English
28/012019
Sức khỏe của hệ thống tài chính đã tốt hơn

“Đến nay, hệ thống tài chính Việt Nam nói chung và hệ thống ngân hàng nói riêng đã có sự biến chuyển mạnh so với 10 năm trước. Đặc biệt, sau quá trình tái cơ cấu, chất lượng tài sản của các định chế tài chính đã lành mạnh hơn, năng lực tài chính được tăng cường”. Đây là đánh giá tổng quan về sự phát triển của thị trường tài chính trong năm qua của Quyền Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia Trương Văn Phước trên Thời báo kinh tế Việt Nam số Xuân Kỷ Hợi 2019. Ban Biên tập Website Ủy ban xin trích đăng lại.

Qua hoạt động giám sát thị trường tài chính tiền tệ, ông đánh giá thế nào về sự phát triển của hệ thống tài chính Việt Nam nói chung, hệ thống ngân hàng nói riêng trong năm 2018?

Hệ thống tài chính Việt Nam nói chung và hệ thống ngân hàng nói riêng đã có sự biến chuyển mạnh so với 10 năm trước đây. Vai trò cung ứng vốn của thị trường vốn cho nền kinh tế gia tăng, giảm bớt gánh nặng cho tín dụng ngân hàng. Tổng tài sản của các định chế tài chính liên tục được mở rộng, đạt 203% so với GDP. Mặc dù các TCTD vẫn chiếm tỷ trọng chủ yếu nhưng tốc độ tăng trưởng tổng tài sản của các định chế tài chính phi ngân hàng đang được cải thiện và gia tăng vai trò trên thị trường tài chính. Sau quá trình tái cơ cấu, chất lượng tài sản của các định chế tài chính đã lành mạnh hơn, nợ xấu được xử lý tích cực và năng lực tài chính được tăng cường, lợi nhuận đạt được kết quả khả quan, thanh khoản nhìn chung được đảm bảo. Việc áp dụng các chuẩn mực quản trị ngân hàng theo tiêu chuẩn quốc tế tốt hơn, hiện tại đã có Vietcombank và VIB được NHNN phê duyệt áp dụng tỷ lệ an toàn vốn theo Basel II.

Trong năm 2018, kinh tế Việt Nam tiếp tục đạt được những kết quả khả quan trong bối cảnh kinh tế và thương mại thế giới tăng trưởng chậm lại chủ yếu do chiến tranh thương mại và các điều kiện tài chính toàn cầu dần được thắt chặt hơn. Còn với thị trường tài chính, khi dòng vốn đầu tư gián tiếp vào các nền kinh tế mới nổi có xu hướng sụt giảm trước những bất ổn và rủi ro của kinh tế toàn cầu, thì thị trường Việt Nam vẫn là điểm đến thu hút dòng vốn ngoại. Tổng giá trị danh mục đầu tư của khối ngoại khoảng 35,3 tỷ USD, tăng 8,9% so với cuối năm 2017, khối ngoại mua ròng khoảng 1,87 tỷ USD cổ phiếu trên sàn, tập trung vào các giao dịch thỏa thuận lớn…

Lợi nhuận của khu vực ngân hàng tiếp tục tăng nhờ xử lý nợ xấu tốt và cơ chế phòng ngừa rủi ro tốt hơn. Dự kiến năm nay, lợi nhuận các ngân hàng tăng khoảng 40%, điều này cho thấy chất lượng tài sản đã được cải thiện, xử lý nợ xấu đem lại một phần thu nhập,… đáng chú ý, mảng thu từ hoạt động dịch vụ và các hoạt động kinh doanh khác tín dụng đều tăng trưởng cao. Quá trình xử lý nợ xấu cũng chuyển biến tích cực nhờ có tác động từ Nghị quyết 42, các NHTM hạn chế bán nợ cho VAMC bằng trái phiếu đặc biệt, một số NHTM đã tất toán toàn bộ nợ xấu đã bán cho VAMC, một số ngân hàng khác chủ động mua lại các khoản nợ đã bán cho VAMC để tự xử lý.

Ông đánh giá thế nào về cơ hội của hệ thống tài chính Việt Nam nói chung, hệ thống ngân hàng nói riêng trong năm 2019?

