English
11/092020
“Nóng” trái phiếu doanh nghiệp địa ốc

Chỗ ồ ạt phát hành, người gấp rút mua lại

Mới đây, Tập đoàn Apec – đơn vị đang phát triển hàng loạt dự án bất động sản như Apec Aqua Park Bắc Giang, Apec Mandala Bắc Ninh, Apec Golden Valley Mường Lò và loạt dự án hợp tác với Tập đoàn Windham (Hoa Kỳ) – đã gây sốc toàn thị trường khi đưa ra gói trái phiếu lãi suất 18%/năm.

Gói trái phiếu mang tên Happy 18 Bond trị giá 3.000 tỷ đồng dự kiến phát hành ngay trong tháng 9/2020 và ông Hán Kông Khanh, đại diện Apec Group giải thích, Tập đoàn đang trong giai đoạn phát triển mạnh các dự án bất động sản lớn, đồng thời có kế hoạch thâu tóm nhiều khu đất vàng tiềm năng nên rất cần bổ sung vốn lưu động.

So với mức lãi suất trái phiếu doanh nghiệp trung bình khoảng 9,3%/năm thì gói trái phiếu Happy 18 Bond có lợi suất gấp đôi nếu khách hàng chọn kỳ hạn 5 năm, nhận lãi một lần duy nhất vào cuối kỳ. Như vậy, vào thời điểm đáo hạn, lợi suất nhận được là 90% – một mức lãi suất kỷ lục vào thời điểm hiện tại.

Trên thị trường, dù mức lãi suất thấp hơn của Apec, nhưng số lượng doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp địa ốc phát hành trái phiếu vẫn đang phình ra.

Thống kê của Công ty chứng khoán SSI cho thấy, trong 6 tháng đầu năm, tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp phát hành đạt mức 171.500 tỷ đồng với riêng giá trị trái phiếu phát hành riêng lẻ đạt 161.550 tỷ đồng (chiếm 94,2%). Trong đó, 70% chủ thể phát hành là các ngân hàng và công ty bất động sản và bất động sản trở thành nhóm phát hành trái phiếu lớn nhất thị trường với lượng phát hành lên tới 71.600 tỷ đồng, tăng 57,5% so với cùng kỳ và chiếm xấp xỉ 42% tổng giá trị phát hành.

Trong tháng 7/2020, xu hướng này tiếp tục khi theo số liệu công bố của HNX, các doanh nghiệp đăng ký phát hành 75.591 tỷ đồng trái phiếu. Trong đó, 27 doanh nghiệp phát hành thành công, với tổng giá trị đạt 19.944 tỷ đồng, giảm 53% so với tháng 6/2020.

Cùng với dư nợ trái phiếu lớn, lãi suất huy động của các doanh nghiệp bất động sản trong 6 tháng đầu năm nay cũng khá cao, phổ biến trên 11%/năm. Mức lãi suất phát hành trên thị trường sơ cấp trong 6 tháng đầu năm cao nhất ghi nhận được là lô 1.598 tỷ đồng trái phiếu kỳ hạn 18 – 30 tháng của Công ty cổ phần City Garden với lãi suất 13,3%/năm. Các doanh nghiệp như Công ty Đầu tư IDJ Việt Nam, Thủy điện Nậm La… phát hành trái phiếu với lãi suất 13%/năm.

Sự dịch chuyển huy động vốn từ kênh tín dụng ngân hàng sang kênh phát hành trái phiếu doanh nghiệp, hướng tới việc phát triển cân bằng hơn giữa kênh thị trường vốn và kênh tín dụng ngân hàng phù hợp với “Lộ trình phát triển thị trường trái phiếu Việt Nam giai đoạn 2017 – 2020, tầm nhìn đến năm 2030” và Đề án “Cơ cấu lại thị trường chứng khoán và thị trường bảo hiểm đến năm 2020 và định hướng đến năm 2025” đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Tuy nhiên, việc nhiều doanh nghiệp liên tục phát hành trái phiếu mà không công bố mục địch sử dụng vốn, hoặc phát hành vượt quá quy mô vốn chủ sở hữu…, tiềm ẩn rủi ro cho cả doanh nghiệp phát hành và trái chủ. Việc nhiều doanh nghiệp đang phải gấp rút mua lại trước hạn các trái phiếu đã phát hành cho thấy họ khá mệt mỏi với việc trả lãi trái phiếu.

Chẳng hạn, trong tháng 7/2020, Công ty TNHH Mỹ Anh NT đã có 3 lần mua lại các lô trái phiếu trước hạn với giá trị lên tới 676 tỷ đồng. Mỹ Anh NT là chủ đầu tư dự án Khu biệt thự nghỉ mát sinh thái Nha Trang View Resort tại xã Phước Đồng, TP. Nha Trang, Khánh Hoà. Dự án được cấp phép ngày 4/1/2017 và ngay trong năm 2017, Công ty đã có 7 đợt phát hành trái phiếu với tổng số tiền huy động là 1.000 tỷ đồng.

