Nguồn vốn vật chất sẽ trở nên vô giá trị nếu công ty sử dụng chúng bị phá sản, đó là một lý do tại sao năng suất, tiền lương và tăng trưởng kinh tế có thể bị ảnh hưởng trong nhiều năm tới.
Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump nói với chúng ta rằng một khi Covid-19 được kiểm soát và xã hội đủ an toàn để quay trở lại làm việc, nền kinh tế sẽ trở lại tuyệt vời như cũ. Ông ấy có đúng không?
Có ít nhất một lý do để nghĩ cho rằng ông Trump đúng. Rốt cuộc, không giống như một cơn bão hay động đất, đại dịch đã không gây ra thiệt hại cho vốn vật chất. Ông Trump và các cố vấn của ông lập luận rằng sản lượng sẽ phục hồi nhanh chóng đến mức trước khủng hoảng và tăng trưởng sẽ tiếp tục như trước đây.
Ngài Tổng thống thậm chí còn đảm bảo rằng nền kinh tế sẽ mạnh hơn bao giờ hết. Những người bỏ ý định mua sẽ đến đại lý ngay khi dịch kết thúc. Các công ty có kế hoạch mở rộng sẽ tăng gấp đôi đầu tư khi nền kinh tế mở cửa trở lại. Các đội bóng chày nếu không thể chơi vào mùa xuân sẽ lên lịch thi đấu hai lần vào mùa thu.
Thật không may, thực tế sẽ không như kịch bản màu hồng của ông Trump. Các hộ gia đình, cho dù hết dịch, vẫn sẽ tiết kiệm vì lo ngại tình hình biến động và tiếp tục ngừng ô tô. Các công ty sẽ không đầu tư mở rộng công suất cho đến khi họ có thể chắc chắn rằng virus sẽ không quay trở lại. Các quốc gia đang phát triển, bước vào và thoát khỏi cuộc khủng hoảng đại dịch muộn hơn Hoa Kỳ, sẽ khiến tình trạng thương mại xấu đi.
Tin tốt là, các chính phủ có thể sử dụng chi tiêu công như một giải pháp thay thế cho phần chi tiêu tư nhân bị hụt. Với lãi suất ở mức thấp, Mỹ vẫn có không gian cho các công cụ tài chính, mặc dù thâm hụt lớn đến đáng kinh ngạc.
Điều quan trọng là phải nhận ra rằng: kích thích tài khóa sẽ cần thiết trong một thời gian dài. Việc dừng chính sách tài khóa quá sớm, như Hoa Kỳ (và châu Âu) từng làm trong năm 2010, phải được chống lại.
Nhưng, còn một vấn đề lớn hơn: thiệt hại từ phía cung từ cuộc khủng hoảng không dễ dàng thay đổi như phía cầu.
Chắc chắn, chuỗi cung ứng sẽ phải được cơ cấu lại theo những cách tốn kém hơn. Ngay cả khi chi phí đắt đỏ hơn, các công ty cũng sẽ muốn sản xuất ở quê nhà, hoặc ít nhất là ở các quốc gia láng giềng. Họ đang cảm nhận được rủi ro cao thế nào nếu như dựa vào các hoạt động sản xuất ở các khu vực quá xa. Trong tình hình bất ổn, các chính phủ cũng sẽ khuyến khích tự cung tự cấp hàng hóa thiết yếu. Đối với các công ty, tăng cường bảo mật và sự chắc chắn sẽ phải đánh đổi bởi chi phí cao hơn và năng suất thấp hơn. Tức là người tiêu dùng sẽ phải mua hàng đắt hơn.
Nhưng cả hai tác động trên vẫn không nhằm nhò gì so với thiệt hại cho người lao động. Thất nghiệp trong một cuộc suy thoái có thể làm cuộc đời một người công nhân thay đổi vĩnh viễn. Họ ít có khả năng gắn bó lâu bền với nhà tuyển dụng. Tiền lương của họ có xu hướng thấp hơn (vì có nhiều người tái gia nhập thị trường lao động). Điều này không chỉ ảnh hưởng ngay sau đại dịch, mà trong nhiều thập kỷ, thậm chí trong suốt thời gian còn lại của họ. Tiền lương thấp hơn là một dấu hiệu cho thấy năng suất của những công nhân này sẽ bị suy giảm.
Nói cách khác, cho dù đại dịch không phá hủy vốn vật chất, thì nguy cơ thiệt hại cho vốn con người là rất đáng kể. Tại thời điểm tỷ lệ thất nghiệp ở Mỹ đang trên đường đạt 25% và cao hơn, đây là một vấn đề nghiêm trọng.
Thất nghiệp và khó khăn cũng có thể dẫn đến việc mất tinh thần làm việc, trầm cảm và các chấn thương tâm lý khác, làm giảm năng suất của công nhân. Chúng ta đã thấy điều này vào những năm 1930. Thời điểm đó, không chỉ ở tỷ lệ tham gia lực lượng lao động giảm, mà tỷ lệ tự tử còn tăng, và tỷ lệ kết hôn thì giảm. Những hậu quả tiêu cực này sẽ trở nên phổ biến, nhất là khi thất nghiệp tái diễn hoặc kéo dài.
Nguồn: ICTVietNam/Project Syndicate