English
29/102018
Nâng cao công tác phân tích và dự báo kinh tế vĩ mô

Tháng 3 năm 2018 là tháng đặc biệt đối với cán bộ công nhân viên của Ủy ban khi Ủy ban đánh dấu chặng đường 10 năm hình thành và phát triển, một chặng đường chưa thực sự dài nhưng là một cột mốc quan trọng để chúng ta cùng nhìn lại thời gian cùng chung tay vượt qua bao nhiêu khó khăn, thách thức để xây dựng cơ quan ngày hôm nay.

Cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, kéo theo sự đổ vỡ hàng loạt hệ thống ngân hàng, tình trạng đói tín dụng, sụt giá chứng khoán và mất giá tiền tệ quy mô lớn ở Mỹ và nhiều nước châu Âu là hồi chuông cảnh tỉnh cho hệ thống tài chính của các quốc gia trên thế giới trong đó có Việt Nam. Trước tình hình đó, ngày 03/03/2008, Thủ tướng Chính phủ ký quyết định số 34/QĐ-TTg thành lập Ủy ban giám sát tài chính quốc gia với chức năng quan trọng là tham mưu, tư vấn cho Thủ tướng Chính phủ trong phân tích, đánh giá, dự báo tác động của thị trường tài chính đến kinh tế vĩ mô và tác động của chính sách kinh tế vĩ mô đến thị trường tài chính; điều phối hoạt động giám sát thị trường tài chính quốc gia (ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm); giúp Thủ tướng Chính phủ giám sát chung thị trường tài chính quốc gia. Một trong những nhiệm vụ của Ủy ban là phải đánh giá được sự tác động qua lại giữa kinh tế vĩ mô và thị trường tài chính bởi có sự liên quan chặt chẽ với nhau. Chính vì thế công tác phân tích và nghiên cứu hình hình kinh tế vĩ mô được các lãnh đạo Ủy ban quan tâm và chỉ đạo sát sao ngày từ những ngày đầu thành lập và nhiệm vụ nghiên cứu này được giao cho phòng Phân tích và dự báo Kinh tế vĩ mô thuộc Ban Nghiên cứu và Điều phối chính sách Giám sát (Ban NCĐP).

Những ngày đầu xây dựng báo cáo, các cán bộ đã phải đối mặt với những khó khăn về cơ sơ vật chất, nguồn nhân lực và đặc biệt là hệ thống cơ sở dữ liệu. Các cán bộ thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo Ủy ban xây dựng các báo cáo kinh tế vĩ mô đầu tiên khi mà hệ thống số liệu gần như không có, chỉ có số liệu trên tổng cục thống kê nhưng lại không có các file chuỗi mà chỉ là các file dạng pdf của từng tháng nên rất khó để phân tích chi tiết các yếu tố vĩ mô. Bên cạnh đó, các cán bộ của Ban mới về còn nhiều bỡ ngỡ và đang dần thích nghi với công việc. Hơn nữa, báo cáo Kinh tế vĩ mô đã được nhiều cơ quan, viện nghiên cứu khác thực hiện từ rất lâu nên đòi hỏi đặt ra cho Ủy ban là làm thế nào để xây dựng một Báo cáo Kinh tế vĩ mô mang đặc sắc riêng, mang lại nhận định riêng không bị trùng lặp với các bộ – ban – ngành khác để có những đánh giá, phân tích và dự báo chính xác giúp Thủ tướng Chính phủ có góc nhìn tổng thế để đưa ra được những chính sách phù hợp và kip thời nhất.

Đứng trước những thách thức đó, được sự chỉ đạo tận tình của Ban lãnh đạo cùng với sự nghiên cứu chuyên sâu của các cán bộ, Ban NCĐP đã đưa thêm vào báo cáo các mô hình kinh tế lượng để phân tích sâu hơn các nhân tố vĩ mô cũng như có được những dự báo, cảnh báo chính xác hơn.

Ví như đối với vấn đề phân tích và dự báo lạm phát, nhằm thấy được rõ xu hướng biến động của lạm phát, Ban NCĐP đã thực hiện phân rã các thành phần khác nhau của lạm phát theo phương pháp phân rã số nhân (Multiplicative Decomposition Method). Việc phân rã này sẽ giúp các nhà hoạch định chính sách biết được tốc độ tăng CPI của một tháng nào đó có bao nhiêu phần là do những yếu tố nền tảng dài hạn, và bao nhiêu phần là do những yếu tố ngắn hạn như mùa vụ, chu kì, và ngẫu nhiên. Nhờ đó, những phản ứng chính sách thích hợp có thể được đưa ra nhằm đạt được mục tiêu mong muốn.

