English
27/112020
Phục hồi ngân sách hậu Covid-19: Vì sao các chuyên gia khuyến khích chưa tăng thuế?

Ngân sách ảnh hưởng nặng nề sau Covid-19

Theo báo cáo của Vụ Ngân sách nhà nước (Bộ Tài chính), đến nay NSNN đã chi khoảng 17,77 nghìn tỷ đồng phòng, chống dịch và hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 theo Nghị quyết số 37/NQ-CP ngày 29/3/2020 và Nghị quyết số 42/NQ-CP ngày 09/4/2020 của Chính phủ.

Kết hợp với việc thực hiện các chính sách miễn, giảm, gia hạn thuế, phí và tiền thuê đất để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất – kinh doanh của doanh nghiệp, đã ảnh hưởng đến số thu, chi NSNN. Cụ thể, tổng thu NSNN lũy kế ước đạt 779,8 nghìn tỷ đồng, bằng 51,6% dự toán, giảm 13,1% so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó, thu nội địa đạt 51,4% dự toán, giảm 10,6%; thu về dầu thô đạt 65,4% dự toán, giảm 32,6%; thu cân đối ngân sách từ hoạt động xuất nhập khẩu đạt 51,2% dự toán, giảm 20,5% so cùng kỳ năm 2019.

Chỉ có 6/12 khoản thu nội địa đảm bảo tiến độ dự toán (đạt trên 58%), nhưng chủ yếu là các khoản thu nhỏ hoặc tiền sử dụng đất, 6 khoản thu còn lại không đảm bảo tiến độ dự toán và giảm mạnh so cùng kỳ năm 2019.

Ngoài nguyên nhân do tác động của dịch Covid-19, số thu NSNN 7 tháng còn bị ảnh hưởng một phần do điều chỉnh chính sách thu theo Nghị định số 41/2020/NĐ-CP ngày 08/4/2020 của Chính phủ về việc gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất cho các doanh nghiệp, tổ chức, hộ gia đình và cá nhân kinh doanh bị ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Tính đến 20/7/2020, tổng số tiền được gia hạn khoảng 47,6 nghìn tỷ đồng.

Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), các chính phủ và ngân hàng trung ương các nước trên thế giới đã cam kết chi khoảng 19.500 tỷ USD kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát để “giải cứu” nền kinh tế. IMF nhận định một số quốc gia thậm chí cần bơm nhiều tiền hơn nữa để đưa nền kinh tế vượt qua khủng hoảng, CNN cho biết.

Cụ thể, tính tới tháng 9/2020, các chính phủ trên thế giới đã công bố các gói kích thích kinh tế trị giá gần 12.000 tỷ USD, còn các ngân hàng trung ương đã “bơm” ít nhất 7.500 tỷ USD để giảm bớt tác động của đại dịch Covid-19 lên nền kinh tế. Chính phủ Mỹ đã cam kết bơm ra thị trường gói kích cầu trị giá 3000 tỷ USD, cùng với đó các cường quốc lớn như Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc và các nước trong khối EU đều phải đưa ra các gói kích cầu có giá trị lớn nhằm cứu vớt tình trạng khủng hoảng của nền kinh tế.

Việc bơm tiền hay đưa ra nhiều gói kích cầu có giá trị lớn ra thị trường sẽ chồng chất nợ nhiều hơn cho các quốc gia, vốn đang phải vật lộn với hậu quả từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008-2009.

Phục hồi ngân sách hậu Covid-19: Vì sao các chuyên gia khuyến khích chưa tăng thuế? - Ảnh 1.

“Các quốc gia đang phải đối mặt với một chặng đường dài đầy khó khăn, không đồng đều, bất ổn và nhiều rủi ro thất bại”, Kristalina Georgieva, giám đốc điều hành của IMF, nhận xét.

Phục hồi ngân sách hậu Covid-19: Vì sao các chuyên gia khuyến khích chưa tăng thuế? - Ảnh 2.

Có nên tăng thuế?

Đứng trước những gánh nợ lớn, một số quốc gia đang xem xét biện pháp tăng thuế trong những năm tới để khổi phục ngân sách. Tuy nhiên, theo ý kiến chuyên gia, đây không phải là một biện pháp thực sự hiệu quả. Tại Việt Nam rất nhiều các chuyên gia đã đưa ra quan điểm về chính sách thuế nhằm khắc phục hậu quả sau đại dịch.

