English
10/062020
Quốc hội chờ phương án điều chỉnh chỉ tiêu kinh tế vĩ mô

PGS-TS Đinh Văn Nhã, Phó chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội cho biết, các cơ quan của Quốc hội đang chờ Chính phủ trình phương án điều chỉnh các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô, trong đó có đề nghị lùi thời hạn tăng lương cơ sở từ ngày 1/7/2020.

Quốc hội đã thảo luận về tình hình kinh tế – xã hội và ngân sách nhà nước tại tổ và đến cuối tuần, nội dung này sẽ được thảo luận tại Hội trường. Thưa ông, Quốc hội đã nhận được tờ trình về việc điều chỉnh các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô, trong đó có việc lùi thời hạn tăng lương cơ sở chưa?

Trong Báo cáo về phòng chống Covid-19 và những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phục hồi, phát triển kinh tế – xã hội trình bày tại Quốc hội trong Phiên khai mạc, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc có đặt vấn đề là điều chỉnh một số chỉ tiêu kinh tế vĩ mô như GDP, thu chi ngân sách, bội chi, lạm phát và dừng việc tăng lương cơ sở, lương hưu, trợ cấp đối tượng chính sách từ ngày 1/7/2020, nhưng đến thời điểm này, Ủy ban Tài chính – Ngân sách và các ủy ban của Quốc hội vẫn đang chờ Chính phủ có tờ trình chính thức.

Quốc hội đã thảo luận tại tổ về kinh tế – xã hội và ngân sách nhà nước, nhưng các đại biểu Quốc hội vẫn chưa nhận được tờ trình điều chỉnh một số chỉ tiêu kinh tế vĩ mô và tạm dừng tăng lương cơ sở, nên có lẽ, kỳ họp này chưa điều chỉnh. Tùy theo tình hình thực hiện Nghị quyết 01/NQ-CP (ngày 1/1/2020) về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2020 và Nghị quyết 84/NQ-CP (ngày 29/5/2020) về các nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công và bảo đảm an toàn xã hội trong bối cảnh đại dịch Covid-19 và kết quả đạt được, vào Kỳ họp thứ 10, Chính phủ sẽ đề nghị điều chỉnh.

Quan điểm của ông thế nào nếu điều này xảy ra?

Tôi nghĩ, hàng chục triệu người hưởng lương từ ngân sách nhà nước, hưởng lương hưu và trợ cấp xã hội chắc rất vui vì lương cơ sở sẽ tăng từ 1,49 triệu đồng/tháng lên 1,6 triệu đồng/tháng. Các đại biểu Quốc hội kỳ vọng Chính phủ chưa điều chỉnh các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô, không dừng việc tăng lương, mặc dù cân đối ngân sách nhà nước năm nay hết sức khó khăn; hoạt động sản xuất, kinh doanh từ đầu năm đến nay gặp khó khăn chưa từng có do Covid-19. Việc Chính phủ chưa trình phương án điều chỉnh tại kỳ họp này cho thấy, Chính phủ quyết tâm rất cao.

Nhưng ngân sách nhà nước năm nay dự kiến hụt thu khoảng 65.000 tỷ đồng, nếu vẫn tăng lương cơ sở lên 1,6 triệu đồng/tháng, thì sẽ trông vào đâu để cân đối?

Tôi chắc là Chính phủ đã tính toán rất kỹ. Năm nay, tổng các nguồn để thực hiện chính sách cải cách tiền lương và tinh giản biên chế là 61.523 tỷ đồng, trong đó, ngân sách trung ương bỏ ra khoảng 16.000 tỷ đồng, còn lại hơn 46.000 tỷ đồng do ngân sách địa phương bảo đảm.

Năm 2019, ngân sách nhà nước vượt thu 139.770 tỷ đồng, trong đó, ngân sách trung ương vượt thu 33.700 tỷ đồng và ngân sách địa phương vượt thu khoảng 106.000 tỷ đồng. Ngân sách trung ương và ngân sách địa phương sử dụng một phần trong số tiền này để tăng lương cơ sở. Ngoài ra, trong bối cảnh ngân sách nhà nước đặc biệt khó khăn, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu dừng việc đi học, công tác nước ngoài, hội thảo, hội nghị lễ tân, khánh tiết…, nên cũng tiết kiệm thêm được một khoản nữa để tăng lương.

Mọi năm, sau khi Quốc hội phê duyệt dự toán chi thường xuyên, Chính phủ yêu cầu các cơ quan, đơn vị tiết kiệm 10% (ngoài tiền lương) so với dự toán, năm nay, Chính phủ yêu cầu tiết kiệm thêm 10% nữa, nên tiết kiệm ra một khoản “kha khá” để tăng lương cơ sở lên 1,6 triệu đồng/tháng.

Có lẽ, đó là lời giải cho việc Chính phủ chưa chính thức kiến nghị Quốc hội tạm thời dừng việc tăng lương cơ sở.

Nếu hoạt động sản xuất – kinh doanh không khởi sắc, thì việc điều chỉnh sẽ được trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 10 vào cuối năm, thưa ông?

Nếu điều kiện không thuận lợi, tôi nghĩ, kỳ họp cuối năm nay, Chính phủ sẽ trình Quốc hội điều chỉnh một số chỉ tiêu kinh tế vĩ mô, nhưng việc tăng lương thì không lùi được vì lương cơ sở được tăng từ ngày 1/7, nhưng đến ngày 20/10, Quốc hội mới họp.

Còn việc điều chỉnh các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô, tôi cho rằng, nếu Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương quyết liệt trong việc thực hiện Nghị quyết 01/NQ-CP và Nghị quyết 84/NQ-CP, thì việc điều chỉnh (nếu có) cũng không nhiều.

Như vậy, vấn đề quan trọng nhất bây giờ là thực hiện các giải pháp đã đặt ra?

Đúng vậy. Tôi cho rằng, “giải pháp trong các giải pháp” lúc này là thực hiện các giải pháp được đặt ra trong 2 nghị quyết kể trên.

Trong đó, trước mắt, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công là một trong những công cụ được Chính phủ coi là đòn bẩy để phát triển kinh tế trong giai đoạn hiện nay. Đẩy mạnh bằng cách nào? Theo tôi là phải thay đổi lại ngay cách điều chuyển vốn đầu tư công. Thông thường, đến ngày 1/9, bộ, ngành, địa phương nào giải ngân chậm mới bị điều chuyển vốn, thì bây giờ, đến đầu quý II, nếu địa phương, bộ, ngành, dự án nào giải ngân chậm, thì điều chuyển vốn ngay cho bộ, ngành, địa phương, dự án khác.

Năm 2019 còn cỡ 15-18% số vốn chưa giải ngân hết, năm nay ước khoảng 15% vốn cũng sẽ bị chậm giải ngân. Như vậy, tổng cộng năm nay có khoảng 30% vốn đầu tư công bị chậm trễ, ước khoảng 210.000 tỷ đồng. Nếu điều chuyển ngay số vốn này cho các dự án giải ngân nhanh, đặc biệt là những dự án quy mô lớn, có mức độ lan tỏa cao, tác động tới nhiều vùng, nhiều ngành, thì nền kinh tế sẽ phục hồi nhanh chóng và như vậy, vào Kỳ họp Quốc hội cuối năm, chưa chắc phải điều chỉnh các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô.

Nguồn: baodautu.vn