Đáp ứng vốn cho nền kinh tế
Trong bối cảnh kinh tế và thị trường tài chính thế giới biến động khó lường, kinh tế Việt Nam năm 2018 đã đạt một số thành quả đáng ghi nhận. Đó là, ổn định kinh tế vĩ mô được duy trì, lạm phát được kiểm soát, tỷ giá ổn định, dự trữ ngoại hối tăng cao, tăng trưởng kinh tế đạt mức cao nhờ vào nỗ lực cải cách thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh. Trong đó, hệ thống tài chính Việt Nam được đánh giá phát triển khá lành mạnh và an toàn, bảo đảm tốt chức năng cung ứng vốn cho nền kinh tế, hỗ trợ tăng trưởng và khu vực doanh nghiệp, đồng thời phục vụ hiệu quả tái cấu trúc nền kinh tế.
Thị trường vốn thời gian qua đang dần gia tăng mức đóng góp vào cung ứng vốn cho nền kinh tế. Giá trị vốn hóa thị trường cổ phiếu so với GDP đã tăng từ 32% năm 2015 lên 75%, vượt mục tiêu đề ra cho năm 2020. Quy mô thị trường trái phiếu doanh nghiệp so với GDP tăng gần gấp hai lần, từ 3,4% năm 2015 lên 6,7 % năm 2018. Quy mô thị trường trái phiếu Chính phủ so với GDP cũng tăng từ 16,1% lên 27,4%. Thông qua thị trường vốn, công tác cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) đã thu về hàng trăm nghìn tỷ đồng cho ngân sách, góp phần nâng cao dự trữ ngoại hối, điển hình như tại Sabeco, Vinamilk… Đồng thời, hiệu quả sản xuất, kinh doanh, chất lượng quản trị doanh nghiệp của DNNN sau cổ phần hóa được cải thiện đáng kể. Đối với các doanh nghiệp tư nhân, thị trường vốn đã tạo nên kênh huy động vốn linh hoạt, trực tiếp, hiệu quả đối với các nguồn vốn trong xã hội và từ các nhà đầu tư nước ngoài, qua đó, giảm sự phụ thuộc vào vốn vay ngân hàng.
Năm 2018, nền kinh tế thế giới có nhiều yếu tố tác động khó lường. Các chính sách thuế, thương mại của Mỹ, Cục Dự trữ liên bang Mỹ và các ngân hàng trung ương lớn có xu hướng dần thắt chặt chính sách tiền tệ, các tác động từ việc Anh rời EU… đã ảnh hưởng không nhỏ tới hoạt động thương mại và đầu tư, cũng như tới lãi suất và tỷ giá của thị trường các nước mới nổi châu Á, trong đó có Việt Nam. Chỉ số chứng khoán VN Index mặc dù chịu tác động mạnh từ các yếu tố bên ngoài nhưng gần như trở lại mức điểm số của năm 2007 là năm chỉ số đạt mức cao nhất kể từ khi ra đời thị trường chứng khoán Việt Nam. Thị trường chứng khoán Việt Nam trở thành điểm sáng thu hút vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài trong bối cảnh các dòng vốn quốc tế rút khỏi phần lớn thị trường chứng khoán mới nổi.
Thị trường tiền tệ ngày càng phát triển và đi vào ổn định, đáp ứng tốt cung ứng vốn cho nền kinh tế. Trong 5 năm qua, tổng tín dụng tăng bình quân 17%/năm, thanh khoản hệ thống ngân hàng ổn định. Vốn cung ứng từ hệ thống tổ chức tín dụng (TCTD) lan tỏa tới tất cả các thành phần kinh tế và ngành kinh tế, hỗ trợ hiệu quả cho tăng trưởng và ổn định kinh tế vĩ mô. Vấn đề nợ xấu đã được giải quyết cơ bản, tỷ lệ nợ xấu giảm, nhất là sau khi Quốc hội ban hành Nghị quyết 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu của các TCTD.
