English
20/022024
Nâng hạng thị trường chứng khoán cần sự phối hợp đồng bộ

Đây là chia sẻ của Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) Vũ Thị Chân Phương về định hướng, giải pháp quan trọng của cơ quan quản lý nhằm hỗ trợ thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam phát triển ổn định, thanh khoản, minh bạch, chất lượng, bền vững hơn trong năm 2024, bên lề buổi lễ Đánh cồng khai trương giao dịch đầu Xuân Giáp Thìn 2024 tại Sở GDCK TPHCM (HOSE) vừa qua.

Nỗ lực cao nhất thực hiện mục tiêu nâng hạng

Công tác nâng hạng TTCK từ cận biên lên mới nổi được Chính phủ và các nhà đầu tư rất mong đợi trong thời gian tới, xin bà có thể thông tin thêm về vấn đề này?

Bà Vũ Thị Chân Phương: Nâng hạng TTCK là chủ trương chung và đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quan tâm chỉ đạo thời gian qua. Nội dung này cũng đã được nêu tại Nghị quyết số 86/NQ-CP ngày 11/7/2022 của Chính phủ và đưa vào Chiến lược Phát triển TTCK đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Mới đây nhất, tại Chỉ thị số 06/CT-TTg ngày 15/2/2024, Thủ tướng Chính phủ cũng đã yêu cầu Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Ngân hàng Nhà nước, Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương xử lý nhanh các vướng mắc thuộc lĩnh vực phụ trách để đáp ứng tiêu chí nâng hạng TTCK từ cận biên lên thị trường mới nổi.

Trong thời gian qua, cơ quan quản lý đã rất nỗ lực triển khai nhiều giải pháp để hoàn thiện các tiêu chí quan trọng do các tổ chức xếp hạng quốc tế đề ra. Theo đó, UBCKNN tổ chức nhiều cuộc họp với các bộ, ngành; đồng thời tổ chức gặp gỡ, làm việc ở trong và ngoài nước với các tổ chức xếp hạng quốc tế, các định chế tài chính quốc tế lớn và các thành viên thị trường để cùng nghiên cứu, đề xuất giải pháp để tháo gỡ các nội dung còn vướng mắc trong công tác nâng hạng của TTCK Việt Nam.

Theo đánh giá của các tổ chức xếp hạng và các định chế tài chính quốc tế lớn, Việt Nam đã có nhiều cải thiện và đạt được nhiều tiêu chí quan trọng. Tuy nhiên, hiện có 2 nhóm vấn đề trọng yếu cần tập trung cải thiện và có những biện pháp tháo gỡ nhằm tạo điều kiện cho các nhà đầu tư nước ngoài tham gia vào TTCK trong thời gian tới, đó là yêu cầu ký quỹ trước giao dịch (prefunding) và giới hạn sở hữu nước ngoài. Những vấn đề này đều cần có sự phối hợp thiết thực của các bộ, ngành có liên quan để tháo gỡ.

Song song với việc hoàn thiện các tiêu chí chính của các tổ chức xếp hạng quốc tế, chúng tôi tiếp tục hoàn thiện quy định trong nước trên cơ sở nghiên cứu các quy định và thông lệ quốc tế để thúc đẩy TTCK Việt Nam phát triển theo hướng bền vững, tạo môi trường thuận lợi thu hút nhà đầu tư quốc tế và dòng vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài.

Chúng ta phải khẳng định, việc nâng hạng TTCK phụ thuộc vào sự đánh giá khách quan của các tổ chức xếp hạng quốc tế thông qua trải nghiệm thực tế của các nhà đầu tư nước ngoài. Do vậy, dưới sự quan tâm chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, bên cạnh sự nỗ lực cao nhất của cơ quan quan quản lý, để đem lại kết quả như kỳ vọng cần sự tham gia và quyết tâm của các bộ, ngành có liên quan.

Bên cạnh đó, việc nâng hạng còn phụ thuộc vào sự trải nghiệm thực tế của nhà đầu tư nước ngoài khi tham gia TTCK Việt Nam nên rất cần sự chung sức của các thành viên thị trường trong cung cấp dịch vụ, các công ty niêm yết, đặc biệt là các tổ chức niêm yết lớn trong vấn đề công bố thông tin minh bạch, công bố thông tin bằng tiếng Anh, quản trị công ty theo thông lệ tốt…

Kết nối dòng vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài là một trong những hoạt động quan trọng được Bộ Tài chính, UBCKNN rất quan tâm và tổ chức triển khai thành công nhiều năm nay. Để tiếp nối thành công đó, cơ quan quản lý có kế hoạch thế nào trong năm 2024 này?

