English
08/082019
Phòng vệ khi Mỹ – Trung “so găng” tiền tệ (*): Sức ép lãi suất, tỉ giá không lớn

Thực tế cho thấy, mâu thuẫn giữa Mỹ và Trung Quốc không chỉ là quan hệ thương mại mà còn liên quan đến lĩnh vực khác, nhất là vấn đề sở hữu trí tuệ vì Mỹ cho rằng phần lớn các phát minh, sáng chế của họ đều bị doanh nghiệp (DN) Trung Quốc sao chép để sản xuất hàng hóa rồi xuất khẩu sang Mỹ.

Mức tác động chưa lớn

Hiện nay, thặng dư thương mại giữa hai quốc gia này lên tới 400 tỉ USD. Nghĩa là hàng hóa Trung Quốc xuất sang Mỹ đạt 500 tỉ USD, Trung Quốc nhập từ Mỹ chỉ khoảng 100 tỉ USD hàng hóa. Từ đó, Trung Quốc dẫn đầu trong số 5 quốc gia xuất siêu lớn nhất ở Mỹ.

Phòng vệ khi Mỹ - Trung so găng tiền tệ (*): Sức ép lãi suất, tỉ giá không lớn - Ảnh 1.

Nhiều ý kiến nhận định những căng thẳng tiền tệ giữa Mỹ – Trung gần đây sẽ tác động không quá lớn đến tỉ giá và lãi suất tại Việt Nam

Ảnh: TẤN THẠNH

Không chỉ vậy, từ tháng 4 đến tháng 12-2018, Trung Quốc phá giá đồng nhân dân tệ (NDT) lên tới 9,5% làm cho hàng hóa Trung Quốc xuất sang Mỹ ngày càng nhiều, thâm hụt thương mại giữa hai nước ngày càng lớn.

Ngày 3-8 vừa qua, Tổng thống Mỹ tuyên bố áp thuế bổ sung 10% lên 300 tỉ USD hàng hóa còn lại của Trung Quốc từ ngày 1-9 tới, lập tức Bắc Kinh hạ tỉ giá tham chiếu giữa NDT và USD xuống mức thấp nhất kể từ tháng 12 năm ngoái, khiến tỉ giá NDT trên thị trường giảm quá mốc 7 NDT đổi 1 USD lần đầu tiên kể từ năm 2008 – một yếu tố mà Mỹ không mong muốn vì với tỉ giá này sẽ làm xuất siêu của Trung Quốc vào Mỹ càng lớn hơn nữa, đồng thời cũng tác động nhất định đến thị trường tài chính toàn cầu, bao gồm cả Việt Nam.

Tuy vậy, quan sát thị trường lãi suất ở Việt Nam những ngày nay chưa có dấu hiệu biến động. Cụ thể, lãi suất liên ngân hàng (NH) kỳ hạn qua đêm, kỳ hạn 1 tuần vẫn ổn định ở mức thấp dưới 3%/năm. Còn lãi suất tiền gửi tại các NH thương mại thì “án binh bất động”. Riêng lãi suất kỳ hạn dài tăng cách đây vài tháng, theo tôi không liên quan đến cuộc chiến tiền tệ Mỹ – Trung mà nguyên nhân chủ yếu là do một số NH nhỏ muốn tăng cường thu hút vốn từ dân cư nhằm chuẩn bị cho lộ trình giảm tỉ lệ sử dụng vốn ngắn hạn để cho vay dài hạn về mức 30%. Chưa kể, các NH thương mại phải tuân thủ quy định về an toàn vốn của NH Nhà nước, khiến họ phải tăng lãi suất tiền gửi để tăng sức huy động vốn. Tuy nhiên, đến thời điểm này, lãi suất tiết kiệm đã có dấu hiệu khựng lại.

Trong khi đó, thị trường ngoại tệ lại có nhiều biến động. Từ đầu tháng 8 đến nay, Trung Quốc đã phá giá NDT 2,5% khiến nhiều quốc gia khác cũng giảm giá nội tệ của mình từ 1%-3%. Tại Việt Nam, NH Nhà nước cũng điều chỉnh tỉ giá trung tâm ở mức độ vừa phải, phù hợp mức độ phá giá của 8 đồng tiền nằm trong rổ tiền tệ tính tỉ giá trung tâm, trong đó có NDT và USD. Còn tỉ giá VNĐ/USD tại các NH thương mại tăng 50 đồng/USD, sau đó lại giảm 80 đồng/USD.

