Hiệu quả trong quản lý nợ công
Ngày 26/1/2021, tại Hà Nội, Bộ Tài chính phối hợp cùng Ngân hàng Phát triển Châu Á, Quỹ Tiền tệ Quốc tế và các chuyên gia quốc tế tổ chức Hội thảo về “Quản lý Nợ nước ngoài của quốc gia” nhằm đánh giá tổng quan về khuôn khổ và công cụ quản lý nợ nước ngoài của quốc gia, thực trạng nợ của quốc gia trong 10 năm qua.
Phát biểu tại Hội nghị, ông Võ Hữu Hiển – Phó Cục trưởng Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại (Bộ Tài chính) cho biết: Kể từ năm 2009, Luật Quản lý nợ công năm 2009 được ban hành đã giúp cho công tác quản lý nợ ngày càng đi vào nề nếp, đến năm 2017 Luật Quản lý nợ công được sửa đổi đã nâng cao hiệu quả quản lý nợ công.
Nhờ đó, nợ nước ngoài của quốc gia trong 5 năm qua không quá 50% GDP, nghĩa vụ trả nợ nước ngoài của quốc gia dưới 25% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa, dịch vụ. Cơ cấu dư nợ nước ngoài của Chính phủ giảm dần, từ 59,7% năm 2010 xuống còn 35,3% trong năm 2020. Nợ vay nước ngoài được Chính phủ bảo lãnh cũng đang có xu hướng giảm dần, từ 10,5% năm 2010 xuống 6% năm 2020.
Đến nay, Việt Nam đã ký kết trên 85 tỷ USD vốn ODA, ưu đãi. Chính phủ cũng đã cấp bảo lãnh vay nước ngoài tổng trị giá 23,6 tỷ USD/120 dự án. Theo đánh giá của Bộ Tài chính, điều kiện vay tương đối thuận lợi, góp phần bổ sung vốn cho đầu tư phát triển của Việt Nam, sử dụng cho nhiều dự án quan trọng, quy mô lớn, đòi hỏi yêu cầu kỹ thuật và công nghệ cao, tạo ra bước ngoặt mới trong sự phát triển một số ngành kinh tế mũi nhọn như giao thông, khai thác dầu khí, viễn thông, điện lực, hàng không… Các nguồn vốn nước ngoài đã tạo điều kiện khai thông quan hệ tài chính-tín dụng với các tổ chức quốc tế và chính phủ nước ngoài, đóng góp lớn vào thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội.
Chỉ tiêu trần nợ nước ngoài của quốc gia so với GDP được duy trì trong giới hạn an toàn được Quốc hội phê chuẩn. Nợ nước ngoài của khu vực công (nợ Chính phủ và Chính phủ bảo lãnh) được kiểm soát chặt chẽ. Tỷ trọng nợ nước ngoài của khu vực công có xu hướng giảm nhanh trong cơ cấu nợ nước ngoài của quốc gia, từ 73,6% năm 2010 xuống mức 63,4% năm 2015 và 43,7% năm 2020. Tốc độ tăng dư nợ nước ngoài của khu công cũng được kiểm soát chặt chẽ, từ mức trung bình 13%/năm giai đoạn 2011-2015 giảm xuống còn khoảng 3%/năm giai đoạn 2016-2020, góp phần bồi đắp dư địa chính sách, kiềm chế nghĩa vụ nợ trực tiếp và dự phòng của ngân sách nhà nước.
Xem xét, điều chỉnh chính sách và công cụ quản lý nợ nước ngoài
Theo các chuyên gia Quỹ Tiền tệ Quốc tế, Ngân hàng Thế giới, Việt Nam đã trở thành quốc gia thu nhập trung bình thấp, các thành phần kinh tế, bao gồm cả Chính phủ lẫn khu vực tư nhân, đã có khả năng tiếp cận vay nước ngoài theo điều kiện thị trường. Trong bối cảnh này, các cơ quan quản lý cần tiếp tục nghiên cứu, cập nhật kiến thức, kinh nghiệm quốc tế để xây dựng chính sách, công cụ quản lý nợ nước ngoài của quốc gia cho phù hợp hơn với tính năng động của công tác vay nợ trong tình hình mới.
Theo đó, Chính phủ Việt Nam nên xem xét, điều chỉnh chính sách và công cụ quản lý nợ nước ngoài của quốc gia cho phù hợp hơn với đặc điểm rủi ro của mỗi cấu phần nợ và điều kiện phát triển của nước ta.
Việc cải cách cơ chế nợ nước ngoài cần soạn thảo và công bố kế hoạch tự do hóa dòng vốn, qua đó định hướng cho cải cách cơ chế hiện hành và thay thế trong bối cảnh tự do hóa các biện pháp kiểm soát các loại hình dòng vốn khác. Cải cách cơ chế quản lý nợ nước ngoài cần chú ý các nội dung chính như: Loại bỏ khu vực tư nhân ra khỏi mức trần trung hạn, ban hành các công cụ thay thế để quản lý vay nước ngoài, đơn giản hóa thủ tục hành chính, đảm bảo tính đồng bộ trong các quy định về vay vốn và phát hành chứng khoán ở nước ngoài, phân tích dữ liệu định kỳ để xác định ra những xu hướng bất lợi nhằm điều chỉnh chính sách….
Nguồn: tapchitaichinh.vn