Theo tôi, năm 2019 sẽ có nhiều cơ hội cho hệ thống tài chính Việt Nam phát triển, có thể kể đến như: Hiệp định Đối tác tiến bộ và toàn diện xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) sẽ có hiệu lực từ ngày 30/12/2018 và các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như FTA với EU… sẽ mang lại nhiều cơ hội cho hệ thống tài chính Việt Nam trong năm 2019.

Trong đó, cơ hội đối với hệ thống TCTD sẽ là: tham gia vào chuỗi cung ứng hàng hóa, dịch vụ tài chính giữa các quốc gia; có cơ hội học hỏi kinh nghiệm quản trị, điều hành ngân hàng, cập nhật tiến bộ công nghệ thông qua việc hợp tác, liên kết, hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng kiến thức với các ngân hàng nước ngoài, các tổ chức tài chính trên thế giới; các dịch vụ ngân hàng phát triển hơn, đa dạng hơn; hoạt động ngân hàng lành mạnh hơn do việc hội nhập đòi hỏi các doanh nghiệp trong nước phải nâng cao năng lực và đảm bảo hoạt động kinh doanh hiệu quả do đó góp phần giảm bớt rủi ro cho các ngân hàng.

Còn với thị trường chứng khoán sẽ có cơ hội thu hút vốn gián tiếp nước ngoài, đặc biệt đối với các doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp có tiềm năng tăng trưởng thuộc các lĩnh vực tài chính, sản xuất và dịch vụ. Còn lĩnh vực bảo hiểm có cơ hội phát triển các sản phẩm bảo hiểm mới, góp phần tăng doanh thu cho các doanh nghiệp bảo hiểm.

… còn thách thức thì sao, thưa ông?

Bên cạnh những thuận lợi trên, thì chúng ta cũng sẽ gặp không ít thách thức. Trong năm 2019, thách thức đối với các TCTD sẽ đến từ các yếu tố bên trong và bên ngoài.

Đối với áp lực từ bên ngoài đối với các TCTD sẽ là về năng lực và quy mô. Các ngân hàng nội địa còn khá thấp và khả năng thâm nhập thị trường quốc tế còn hạn chế, trong khi áp lực cạnh tranh ngày càng gay gắt khi mở cửa hội nhập, đi kèm với đó là nguy cơ bị thâu tóm bởi cổ đông nước ngoài. Còn với áp lực bên trong sẽ đến từ áp lực tăng vốn và cơ cấu lại danh mục tài sản để nâng cao năng lực tài chính, đảm bảo mức an toàn vốn đáp ứng chuẩn mực Basel II. Trong năm 2019, tốc độ tăng trưởng lợi nhuận của các TCTD có thể giảm so với năm 2018, do: mục tiêu tăng trưởng tín dụng có thể thấp hơn năm 2018, thu nhập từ thoái vốn, xử lý nợ xấu ngoại bảng có thể giảm…

Thị trường chứng khoán Việt Nam cũng đứng trước rủi ro từ sự bất định và khó lường của thị trường tài chính thế giới. Bên cạnh đó, quá trình cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước có thể không thuận lợi như giai đoạn năm 2017, đầu năm 2018 cũng sẽ tạo áp lực cho thị trường chứng khoán trong năm tới.

Để nắm bắt cơ hội, vượt qua thách thức trên cần phải hành động ra sao, thưa ông?

Tôi cho rằng, về tổng thể, cơ sở hạ tầng tài chính cần tiếp tục được cải thiện để đáp ứng nhu cầu tăng trưởng trong trung dài hạn.

Cần tiếp tục có giải pháp tiếp tục nâng cao vai trò của thị trường vốn trong thời gian tới như: đẩy mạnh hoạt động cổ phần hóa DNNN giảm tỷ lệ sở hữu nhà nước để nâng cao tính thanh khoản và quy mô thị trường cổ phiếu, quản trị của DNNN; có giải pháp phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp, mục tiêu đạt 9% GDP đến 2020 tập trung vào nâng cao tính minh bạch, hình thành tổ chức xếp hạng tín nhiệm có uy tín; tiếp tục thúc đẩy việc nâng hạng thị trường chứng khoán thông qua từng bước nới lỏng việc quản lý các giao dịch vốn trên cơ sở nâng cao tính chuyển đổi của đồng Việt Nam và cơ chế tỷ giá hối đoái linh hoạt; phát triển các công cụ phái sinh để phòng ngừa và phân tán các rủi ro phù hợp với thông lệ quốc tế, chứng khoán hóa các khoản cho vay có thế chấp bất động sản để hỗ trợ xử lý nợ xấu của hệ thống TCTD; hoàn thiện khung pháp lý cho thị trường, thông qua Luật Chứng khoán sửa đổi trong năm 2019…