Bà Vũ Thị Chân Phương: Các chương trình xúc tiến đầu tư gián tiếp tại nước ngoài là một trong các hoạt động thường niên, được bắt đầu triển khai từ năm 2014. Các chương trình xúc tiến đầu tư đã góp phần quan trọng quảng bá tiềm năng TTCK Việt Nam tới cộng đồng đầu tư quốc tế giúp kích cầu và khơi thông nguồn vốn đầu tư gián tiếp vào TTCK Việt Nam.

Sau 3 năm bị gián đoạn do đại dịch COVID-19, năm 2023, UBCKNN đã tiếp tục thực hiện các chương trình xúc tiến đầu tư dưới nhiều hình thức đa dạng, đặc biệt các chương trình tiếp xúc, đối thoại với nhà đầu tư được lồng ghép trong khuôn khổ các chương trình công tác nước ngoài của lãnh đạo Bộ Tài chính và UBCKNN. Các chương trình xúc tiến đầu tư gián tiếp tại nước ngoài tại châu Âu, HongKong (Trung Quốc) và Mỹ trong năm 2023 đều cho thấy sự quan tâm, tham gia tích cực của cộng đồng các nhà đầu tư tại nước sở tại, bao gồm các tổ chức tài chính lớn, các quỹ đầu tư và các doanh nghiệp đang có nhu cầu mở rộng thị trường kinh doanh sang Việt Nam.

Năm 2024 này, trên cơ sở kinh nghiệm và kết quả tích cực đạt được của các năm trước, dưới sự chỉ đạo của Bộ Tài chính, UBCKNN sẽ tiếp tục xây dựng các chương trình xúc tiến đầu tư gián tiếp tại nước ngoài để quảng bá và thu hút mạnh mẽ hơn dòng vốn nước ngoài tham gia vào TTCK Việt Nam; đồng thời tăng cường kết nối, xây dựng, củng cố quan hệ hợp tác với cơ quan quản lý TTCK, các định chế, tổ chức tài chính, đầu tư lớn trên thế giới. Trước mắt, dự kiến trong tháng 3 tới, dưới sự chỉ đạo của Bộ Tài chính, UBCKNN sẽ phối hợp với các đơn vị chức năng thuộc Bộ xây dựng Chương trình Xúc tiến đầu tư tại Hàn Quốc và Nhật Bản do Bộ trưởng Bộ Tài chính là Trưởng đoàn công tác.

Ưu tiên giải pháp để thị trường phát triển minh bạch

Vậy đâu là các định hướng lớn, giải pháp quan trọng để hỗ trợ TTCK Việt Nam phát triển ổn định, an toàn, thanh khoản, chất lượng hơn trong năm 2024 này, thưa bà?

Bà Vũ Thị Chân Phương: Năm 2024 này, trên tinh thần “Đoàn kết – Chủ động – Đổi mới – Quyết liệt – Hiệu quả”, bám sát thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp chỉ đạo, điều hành phát triển kinh tế xã hội của Chính phủ, Bộ Tài chính, chúng tôi tin tưởng với sự nỗ lực, chung sức, đồng lòng của toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ngành Chứng khoán, của các thành viên thị trường, của cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư, sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan hữu quan, các cơ quan thông tấn báo chí… TTCK Việt Nam sẽ có thêm các bước chuyển tích cực, mạnh mẽ, tiếp tục là điểm đến hấp dẫn của dòng vốn đầu tư trong và ngoài nước, là kênh dẫn vốn trung và dài hạn quan trọng cho nền kinh tế, đóng góp ngày càng lớn hơn vào công cuộc phát triển kinh tế – xã hội của đất nước trong thời kỳ mới.

Năm 2024 sẽ có nhiều yếu tố cơ hội và thách thức đan xen đối với TTCK Việt Nam. Trong bối cảnh đó, để phát triển TTCK an toàn, bền vững, là kênh huy động vốn trung và dài hạn hiệu quả cho nền kinh tế, UBCKNN sẽ tiếp tục triển khai nhiều nhóm giải pháp đồng bộ, cụ thể.

