English
25/112020
Những ngành nào sẽ là thế mạnh của Việt Nam trong Hiệp định RCEP?

Sau khi Hiệp định RCEP có hiệu lực, các bên sẽ ngay lập tức thực hiện các cam kết của mình, trong đó có các cam kết thuế quan. Việt Nam và các nước đối tác sẽ xóa bỏ thuế quan đối với ít nhất 64% số dòng thuế ngay khi Hiệp định có hiệu lực. Đến cuối lộ trình sau 15-20 năm, Việt Nam sẽ xóa bỏ thuế quan với khoảng 85,6 % – 89,6% số dòng thuế với các nước đối tác, còn các nước đối tác sẽ xóa bỏ thuế quan cho Việt Nam từ 90,7% – 92% số dòng thuế. Các nước ASEAN sẽ xóa bỏ thuế quan cho Việt Nam trong khoảng 85,9% – 100% số dòng thuế.

Một số mặt hàng được các nước xóa bỏ thuế quan ngay khi Hiệp định có hiệu lực được kể đến như viễn thông, công nghệ thông tin, trang thiết bị cơ khí, máy móc, dụng cụ phụ tùng, hóa chất… và các sản phẩm của ngành nông nghiệp. Chuyên gia kinh tế, TS Võ Trí Thành nhìn nhận, ngoài những mặt hàng mà Việt Nam có lợi thế và hiện nay cũng đã tham gia vào các chuỗi cung ứng trên thế giới, các mạng sản xuất của khu vực rất lớn như dệt may, da giày, đồ gỗ… thì còn cơ hội cho phát triển các ngành dịch vụ và đầu tư.

“RCEP cũng tạo 3 điều kiện rất lớn, chưa kể các tác động gián tiếp, những lĩnh vực phục vụ người tiêu dùng – mà với một khu vực tiêu dùng lớn như thế này, sức mua ngày càng lớn do tầng lớp trung lưu ngày càng nổi lên thì rõ ràng rất nhiều lĩnh vực sẽ đem lại cơ hội kinh doanh như du lịch, giáo dục, giải trí, y tế, bán lẻ… Khu vực này là khu vực rất hấp dẫn đầu tư và đã thể hiện rõ ngay cả trong thời Covid-19” – TS Võ Trí Thành nhận định.

Cụ thể về cơ hội đối với lĩnh vực nông nghiệp, đại diện Vụ thương mại đa biên, Bộ Công Thương – cơ quan tham gia đàm phán Hiệp định RCEP cho biết, thủy sản sẽ là một trong những ngành có đủ sức cạnh tranh và có thể thâm nhập mạnh vào các thị trường của các đối tác RCEP.

Ngoài ra, việc cam kết cắt giảm thuế quan của Trung Quốc, Nhật Bản, New Zealand, Australia và các nước ASEAN về 0% ngay sau khi Hiệp định có hiệu lực và của Hàn Quốc sau lộ trình cam kết 10-15 năm đối với phần lớn mặt hàng thủy sản của Việt Nam sẽ mở ra cơ hội mới cho Việt Nam xuất khẩu mặt hàng có thể mạnh này vào thị trường các nước RCEP một cách nhanh chóng và thuận lợi hơn.

Nhờ vào việc hài hòa quy tắc xuất xứ trong Hiệp định RCEP, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam có thể tăng khả năng đáp ứng điều kiện để hưởng ưu đãi thuế quan do nguồn cung nguyên liệu đầu vào chủ yếu đều nằm trong RCEP nhằm gia tăng khả năng xuất khẩu trong khu vực này.

Đồng quan điểm này, bà Nguyễn Thị Thu Trang – Giám đốc Trung tâm WTO và hội nhập, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết: RCEP không chỉ có lợi thế về một thị trường có 2,2 tỷ người tiêu dùng, Hiệp định này bao phủ gần như toàn bộ chuỗi sản xuất các sản phẩm xuất khẩu có thế mạnh của Việt Nam.

Hiện nay, Việt Nam đang nhập nguyên liệu từ Nhật Bản, Hàn Quốc để sản xuất hàng điện tử, nhập khẩu nguyên liệu chủ yếu từ Trung Quốc, Hàn Quốc để sản xuất hàng dệt may… Khi RCEP có hiệu lực sẽ tạo ra các ưu đãi thuế quan nhiều nhất cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam và các thành viên khi được áp dụng quy tắc xuất xứ nội khối. Đây cũng chính là điểm khác biệt lớn nhất của hiệp định RCEP so với các hiệp định khác mà Việt Nam đã ký kết.

Tuy nhiên, bà Nguyễn Thị Thu Trang – Giám đốc Trung tâm WTO và hội nhập cũng đưa ra những thách thức không nhỏ mà doanh nghiệp Việt Nam cần phải vượt qua khi tham gia vào RCEP.

“Lợi ích của RCEP chủ yếu nằm ở câu chuyện hài hòa các quy tắc về xuất xứ và thuế quan. Vì vậy, để tận dụng được, doanh nghiệp phải chủ động tìm hiểu để đáp ứng quy tắc xuất xứ cho tốt nhất. Thứ 2 là khả năng RCEP sẽ tạo ra cạnh tranh mạnh hơn. Ở đây tôi muốn nói cạnh tranh không chỉ ở thị trường trong nước đâu mà cạnh tranh ở cả trong thị trường RCEP. Ví dụ như hiện nay giữa Trung Quốc và Nhật Bản là họ chưa có hiệp định thương mại tự do – FTA, nhưng với RCEP họ sẽ có thương mại tự do.. Như vậy là cạnh tranh của chúng ta với thị trường Nhật Bản sẽ tăng lên mà trực tiếp là đối với đối thủ cạnh tranh là Trung Quốc chẳng hạn” – bà Nguyễn Thị Thu Trang nói.

Đại diện Vụ thương mại đa biên, cơ quan tham gia đàm phán Hiệp định RCEP cũng cho hay, RCEP mang lại sức ép cạnh tranh hàng hóa cho Việt Nam do nhiều đối tác trong RCEP có cơ cấu sản phẩm tương tự Việt Nam nhưng năng lực cạnh tranh, hàm lượng giá trị gia tăng cũng cao hơn so với khả năng hiện tại của Việt Nam. Đặc biệt, Trung Quốc với lợi thế hàng hóa phong phú, giá rẻ cũng sẽ đặt ra những thách thức lớn đối với các mặt hàng nông, thủy sản của Việt Nam. Điều đó cho thấy, ngay cả khi mặt hàng nông, thủy sản là thế mạnh của ta nhưng cũng chính là thách thức cạnh tranh trong khu vực RCEP.

Vì vậy, khi tham gia vào bất kỳ Hiệp định thương mại tự do nào – nhất là với những thành viên có trình độ kỹ thuật cao hơn – sẽ tạo ra những thách thức rất lớn đối với các sản phẩm hàng hoá của Việt Nam, đòi hỏi các doanh nghiệp phải coi trọng đầu tư công nghệ, kỹ năng quản trị… để nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm.

Nguồn: vov.vn