Thế nhưng, do cung – cầu USD tại nước ta không mất cân đối, tỉ giá bình quân liên NH không nhúc nhích; đồng thời các chỉ số kinh tế vĩ mô, quan hệ thương mại Việt Nam với nhiều nước khác ổn định nên khi tỉ giá trung tâm tăng từ 23.100 đồng/USD (ngày 5-8) lên 23.115 đồng (ngày 6-8) thì tỉ giá VNĐ/USD tại các NH thương mại cũng tăng lên 23.340 đồng/USD. Đến ngày 7-8, khi tỉ giá trung tâm tiếp tục tăng thêm 2 đồng/USD nhưng tỉ giá của các NH thương mại lại hạ xuống còn 23.260 đồng/USD, ngang bằng với tỉ giá vào đầu tháng 1-2019.

Như vậy, việc NH Nhà nước tăng tỉ giá trung tâm ở mức độ hợp lý đã tác động không lớn đến thị trường. Điều này chứng tỏ tỉ giá tại Việt Nam ít chịu tác động từ cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung, mức độ phá giá của NDT và nhiều đồng tiền khác. Mặt khác, mức độ biến động của thị trường ngoại tệ nước ta từ đầu năm 2019 đến nay cho thấy chúng ta còn dư địa để điều chỉnh tỉ giá trong phạm vi 1%-2% như các năm trước. Chưa kể, nguồn cung USD của Việt Nam hiện khá dồi dào, tính thanh khoản của thị trường ngoại tệ tiếp tục ổn định, đủ sức bù trừ cho áp lực tỉ giá trước sức ép phá giá của nhiều đồng tiền khác.

Khó phá giá NDT quá nhiều

Tuy vậy, nhiều người vẫn quan ngại cuộc chiến thương mại, tiền tệ Mỹ – Trung trở nên căng thẳng. Đặc biệt, nếu Trung Quốc mạnh tay phá giá NDT so với USD, Việt Nam sẽ rơi vào tình thế “bánh mì kẹp thịt”. Bởi hàng hóa Việt Nam xuất sang Trung Quốc sẽ trở nên đắt đỏ, ảnh hưởng không tốt đến kim ngạch xuất khẩu.

Trong bối cảnh Mỹ tăng thuế đối với hàng hóa Trung Quốc, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) có xu hướng giảm lãi suất, Trung Quốc chỉ có vũ khí duy nhất là phá giá NDT. Thế nhưng, quốc gia này sẽ không dám phá giá quá nhiều. Bởi bài học lịch sử cho thấy giai đoạn 2007-2008, Trung Quốc từng phá giá 7 NDT ăn 1 USD. Lúc đó, nhiều nhà đầu tư nước ngoài thấy lợi ích của mình bị thiệt thòi, lập tức rút vốn ra khỏi thị trường Trung Quốc.

Như thế, nếu trong thời gian tới, quốc gia này tiếp tục phá giá NDT quá nhiều, tình trạng trên có thể tái diễn. Khi đó, nền kinh tế Trung Quốc có thể rơi vào khủng khoảng. Mặt khác, NDT bị phá giá còn làm gánh nặng nợ nước ngoài của doanh nghiệp Trung Quốc tăng lên, ảnh hưởng không tốt đến việc sản xuất hàng hóa, làm suy yếu khả năng trả nợ của họ.

Trong khi đó, ngoài việc áp thuế, Mỹ còn có lợi thế khác là giảm lãi suất và dự kiến sẽ giảm thêm trong thời gian tới. Theo đó, nếu Trung Quốc phá giá NDT, FED sẽ giảm thêm lãi suất. Với việc áp thuế hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc, Mỹ có thể tăng thêm nguồn thu ngân sách, tạo ra nhiều việc làm, kích thích kinh tế tăng trưởng. Còn việc giảm lãi suất USD sẽ giúp doanh nghiệp Mỹ gia tăng sản xuất hàng hóa nội địa lẫn xuất khẩu. Từ đó, Mỹ sẽ đạt được lợi ích kép về kinh tế.

Khi đó, thị trường tiền tệ tại Việt Nam sẽ giảm được áp lực, tỉ giá và lãi suất cũng có cơ hội ổn định.