Trước mắt, được sự chấp thuận của lãnh đạo Bộ Tài chính, UBCKNN đang khẩn trương chuẩn bị Hội nghị Phát triển TTCK năm 2024, dự kiến sẽ có sự tham dự và phát biểu chỉ đạo của Lãnh đạo Chính phủ, sự tham gia và chia sẻ ý kiến của đại diện các bộ, ngành, các định chế tài chính quốc tế, doanh nghiệp niêm yết và các thành viên thị trường.

Đối với các giải pháp thường xuyên của năm 2024, cơ quan quản lý sẽ tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý, hệ thống chính sách cho phát triển thị trường, trong đó tập trung hoàn thành xây dựng kế hoạch triển khai đề án Chiến lược phát triển TTCK đến năm 2030 hiệu quả.

Đồng thời, UBCKNN sẽ tăng cường xây dựng hệ thống cơ sở vật chất, ứng dụng công nghệ thông tin, đáp ứng xu hướng cuộc cách mạng công nghệ 4.0, vừa tạo điều kiện cho công tác quản lý, điều hành, vừa tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, các định chế thị trường và nhà đầu tư tham gia.

Cùng với đó, chúng tôi sẽ tiếp tục tái cấu trúc TTCK dựa trên các trụ cột chính đã đề ra, trong đó, chú trọng, tăng cường quản lý các tổ chức kinh doanh chứng khoán và người hành nghề chứng khoán; đa dạng hóa cơ sở nhà đầu tư, phát triển hệ thống nhà đầu tư tổ chức, khuyến khích đầu tư nước ngoài dài hạn, đào tạo nhà đầu tư cá nhân.

Bên cạnh đó, để đảm bảo kỷ cương, kỷ luật của thị trường, cơ quan quản lý sẽ tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát để bảo đảm cho TTCK phát triển bền vững, công khai, minh bạch, xử lý kịp thời, nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật trên TTCK.

Ngoài ra, như đã chia sẻ, chúng tôi sẽ đẩy mạnh công tác đối ngoại và hợp tác quốc tế, tổ chức các chương trình xúc tiến đầu tư tại nước ngoài, làm việc với các nhà đầu tư nước ngoài, các tổ chức xếp hạng để TTCK Việt Nam sớm được nâng hạng. Mặt khác sẽ tập trung công tác chuẩn bị cho Hội nghị Ủy ban Chứng khoán các nước của Tiểu khu vực châu Á – Thái Bình Dương sẽ diễn ra tại Việt Nam vào năm 2025.

Xin trân trọng cảm ơn bà!

Trên thị trường cổ phiếu, chỉ số VN-Index tính đến 29/12/2023 đã tăng 12,2% so với cuối năm 2022 ở mức 1.129,93 điểm với thanh khoản ngày càng được cải thiện. Hoạt động niêm yết và đăng ký giao dịch cũng có những chuyển biến tích cực với giá trị niêm yết, đăng ký giao dịch chiếm khoảng 22,4% GDP ước tính năm 2022 (20,8% GDP ước tính năm 2023), tăng 7,3% so với cuối năm 2022. Năm 2023, mức vốn hóa thị trường cổ phiếu 3 sàn HOSE, HNX và UPCoM đạt 5.937 nghìn tỷ đồng, tăng 13,6% so với cuối năm 2022, tương đương 58,1% GDP năm 2023 (62,4% GDP ước tính năm 2022).

Thị trường trái phiếu chính phủ cũng ghi nhận những kết quả khả quan khi giá trị trái phiếu niêm yết tính đến cuối tháng 12/2023 tăng 16,5% so với cuối năm 2022, chiếm 21,3% GDP ước tính năm 2022 (19,9% GDP ước tính năm 2023). Ngoài ra, sau thời gian chuẩn bị gấp rút, hệ thống giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ (TPDNRL) đã vận hành chính thức từ ngày 19/7/2023. Sự ra đời của thị trường này sẽ giúp cho cơ quan quản lý, thành viên thị trường, công chúng đầu tư có thêm thông tin về thị trường TPDNRL từ sơ cấp đến thứ cấp, góp phần thúc đẩy thị trường phát triển minh bạch và bền vững hơn.

Trong bối cảnh thị trường cơ sở có nhiều biến động, TTCK phái sinh tiếp tục phát huy vai trò là công cụ phòng ngừa rủi ro cho các nhà đầu tư. Thanh khoản duy trì khá tốt, với khối lượng giao dịch bình quân trong năm 2023 đạt 235.300 hợp đồng/phiên.

Nguồn: chinhphu.vn