Tiêu biểu như ngành bia, rượu, nước giải khát – đặc biệt chịu nhiều khó khăn do tác động kép của dịch COVID-19 và Nghị định 100/2019 về xử phạt vi phạm giao thông. PGS.TS Ngô Trí Long, Chuyên gia kinh tế cho biết, sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp ngành này bị giảm sút từ 20-40%, chỉ số sản xuất giảm và chỉ số tồn kho tăng lên.

“Dự báo, việc giảm sản lượng tiêu thụ rượu bia, nước giải khát có thể dẫn đến giảm nguồn thu ngân sách nhà nước khoảng 30.000 tỷ đồng trong năm 2020 gồm việc giảm các khoản đóng góp từ doanh nghiệp sản xuất bia rượu và doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ liên quan đến bia rượu”, PGS.TS Ngô Trí Long cho biết.

Ông Nguyễn Văn Việt, Chủ tịch Hiệp hội Bia – rượu – Nước giải khát Việt Nam (VBA) cho biết, Hiệp hội mong muốn Thủ tướng cùng các bộ, ngành… kiến nghị Chính phủ, Bộ Tài chính

tiếp tục duy trì sự ổn định về mặt chính sách, đặc biệt là các chính sách về thuế, phí, đồng thời tiếp tục nghiên cứu, ban hành các giải pháp hỗ trợ để doanh nghiệp có thể đóng góp tốt hơn cho sự phát triển kinh tế.

Ngoài ra, chi phí thuế tăng có thể sẽ làm giảm tốc độ tăng trưởng kinh tế. Trong bối cảnh tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam đang có dấu hiệu suy giảm, đặc biệt sau những tác động tiêu cực của dịch Covid-19 thì việc tăng thuế sẽ càng làm trầm trọng thêm thực trạng này. Đồng thời, thuế tăng cũng ảnh hưởng đến sức mua và doanh thu của các doanh nghiệp, kéo theo đó doanh nghiệp sẽ phải cắt giảm nhân lực để bù lỗ, gây hiện tượng thất nghiệp cao.

Hiện tại Việt Nam vẫn đang là quốc gia có thu nhập trung bình thấp đạt 3500 USD/người, đừng thứ 6/11 ở Đông Nam Á, vì vậy việc tăng thuế, dù là thuế gián thu tác động như nhau lên tất cả đối tượng, nhưng do người có thu nhập thấp vẫn chiếm đa số nên chịu ảnh hưởng nhiều nhất sẽ là người nghèo.

Các nhà kinh tế thế giới nhận định rằng, việc các chính phủ ngừng các gói cứu trợ, tăng thuế quá sớm có thể cản trở đà phục hồi của nền kinh tế. Ông Neal Shearing, Kinh tế trưởng Capital Economics, cho rằng đây là “rủi ro lớn nhất” mà các nền kinh tế trên thế giới phải đối mặt trong ngắn hạn.

Từ tình hình thực tế của nền kinh tế cho thấy, hiện tại tăng thuế vẫn chưa phải là chính sách hợp lý để khắc phục hậu quả sau đại dịch, ngược lại chính phủ cần thực hiện các biện pháp giảm trừ thuế nhằm thúc đẩy doanh nghiệp gia tăng sản xuất, tạo đà tăng trưởng kinh tế. Đây cũng là giải pháp bền vững và hiệu quả để phục hồi ngân sách Nhà nước: Hỗ trợ và khuyến khích sự phục hồi của các doanh nghiệp là hướng đi bền vững để phục hồi ngân sách Nhà nước trong tương lai.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết: “Việc giảm thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp của năm 2020 đối với nhóm doanh nghiệp có quy mô nhỏ – đối tượng dễ bị tổn thương trước tác động tiêu cực của nền kinh tế, sẽ góp phần hỗ trợ các doanh nghiệp vượt qua khó khăn do tác động của dịch Covid-19, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp có quy mô nhỏ tích tụ vốn để phát triển sản xuất kinh doanh, nâng cao khả năng cạnh tranh”.

Tuy nhiên việc miễn giảm thuế cũng cần được thực hiện một cách cẩn trọng, đúng đối tượng tránh tình trạng các doanh nghiệp lớn trục lợi từ chính sách ưu đãi thuế của nhà nước. PGS.TS Phạm Thế Anh, Kinh tế trưởng, Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) cho rằng: “Các biện pháp hỗ trợ như ưu đãi thuế thuế thu nhập doanh nghiệp hiện nay là không hiệu quả và không thực chất, bởi chính sách này chỉ giúp cho một số doanh nghiệp không bị ảnh hưởng hoặc đang hưởng lợi, chứ không cứu được đa số doanh nghiệp đang gặp khó khăn trong nền kinh tế hiện nay”.

Nguồn: Nhịp sống kinh tế