Ý KIẾN

Đại diện Ngân hàng Nhà nước:

Cung – cầu ngoại tệ vẫn bình thường

Vài ngày qua, tỉ giá USD/VNĐ có thời điểm tăng nhưng sau đó đã giảm. Đến chiều 7-8, giá USD ở các NH thương mại giảm so với ngày trước, quanh mức 23.160 đồng/USD mua vào, 23.280 đồng/USD bán ra, giảm khoảng 60 đồng/USD so với mức giá trước đó.

Hiện NH Nhà nước đang tiếp tục theo dõi sát diễn biến thị trường trong nước và quốc tế để điều hành phù hợp. Dù tình hình cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung có diễn biến căng thẳng, đồng NDT giảm giá… nhưng cung – cầu ngoại tệ trong nước vẫn diễn ra bình thường, ổn định.

Ông NGÔ ĐĂNG KHOA, Giám đốc kinh doanh ngoại tệ và thị trường vốn Ngân hàng HSBC Việt Nam:

Tiền Việt Nam vẫn ổn định

Sự lao dốc của đồng NDT gần đây kéo theo rất nhiều đồng tiền khác trong khu vực. Đồng đô-la Úc, thường có mối tương quan chặt chẽ với NDT, mất giá 0,35%; các đồng tiền từ thị trường mới nổi chịu sự mất giá nặng nề hơn, như đồng won Hàn Quốc giảm 1%, xuống mức thấp nhất 3 năm, giảm 0,7%; đồng peso Mexico giảm 1%, đồng rupee Ấn Độ giảm 1,2%.

Trong bối cảnh như vậy, tỉ giá trung tâm VNĐ/USD đã tăng 10 đồng, lên mức cao kỷ lục 23.100 đồng/USD ngày 5-8 và 23.115 đồng/USD ngày 6-8, tiếp tục tăng lên 23.117 đồng/USD vào sáng 7-8. Điều này cho thấy VNĐ tiếp tục thể hiện xu hướng dao động trong biên độ ổn định, bất chấp những biến động mạnh trên thị trường quốc tế, đồng thời tâm lý thị trường không bị ảnh hưởng tiêu cực. Nhu cầu ngoại tệ hợp pháp của khách hàng vẫn được đáp ứng kịp thời, đầy đủ.

Ông NGUYỄN TIẾN HOÀNG, Công ty Chứng khoán Rồng Việt:

Lòng tin thị trường chứng khoán sụt giảm

Thời gian qua, chiến tranh thương mại Mỹ – Trung đã làm ảnh hưởng đến thị trường chứng khoán rất nhiều, chỉ số giảm mạnh ở tất cả thị trường. Các nhà đầu tư không biết được khi nào chiến tranh thương mại kết thúc và họ cứ chờ, kỳ vọng nên đã không dám mua vào. Điều này đã làm cho thanh khoản trên thị trường giảm sâu. Dòng tiền đã đứng ngoài trong một thời gian khá dài. Với thực tế như vậy, để quay lại thị trường, nhà đầu tư cần mất thêm thời gian để thị trường xây dựng lòng tin. Trong khi cứ mỗi đợt đàm phán giữa Mỹ – Trung Quốc, giới đầu tư kỳ vọng, rồi thất vọng… khiến cảm xúc của họ chai lì. Vì vậy, họ cần có một động thái rõ ràng hơn, một hành động đủ mạnh thông qua các hiệp định chắc chắn…

Ngoài ra, trong thời gian vừa qua, chúng tôi nhận thấy có một điều đáng lưu ý đó là dòng tiền nước ngoài vào các quỹ ETF (quỹ hoán đổi danh mục) đã có sự thay đổi rõ nét. Nếu ở tháng 6 họ mua ròng, sau đó tháng 7 họ bán ra nhiều nhưng tháng 8 này kỳ vọng họ sẽ quay lại nhưng không đủ lực để có thể hỗ trợ thị trường chứng khoán bởi nhiều yếu tố từ cuộc chiến tranh thương mại.

Riêng về chiến tranh tiền tệ, rất khó xảy ra dù trước mắt đồng NDT đã có biến động trong hơn 1 tuần qua nhưng chính phủ Trung Quốc sẽ không để cho đồng NDT mất giá nhiều.