chiến tiền tệ” mới giữa các quốc gia - Ảnh 2.

Đồng USD đã tăng giá mạnh so với 4 đồng tiền chủ chốt khác trong năm nay (Nguồn: Reuters)

Tiếp đó, lần lượt từng NHTW lớn khác cũng đã bắt đầu phát tín hiệu rằng, họ sẵn sàng cho việc để đồng tiền mạnh hơn, khi mà lạm phát trong nước đã chạm mốc kỷ lục. Hôm 16/6, NHTW Thụy Sĩ gây bất ngờ với việc tăng lãi suất lần đầu tiên kể từ năm 2007, kéo đồng CHF lên mức cao nhất trong 7 năm. Cùng lúc đó, NHTW Anh (BOE) cũng thông báo đợt tăng lãi suất thứ 5 liên tiếp và đề cập việc sẽ tiếp tục các đợt tăng nữa trong thời gian tới.

Hiện chỉ còn NHTW Nhật Bản (BOJ) là vẫn đang trung thành với một chính sách “bồ câu” về tiền tệ, bởi các đợt giảm giá đồng Yên trong năm nay đã góp phần gia tăng đáng kể doanh thu và lợi nhuận cho các tập đoàn lớn của nước này như Toyota hay Nintendo. Thống đốc BOJ Kuroda Haruhiko phát tín hiệu sẽ tiếp tục chính sách hiện nay, tuy nhiên ông cũng đã thừa nhận đà giảm quá mạnh của đồng Yên – lên tới 18% kể từ đầu năm sẽ không tốt cho nền kinh tế trong dài hạn. Thị trường ngoại hối đã bắt đầu “đặt cược” xem thời điểm nào BOJ sẽ bắt đầu đảo ngược chính sách của mình.

Nguồn: cafeF.vn