English
24/042024
Ngân hàng Nhà nước ngừng tăng tỷ giá trung tâm

Ngân hàng Nhà nước ngừng tăng tỷ giá trung tâm- Ảnh 1.

Sáng 24/4, Ngân hàng Nhà nước công bố tỷ giá trung tâm ở mức 24.274 đồng, giảm 1 đồng so với hôm qua. Đây là phiên đầu tiên trong 2 tuần trở lại đây, NHNN điều chỉnh giảm tỷ giá trung tâm. Giá bán giao ngay USD được Cục Quản lý dự trữ ngoại hối nhà nước giữ nguyên mức 25.450 đồng.

Trước đó, tỷ giá trung tâm đã liên tục tăng mạnh, đặc biệt là từ ngày 15/4 trở đi, cũng là ngày giá USD tăng vọt lên kịch trần. Cụ thể từ 15/4 đến 23/4, tỷ giá trung tâm đã tăng 192 đồng. Đồng thời giá bán ra USD tại các ngân hàng cũng tăng từ 25.180 đồng lên 25.488 đồng.

Với biên độ +/-5%, tỷ giá sàn và tỷ giá trần áp dụng cho các ngân hàng thương mại ngày 24/4 là 23.061-25.487 đồng. Theo đó, giá USD ngân hàng ngay từ đầu giờ sáng cũng đồng loạt giảm 1 đồng để đáp ứng yêu cầu trần quy định.

Cụ thể tại Vietcombank, giá USD hiện được niêm yết ở mức 25.177-25.487 đồng, giảm 1 đồng so với hôm qua. BIDV và VietinBank áp dụng lần lượt là 25.187-25.487 đồng và 25.180-25.487 đồng.

Tương tự, Techcombank cũng giảm 1 đồng đối với giá bán xuống 25.487 đồng, giữ nguyên giá mua 25.250 đồng.

Trên thị trường tự do, giá USD giảm khoảng 50 đồng, hiện phổ biến 25.750 đồng chiều mua và 25.850 đồng chiều bán.

Hôm qua (23/4), Ngân hàng Nhà nước đã có động thái mới, được cho là bước đi tiếp theo trong nỗ lực kiểm soát tỷ giá. Cụ thể, NHNN đã bơm vào thị trường 36.000 tỷ đồng thông qua việc cho 9 thành viên vay qua kênh OMO với kỳ hạn 14 ngày. Đáng chú ý, lãi suất trúng thầu đã tăng lên 4,25%/năm thay vì 4%/năm trong thời gian qua. Đây cũng là mức lãi suất cao nhất trên kênh OMO kể từ giữa năm 2023. Đồng thời, quy mô cho vay qua kênh OMO lên cao nhất 7 năm.

Được biết, ngoài việc công khai bán ngoại tệ từ ngày 19/4, NHNN tiếp tục sử dụng song song kênh tín phiếu và OMO để điều tiết thanh khoản, lãi suất thị trường liên ngân hàng, qua đó có tác động đến tỷ giá.

Động thái tăng lãi suất OMO được cho sẽ có tác động tới lãi suất VND trên thị trường 2, từ đó thu hẹp chênh lệch lãi suất USD – VND trên thị trường liên ngân hàng mà không ảnh hưởng nhiều tới mặt bằng lãi suất trên thị trường 1. Thông qua đó nhà điều hành hạn chế hiện tượng đầu cơ USD, giảm sức ép lên tỷ giá.

Trong cơ cấu các lãi suất điều hành, lãi suất OMO là loại lãi suất có tác động mạnh tới thị trường bởi gắn trực tiếp và thường trực với chi phí hỗ trợ nguồn cho hệ thống, đặc biệt có tính bình ổn trong những trường hợp thanh khoản hệ thống cần hỗ trợ.

Nguồn: An ninh Tiền tệ/cafef