Tuy nhiên, thị trường tài chính Việt Nam vẫn tồn tại sự mất cân đối giữa hai khu vực thị trường tiền tệ và thị trường vốn, theo đó hệ thống ngân hàng thương mại vẫn giữ vai trò chủ đạo. Hiện nay, cung ứng vốn từ khu vực ngân hàng chiếm tỷ trọng chính trong tổng cung ứng vốn cho nền kinh tế. Tổng tài sản của các TCTD chiếm 96% tổng tài sản toàn hệ thống tài chính. Trong suốt những năm qua, hệ thống NHTM phải thực hiện vai trò cung ứng vốn cho cả nền kinh tế và do đó, có thể tạo ra những rủi ro kỳ hạn, rủi ro thanh khoản hệ thống.
Thị trường cổ phiếu mặc dù cải thiện về quy mô nhưng nguồn vốn đi vào khu vực kinh tế thực thông qua việc phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) chưa lớn. Thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) còn chưa phát triển, chưa thực hiện đúng vai trò huy động vốn trung hạn và dài hạn để doanh nghiệp thay thế cho nguồn vốn vay ngân hàng. Cơ sở hạ tầng thị trường tài chính Việt Nam còn nhiều hạn chế so với các thị trường tài chính phát triển như sản phẩm tài chính còn sơ khai, thiếu đa dạng; cơ sở nhà đầu tư tổ chức còn nhỏ; chất lượng cung cấp thông tin và minh bạch trên thị trường còn khoảng cách so với quốc tế; khung pháp lý về hoạt động của thị trường chưa hoàn thiện. Tổng tài sản hệ thống tài chính Việt Nam mới đạt khoảng 203% GDP, thấp hơn so với các quốc gia hàng đầu ASEAN (trên 300% GDP).
Phát triển thị trường hiện đại, hài hòa
Nghị quyết 142/2016/QH13 của Quốc hội khóa XIII đề ra mục tiêu tăng trưởng kinh tế Việt Nam giai đoạn 2016-2020 đạt từ 6,5 đến 7%. Mục tiêu bao trùm cho những năm tới là tiếp tục ổn định vĩ mô, đổi mới mô hình tăng trưởng cao và bền vững hơn. Theo đó, thị trường tài chính Việt Nam cũng phải phát triển tương xứng, tiếp tục hướng tới hài hòa hơn về cấu trúc, được vận hành theo các thông lệ quốc tế, phát triển an toàn lành mạnh, trở thành kênh huy động, dẫn vốn hiệu quả cho nền kinh tế. Trong bối cảnh hội nhập ngày càng sâu rộng vào thị trường quốc tế, phát triển một thị trường tài chính hiện đại và hài hòa hơn còn giúp bảo đảm an toàn, lành mạnh tài chính trước những biến động khó lường của thị trường tài chính quốc tế.
Các định hướng cơ bản để phát triển thị trường tài chính hiện đại, hài hòa, góp phần thúc đẩy tăng trưởng và ổn định kinh tế vĩ mô cho tới năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 như sau:
Một là, phát triển thị trường tiền tệ hiện đại, nâng cao năng lực tài chính của các NHTM. Theo đó, cần đa dạng hóa các công cụ và phương thức giao dịch trên thị trường tiền tệ, nhất là các công cụ phái sinh trên thị trường tiền tệ về tỷ giá và lãi suất; đa dạng hóa các thành viên tham gia thị trường tiền tệ, nâng cao chất lượng cơ sở hạ tầng về thông tin và thanh toán của hệ thống ngân hàng thông qua áp dụng công nghệ số, công nghệ tài chính (Fintech)… Đẩy mạnh tái cơ cấu NHTM, tạo lập hệ thống hạ tầng tài chính để xử lý nợ xấu, trong đó, hình thành thị trường mua bán nợ để tăng khả năng cung cấp tín dụng ra nền kinh tế thực. Nâng cao hiệu quả và năng lực cạnh tranh, năng lực tài chính của các NHTM; bảo đảm các TCTD có đủ vốn tự có theo chuẩn mực vốn của Basel II; nâng cao năng lực quản trị rủi ro tại các NHTM, phù hợp chuẩn mực và thông lệ quốc tế. Chú trọng hướng dòng vốn tín dụng vào khu vực sản xuất, kinh doanh trong nước, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp trong những ngành, lĩnh vực hiệu quả, năng suất, công nghệ cao.