Đối với vấn đề dự báo tăng trưởng GDP, Ban NCĐP đã quyết định nghiên cứu và đưa vào sử dụng mô hình phân rã tăng trưởng trong phân tích yếu tố tăng trưởng. Trước khi đưa vào áp dụng dự báo tăng trưởng quý bằng mô hình phân rã tăng trưởng, Ban NCĐP đã nghiên cứu để sử dụng mô hình kinh tế lượng vĩ mô trong công tác này. Tuy nhiên, việc dự báo tăng trưởng kinh tế vĩ mô bằng mô hình kinh tế lượng không khả thi vì đòi hỏi bộ số liệu lớn, kỹ thuật xử lý phức tạp, tính cập nhật không cao, chất lượng dự báo thấp. Ngược lại, phương pháp dự báo tăng trưởng bằng phương pháp phân rã tăng trưởng đã khắc phục được các nhược điểm trên, nâng cao chất lượng phân tích, dự báo tăng trưởng kinh tế. Thứ nhất, phương pháp này chỉ yêu cầu dữ liệu đầu vào là chuỗi tăng trưởng GDP theo quý. Thứ hai, kỹ thuật xử lý không quá phức tạp: cán bộ chỉ cần nắm vững nguyên lý, sử dụng thành thạo phần mềm kinh tế lượng Eviews là có thể thực hiện nhiệm vụ. Thứ ba, tính cập nhật được nâng cao khi số liệu tăng trưởng được Tổng cục thống kê công bố hàng quý. Cán bộ xử lý sử dụng ngay số liệu này để phân tích, dự báo mà không cần trải qua quá trình thu thập, xử lý dữ liệu phức tạp. Cuối cùng, do dữ liệu đầu vào đơn giản, kỹ thuật sử dụng đơn giản chất lượng dữ liệu đầu vào được kiểm soát nên chất lượng dự báo được nâng cao rõ rệt.

Để nâng cao công tác dự báo Ban đã đặt ra mục tiêu xây dựng một số chỉ số (gọi là chỉ số kinh tế dẫn báo) được công bố hàng tháng, có khả năng dự báo ít nhất một quý tới tăng trưởng kinh tế sẽ tiếp tục xu hướng phục hồi hay bắt đầu giai đoạn suy giảm. Có thế thấy, về dài hạn, tăng trưởng kinh tế quyết định bởi các yếu tố sản sản xuất như vốn, lao động và năng suất tổng hợp; những yếu tố này chậm thay đổi theo thời gian. Tuy nhiên, trong ngắn hạn, tăng trưởng còn chịu tác động của nhiều yếu tố khác ngoài các yếu tố sản xuất, và do đó thường dao động lên (gọi là phục hồi) xuống (gọi là suy giảm) theo chu kì. Việc dự báo trước giai đoạn suy giảm tăng trưởng sẽ giúp Chính phủ có những điều chỉnh chính sách kịp thời. Đối với các cơ quan hoạch định chính sách, việc dự báo xu hướng tăng trưởng có ý nghĩa hơn dự báo mức tăng trưởng cụ thể, nhất là khi việc dự báo mức tăng trưởng hàng quý bằng mô hình thường kém chính xác do số liệu theo quý không đầy đủ và thiếu chính xác.

Bên cạnh đó, để đáp ứng nhu cầu nghiên cứu cũng như xây dựng các mô hình, Ban NCĐP đã chủ động xây dựng hệ thống số liệu kinh tế vĩ mô từ năm 1994-nay và được cập nhật hàng tháng. Điều này đã góp phần tạo thuận lợi cho công tác nghiên cứu chuyên sâu của các cán bộ.

Với sự nỗ lực không ngừng, trong 10 năm qua Ban NCĐP đã hoàn thành gần 120 bản Báo cáo Kinh tế tài chính phục vụ phiên họp Chính phủ định kỳ, gần 40 bản Báo cáo kinh tế phục vụ phiên họp Hội đồng tư vấn tài chính tiền tệ quốc gia, hơn 20 chuyên đề và đề tài nghiên cứu về kinh tế vĩ mô phục vụ công tác chuyên môn và hàng trăm các báo cáo lớn nhỏ khác theo sự chỉ đạo của lãnh đạo Ủy ban…chất lượng báo cáo ngày càng được nâng lên và được lãnh đạo Chính phủ cũng như các cơ quan nghiên cứu đánh giá cao. Tiếp tục phát huy những kết quả đạt được, cũng như để thích nghi được với sự phát triển nhanh chóng của nền kinh tế và hệ thống tài chính, và nâng cao hơn nữa chiều sâu phân tích của các báo cáo Kinh tế vĩ mô, các cán bộ của Ban cần phải không ngừng học hỏi nâng cao trình độ chuyên môn, năng lực phân tích và nghiên cứu để cập nhật hơn nữa các phương pháp đang dùng và nghiên cứu thêm nhiều phương pháp mới để ngày giúp cho các báo cáo ngày càng hoàn chỉnh hơn. Qua đó, giúp cho Ban NCĐP thực hiện tốt chức năng tham mưu, tư vấn, đánh giá và dự báo Kinh tế vĩ mô góp phần nâng cao vị thế Ủy ban.

PHÒNG PHÂN TÍCH VÀ DỰ BÁO KINH TẾ VĨ MÔ