3 lý do siết chỉ tiêu tăng tín dụng
Nhiều ngân hàng thương mại đã chính thức công bố lợi nhuận kinh doanh của năm 2018. Ngân hàng mạnh thì lãi tới 5 – 6 nghìn tỷ đồng, thậm chí hơn. Ngân hàng tầm tầm cũng vượt chỉ tiêu đề ra. Và trong phần lợi nhuận này, có điều đáng mừng là các ngân hàng đã khai thác tiềm năng từ các mảng khác, không đơn thuần là lãi từ cho vay. Thế nhưng, dẫu sao nguồn thu từ tín dụng vẫn rất tốt, đó cũng chính là điều khiến cho nhiều ngân hàng kiến nghị được tăng hạn ngạch tín dụng trong năm mới.
Tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ ngành Ngân hàng 2019, ông Dương Công Minh – Chủ tịch HĐQT ngân hàng Sacombank đề xuất, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chấp thuận mức tăng trưởng tín dụng của Sacombank là 18 – 20% trong giai đoạn 2018 – 2020. Được biết cũng trong năm 2019, nhiều ngân hàng sẽ được thẩm định để hoàn tất việc áp dụng các chuẩn mực Basel II, trước thời hạn quy định vào năm 2020. Đó cũng là một căn cứ để đưa ra con số tăng trưởng tín dụng cho từng trường hợp.
Nhìn lại năm 2018, tín dụng toàn ngành tăng trưởng khoảng 14%. Năm 2019, định hướng của NHNN tăng trưởng tín dụng chỉ 14%, với phương châm mở rộng tín dụng gắn liền với an toàn và hiệu quả. Nhà điều hành sẽ thông báo chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cụ thể tới từng tổ chức tín dụng để chủ động thực hiện.
Nhưng tại sao lại chọn con số 14%? Phía NHNN cho biết, thứ nhất, năm 2018, tín dụng toàn hệ thống chỉ tăng 14%, nhưng GDP vẫn tăng 7,08%, cao nhất trong vòng 10 năm qua. Thứ hai, tín dụng tăng chậm lại, song tổng quy mô tín dụng trong nền kinh tế ngày càng phình to và đã đạt trên 140%/GDP. Thứ ba, tín dụng chỉ là một trong nhiều kênh dẫn vốn cho nền kinh tế. Ngoài kênh này, doanh nghiệp còn cần huy động vốn bằng kênh trái phiếu, cổ phiếu…
Cùng với việc đưa ra hạn mức tăng trưởng thấp cho toàn hệ thống, bà Nguyễn Thị Hồng – Phó thống đốc NHNN cũng cho biết, NHNN sẽ tiếp tục cấp hạn ngạch tín dụng cho từng nhà băng, dựa vào tiềm lực tài chính và sức khỏe của từng ngân hàng. Theo đó, ngân hàng nào đáp ứng được chuẩn Basel II (hiện mới có Vietcombank, VIB và OCB được công nhận) thì sẽ có lợi thế hơn trong việc phân giao chỉ tiêu tín dụng.
Nhiều áp lực
Giới chuyên gia cho rằng để có thể thực hiện được mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát ở mức dưới 4%, tăng trưởng kinh tế 6,8% trong bối cảnh kinh tế thế giới có biến động phức tạp khó lường, việc đưa ra con số định hướng là hợp lý nhưng thực tế sẽ diễn ra như thế nào là khó lường trước.
TS Nguyễn Xuân Thành – giảng viên Chính sách công của Trường Đại học Fulbright Việt Nam nhận định rằng, điểm tích cực nhất trong chính sách tiền tệ là việc giảm được tăng trưởng tín dụng. Hoạt động này góp phần hạn chế tình trạng bong bóng trong lĩnh vực bất động sản và rủi ro tín dụng trong lĩnh vực cho vay tiêu dùng. Bên cạnh đó, tốc độ tăng trưởng tín dụng thấp nhưng tốc độ tăng trưởng kinh tế vẫn đạt được ở mức cao cũng cho thấy hiệu quả sử dụng nguồn vốn vay đã hiệu quả hơn.
Vị chuyên gia này cũng lưu ý về việc sử dụng “đòn bẩy” trong nền kinh tế, khi tỷ lệ nợ công ở mức 61,1% GDP và tỷ lệ tín dụng cho khu vực tư nhân ở quanh mức 130% GDP.
Mức tăng trưởng tín dụng 14% năm 2018 vẫn được vị chuyên gia này đánh giá là cao so với GDP – dù rằng nó đã thấp hơn đáng kể so với các năm trước (năm 2017: 18,17%; năm 2016: 18,71%). Về mặt trung hạn, để ổn định vĩ mô, TS Nguyễn Xuân Thành khuyến nghị tăng trưởng tín dụng trong các năm tới cần phải thấp hơn, chỉ từ 11-12%/năm.
“Trước đây, khi nền tài chính chưa phát triển người ta không đi vay mà dùng vốn tự có. Nhưng đến một giai đoạn, khi nền tài chính phát triển theo chiều rộng và chiều sâu thì tốc độ tăng trưởng tín dụng và tốc độ tăng trưởng tổng phương tiện thanh toán có thể cao hơn rất nhiều so với tốc độ tăng trưởng của GDP” – ông Thành nhận định.
Chính sách tiền tệ thắt chặt cùng giá dầu suy giảm trong nửa cuối năm 2018 cũng góp phần kiểm soát lạm phát một cách có hiệu quả.
Nguồn: daidoanket.vn