Hai là, phát triển thị trường vốn trở thành kênh cung ứng vốn trung và dài hạn hiệu quả. Để khắc phục sự mất cân đối trong cơ cấu cung ứng vốn và phát triển thị trường vốn bền vững, cần tập trung phát triển, nâng cao tính minh bạch, thanh khoản của thị trường TPDN thông qua thành lập tổ chức xếp hạng tín nhiệm đủ năng lực, trung tâm thông tin TPDN tập trung, yêu cầu TPDN phát hành ra công chúng phải được xếp hạng tín nhiệm. Cố gắng phấn đấu tới năm 2020, quy mô thị trường TPDN tương đương khoảng 9% GDP và tới năm 2030 đạt khoảng 20% GDP (tương đương mức bình quân của các thị trường trong khu vực châu Á). Ngoài ra, tiếp tục đẩy mạnh cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước, giảm tỷ lệ sở hữu Nhà nước để nâng cao tính thanh khoản và quy mô thị trường cổ phiếu, quản trị của DNNN. Tăng cường vai trò của hệ thống các nhà đầu tư tổ chức, ban hành khung pháp lý, sớm triển khai các loại hình quỹ đầu tư như quỹ hưu trí tự nguyện, quỹ đầu tư cơ sở hạ tầng…, khuyến khích các doanh nghiệp bảo hiểm đa dạng hóa đầu tư các sản phẩm của thị trường vốn. Ngoài ra, cần phát triển các công cụ phái sinh để phòng ngừa và phân tán các rủi ro phù hợp với thông lệ quốc tế, chứng khoán hóa các khoản cho vay có thế chấp bất động sản để hỗ trợ xử lý nợ xấu của hệ thống TCTD.
Nhằm tăng thu hút vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài, cần thúc đẩy việc nâng hạng thị trường chứng khoán lên thị trường mới nổi thông qua từng bước nới lỏng việc quản lý các giao dịch vốn, trên cơ sở nâng cao tính chuyển đổi của đồng Việt Nam và cơ chế tỷ giá hối đoái linh hoạt.
Song song với phát triển thị trường tài chính hiện đại, hài hòa, cần nâng cao năng lực giám sát thị trường tài chính, tăng cường phối hợp, chia sẻ thông tin giữa các cơ quan quản lý, giám sát tài chính như Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia…, có thể thông qua hình thành cơ chế Hội đồng Ổn định tài chính để các cơ quan nêu trên cùng thống nhất nhận diện, đánh giá các rủi ro của thị trường tài chính và phối hợp chính sách ứng phó một cách có hiệu quả, kịp thời.
Nhìn chung, thị trường tài chính Việt Nam trong giai đoạn tới cần chú trọng đến độ sâu hơn là theo chiều rộng như giai đoạn trước đây. Một nền tài chính hiện đại sẽ đóng vai trò chủ chốt hỗ trợ tăng trưởng kinh tế ở mức cao và bền vững, không những thúc đẩy việc luân chuyển dòng vốn thông suốt trong khu vực kinh tế thực, mà còn phải bảo đảm việc phân bổ hiệu quả nguồn lực tới các ngành ưu tiên phát triển.
TS TRƯƠNG VĂN PHƯỚC
(Quyền Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia)
(Bài đăng trên Báo Nhân Dân số ra ngày 26/12/2018)