Tại phiên họp Chính phủ tháng 6, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã kiến nghị nâng mục tiêu tăng trưởng cả năm 2022 lên 7% , cao hơn 0,5% ngưỡng mục tiêu cao mà Quốc hội giao và Chính phủ đề ra (từ 6-6,5%), tạo động lực cho tăng trưởng kinh tế năm 2023. Đề xuất này của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đã được các thành viên Chính phủ thống nhất thông qua ngay tại cuộc họp.
Để đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế cả năm 7%, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nêu ra kịch bản, quý 3 phải đạt mức tăng trưởng là 9% (cao hơn Nghị quyết 01 khoảng 1%) và quý 4 tăng 6,3% (trong khoảng 6,7-6,7% tại Nghị quyết 01).
Trao đổi với BizLIVE về mục tiêu này, một số chuyên gia cho rằng đây là mục tiêu hoàn toàn khả thi, thậm chí Việt Nam có thể đạt mức tăng trưởng cao hơn với 9%…
Các con số thống kê của Việt Nam 6 tháng đầu năm cho thấy phục hồi kinh tế nhìn một cách tổng thể mặc dù chưa đều ở tất cả các lĩnh vực nhưng đà phục hồi khá tốt và mức tăng trưởng 6 tháng đầu năm này cao hơn kỳ vọng.
Đặc biệt đà phục hồi thể hiện khá rõ trong quý 2. Bên cạnh các hoạt động kinh tế trong nước, khi Việt Nam mở cửa với bên ngoài, du lịch cùng các ngành dịch vụ tăng trưởng khởi sắc chính là cơ sở để Bộ Kế hoạch và đầu tư cũng như một số tổ chức quốc tế những ngày gần đây đưa ra dự báo Việt Nam không chỉ đạt được mục tiêu đề ra mà còn có thể đạt tăng trưởng trên 7%.
Các dự báo trên là hoàn toàn có cơ sở bởi nếu không có những diễn biến gì quá đặc biệt, thường là nửa năm sau kinh tế tăng trưởng tốt hơn. Thứ nữa là quý 3 năm trước tăng trưởng âm sâu nên quý 3 năm nay sẽ có mức tăng trưởng khá cao, có những dự báo có thể tăng trên 8% hoặc hơn. Nếu quý 4 tăng trưởng đạt 6-7% thì việc cả năm đạt trên dưới 7% là điều hoàn toàn có thể.
Ngoài ra, theo tôi chương trình phục hồi và phát triển sẽ được đẩy mạnh, có tác động cao hơn trong 6 tháng cuối năm vì trong 6 tháng đầu năm việc hiện thực hóa các chính sách hỗ trợ còn chậm. Bên cạnh đó, giải ngân đầu tư công 6 tháng đầu năm cũng chậm nên 6 tháng cuối năm nhiều khả năng sẽ được đẩy mạnh hơn. Chính những điều đó dẫn đến cái nhìn lạc quan có thể đạt được mục tiêu tăng trưởng cao trong năm 2022.
Tuy nhiên, theo tôi lạc quan nhưng cần thận trọng bởi bối cảnh thế giới có nhiều chiều cạnh xấu đi. Chúng ta đều biết một trong những động lực tăng trưởng là xuất khẩu 6 tháng đầu năm mặc dù tăng trưởng rất khá nhưng khả năng duy trì đà này không phải là đơn giản, nhất là gần đây đơn đặt hàng của một số mặt hàng ít đi do cầu giảm, suy giảm kinh tế thế giới.
Thứ hai, xử lý vấn đề ổn định vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng có phần phức tạp hơn do áp lực lạm phát tăng cao cũng như một số đồng tiền chủ chốt do các ngân hàng trung ương tăng lãi suất mạnh sẽ gây áp lực lên điều hành chính sách tiền tệ của Việt Nam, đặc biệt là vấn đề lãi suất, tỷ giá. Trong đó áp lực lên lãi suất là áp lực tăng, còn với tỷ giá là đồng tiền Việt có thể mất giá.
Bên cạnh đó cần tính toán các biện pháp để kìm hãm đà tăng của giá xăng và cũng ảnh hưởng ít nhiều đến ngân sách hỗ trợ phục hồi và phát triển. Cho nên cần tiếp tục giữ ổn định vĩ mô, duy trì một mức lạm phát chấp nhận được, hiện nay dự báo là dưới 4%, cũng như giữ cho lãi suất không tăng bởi nếu không giữ được mà tăng mạnh sẽ ảnh hưởng đến quá trình phục hồi của doanh nghiệp.