Tuy nhiên, dự án chậm triển khai trong khi vẫn phải chi trả các khoản lãi trái phiếu hàng tháng khiến năm 2019, doanh nghiệp này phải chịu lỗ hơn 14 tỷ đồng; trong đó, riêng chi phí lãi vay phải trả lên tới 96,28 tỷ đồng. Trong 6 tháng đầu năm 2020, chi phí lãi vay của Mỹ Anh NT lên tới 61,47 tỷ đồng.

Cần sớm có tổ chức định hạng trái phiếu

Ông Nguyễn Hoàng Hải, Phó chủ tịch Hiệp hội các nhà đầu tư tài chính (VAFI) nhận xét, những trường hợp doanh nghiệp hoạt động trồi sụt bởi áp lực trả nợ vay trái phiếu tuy chưa phổ biến trên diện rộng nhưng cũng đã phát đi những tín hiệu cảnh báo đầu tiên cho toàn thị trường trái phiếu, bao gồm cả nhà phát hành, đơn vị môi giới cũng như nhà đầu tư.

Tại thị trường trái phiếu Trung Quốc, dù cơ chế giám sát khá chặt nhưng nguy cơ vỡ nợ trái phiếu doanh nghiệp đã được cảnh báo đỏ khi năm 2019 ghi nhận kỷ lục các khoản nợ không thể trả đúng hạn với 142 tỷ USD. Kể từ đầu năm tới ngày 20/8/2020, số nợ trái phiếu không thể thanh toán tại thị trường Trung Quốc phát sinh thêm 70 tỷ USD.

Liên quan đến rủi ro thanh toán của doanh nghiệp bất động sản, theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính – ngân hàng, một thực tế cho thấy, nhiều nhà đầu tư trên thị trường mua trái phiếu doanh nghiệp vì ham lãi suất cao, nhưng không hề biết phân tích báo cáo tài chính, chưa từng nghe tên về doanh nghiệp phát hành, chỉ mua trái phiếu do tin tưởng ngân hàng là đơn vị phát hành. Điều này rất ngây thơ, bởi ngân hàng chỉ là đơn vị phân phối, không hề chịu ràng buộc trách nhiệm nào nếu rủi ro xảy ra.

Tại Việt Nam hiện chưa có công ty định mức tín nhiệm nào cung cấp nghiệp vụ định hạng trái phiếu doanh nghiệp, trong khi việc tự đánh giá các trái phiếu vượt quá khả năng của các nhà đầu tư cá nhân.

Ngay cả khi Nghị định 81/2020/NĐ-CP theo hướng siết chặt việc phát hành riêng lẻ trái phiếu doanh nghiệp có hiệu lực, chỉ cho phép nhà đầu tư chuyên nghiệp tham gia vào đầu tư trái phiếu, mức độ rủi ro dường như cũng chỉ giảm đi một phần, nhất là khi nhà đầu tư cá nhân hiện nay tiếp nhận thông tin đánh giá mang tính một chiều từ phía công ty chứng khoán hay các ngân hàng thương mại. Đặc biệt, thời gian vừa qua, có nhiều cái tên khá lạ lẫm phát hành hàng trăm tỷ đồng trái phiếu.

Chẳng hạn như trường hợp Công ty TNHH Bất động sản Vĩnh Xuân (Công ty Vĩnh Xuân) có trụ sở tại quận Phú Nhuận, TP.HCM hồi cuối tháng 7/2020 đã phát hành thành công lô trái phiếu giá trị 300 tỷ đồng, với kỳ hạn 36 tháng. Đây là loại trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền, có bảo đảm bằng tài sản, phát hành vào ngày 10/7/2020. Không có chi tiết về những nhà đầu tư tham gia mua lô trái phiếu này, nhưng thông tin cho biết, trái chủ là nhà đầu tư tổ chức trong nước.

Cũng trong tháng 7/2020, một cái tên khá xa lạ khác là Công ty TNHH Điền Phát Land đã phát hành thành công lô trái phiếu có tổng giá trị lên tới 770 tỷ đồng. Với kỳ hạn 5 năm, lãi suất cố định của lô trái phiếu là 10%/năm trong năm đầu tiên.

Theo đại diện Công ty cổ phần Chứng khoán Hải Phòng, đơn vị phân phối nhiều lô trái phiếu trong thời gian vừa qua, việc tham gia đầu tư trái phiếu doanh nghiệp trên thị trường thứ cấp với khoảng thời gian ngắn 3 – 9 tháng vẫn có thể đạt lợi suất cao từ 7,5 – 9%/năm (thường cao hơn 1,5 lần lãi suất tiết kiệm ngân hàng có cùng thời gian đáo hạn).

Tuy nhiên, nhà đầu tư nhỏ lẻ nên tìm hiểu các thông tin về tổ chức phát hành, đại lý phân phối và nên lựa chọn các trái phiếu doanh nghiệp mới phát hành, có thời gian đáo hạn dài. Thời gian nắm giữ trái phiếu doanh nghiệp chỉ nên từ 3 – 6 tháng.

Hết thời gian nắm giữ, các nhà đầu tư có thể xem xét mua tiếp hoặc chuyển loại mới; đồng thời nên phân bổ cho nhiều loại trái phiếu của các doanh nghiệp khác nhau để phân tán rủi ro.

Nguồn: báo đầu tư