Đối với riêng hệ thống ngân hàng, theo tôi, có thể tập trung vào một số hoạt động như: tiếp tục đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu hệ thống tổ chức tín dụng; tháo gỡ những vướng mắc trong việc xử lý tài sản bảo đảm theo Nghị quyết 42 để đẩy nhanh tốc độ xử lý nợ xấu; hình thành thị trường mua bán nợ thứ cấp theo cơ chế thị trường. Hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về cơ chế khuyến khích nhà đầu tư tham gia thị trường mua bán nợ.

Qua hoạt động giám sát, Ủy ban có những lưu ý hay cảnh báo gì đối với hoạt động trên thị trường tài chính, tiền tệ Việt Nam trong năm 2019, thưa ông?

Năm 2019, thị trường tài chính thế giới có thể đối mặt với nhiều biến động do chịu ảnh hưởng từ chiến tranh thương mại Mỹ-Trung. Thị trường các nước mới nổi và đang phát triển có thể đối mặt với nhiều rủi ro như tỷ giá biến động, rủi ro rút vốn… Do đó, Việt Nam cần theo dõi chặt chẽ các biến động của kinh tế thế giới, đặc biệt là diễn biến chiến tranh thương mại Mỹ – Trung để có những ứng phó kịp thời.

Để đẩy nhanh hơn nữa quá trình xử lý nợ xấu, tiến tới lành mạnh hóa tình hình tài chính của các TCTD, Chính phủ, NHNNVN và các bộ, ngành có liên quan cần tiếp tục thúc đẩy các giải pháp nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình xử lý nợ xấu, đặc biệt là việc áp dụng Nghị quyết số 42 trong thực tế; hình thành thị trường mua bán nợ thứ cấp theo cơ chế thị trường với sự tham gia sôi động của các nhà đầu tư.

Trong năm 2019, tín dụng tập trung vào những lĩnh vực rủi ro cao (BĐS, tiêu dùng, chứng khoán) cần được tiếp tục kiểm soát ở mức độ tăng trưởng hợp lý, giám sát chặt chẽ nhằm ngăn ngừa hiện tượng cho vay kinh doanh BĐS, chứng khoán ẩn dưới hoạt động cho vay tiêu dùng. Để tránh nợ xấu bùng nổ trở lại trong giai đoạn kinh tế được dự báo tăng trưởng chậm lại, các TCTD cần tập trung kiểm soát chất lượng các khoản cho vay phát sinh mới bên cạnh việc xử lý nợ xấu tồn đọng trong giai đoạn trước. Ngoài ra, quá trình triển khai áp dụng chuẩn mực an toàn vốn theo Basel II tại các NHTM cần được tập trung đẩy mạnh trong năm 2019 để có thể hoàn thiện và đưa vào thực hiện đồng bộ từ đầu năm 2020.

Ở phương diện quản lý, các cơ quan giám sát cần tăng cường cơ chế phối kết hợp hiệu quả nhằm nhận diện, đánh giá các rủi ro của thị trường tài chính và phối hợp chính sách ứng phó một cách có hiệu quả, kịp thời.

Nhân dịp năm mới, ông có kỳ vọng như thế nào đối với sự phát triển của kinh tế Việt Nam nói chung, hệ thống tài chính nói riêng?

Kinh tế của Việt Nam có thể duy trì đà tăng trưởng của năm 2018 (khoảng 6,6-6,8%), thậm chí có thể đạt mức cao hơn nếu tiếp tục được hỗ trợ bởi tổng cầu tăng khá. Lạm phát có thể được kiểm soát khoảng 3,5% (nếu chưa tính đến điều chỉnh giá dịch vụ công). Trong khi đó, hệ thống tài chính được dự báo tiếp tục chịu tác động bởi chiến tranh thương mại Mỹ – Trung, chính sách tiền tệ thắt chặt của ngân hàng trung ương các nước lớn, chuyển dịch dòng vốn, chính sách thương mại, tỷ giá… Tựu chung lại, về cơ bản, hệ thống tài chính Việt Nam vẫn duy trì sự ổn định trong năm 2019.

Nguồn: Thời báo kinh tế Việt Nam