Việc thực hiện các chính sách tài khóa, tiền tệ cũng vừa phải quyết liệt vừa gắn với chương trình phục hồi và phải rất khéo léo để không gây bất ổn kinh tế vĩ mô.
Từ năm 2021, cách tính GDP đã được điều chỉnh, với mẫu số cao hơn thì tỷ lệ nợ công/GDP hay tỷ lệ dự nợ tín dụng/GDP sẽ giảm đi, ít nhiều tạo dư địa để điều chỉnh chính sách tài khóa, tiền tệ linh hoạt hơn một chút. Tuy nhiên, phải xét nhiều chỉ số khác không chỉ các chỉ số trên. Dù đã có điều chỉnh nhưng tỷ lệ dư nợ tín dụng/GDP của Việt Nam vẫn thuộc loại cao cho nên vừa phải khéo léo gắn với hỗ trợ tăng trưởng vừa phải gắn với giám sát tài chính để hệ thống này vận hành được tương đối trơn tru trong việc đảm bảo thanh khoản, đảm bảo tín dụng.
Tôi cho rằng mục tiêu GDP cả năm 2022 đạt 7% là có thể đạt được vì GDP quý 3 dự kiến sẽ tăng rất mạnh trên nền tăng trưởng âm của quý 3 năm trước, thậm chí đạt khoảng 15-20%. Cho nên mục tiêu Chính phủ đặt ra cho cả năm như vậy khá khiêm tốn. Theo tôi GDP cả năm có thể đạt 9%.
Với tốc độ tăng trưởng như vậy, Việt Nam có thể xếp đầu khu vực xét về tốc độ tăng trưởng.
Khi GDP tăng mạnh sẽ kéo theo tỷ lệ nợ công/GDP, hay tỷ lệ dư nợ tín dụng/GDP giảm. Những năm trước tăng trưởng thấp nên các tỷ lệ này sẽ cao hơn năm nay nhưng thường các tỷ lệ này sẽ không tính theo một năm, phải tính cả giai đoạn và với tốc độ tăng trưởng năm 2022 theo dự báo đạt mức cao sẽ giúp cải thiện cả giai đoạn.
Tuy nhiên, cũng phải lưu ý rằng, mặc dù tăng trưởng năm nay dự báo cao nhưng là so với nền thấp của năm ngoái, chẳng hạn ngành dịch vụ năm ngoái bị đóng cửa năm nay mở ra nên tăng trưởng cao, còn công nghiệp và nông nghiệp tăng trưởng 6 tháng đầu năm nay so với năm ngoái vẫn thấp. Về mặt kỹ thuật, tăng trưởng cao năm nay là do năm ngoái tăng trưởng thấp, còn kinh tế hiện tại vẫn ở mức dưới tiềm năng.
Ngoài nền tăng trưởng thấp của năm ngoái, 6 tháng cuối năm việc giải ngân mạnh hơn các gói hỗ trợ cũng sẽ tạo động lực cho tăng trưởng. Đầu tư công hiện tại vẫn giải ngân chậm nên gói đầu tư công được đẩy mạnh sẽ giúp tăng tổng cầu lên. Vấn đề tăng chi tiêu của nền kinh tế thời điểm này chủ yếu là tăng đầu tư công và đẩy nhanh giải ngân các gói hỗ trợ cho các đối tượng khó khăn do dịch, hiện cũng đang giải ngân chậm.
Còn về lo ngại lạm phát và giá cả hàng hóa tiếp tục tăng cao trong những tháng cuối năm sẽ ảnh hưởng đến cầu tiêu dùng, tôi cho rằng thực ra lạm phát và giá cả hàng hóa đã tăng cao trong nửa đầu năm rồi nên trong nửa cuối năm giá hàng hóa thế giới có thể không tăng nữa, thậm chí có thể giảm, cho nên lạm phát sẽ ổn định dần và mục tiêu giữ lạm phát dưới 4% là hoàn toàn khả thi.
Với những nhân tố tác động tích cực đến tăng trưởng GDP trong 6 tháng đầu năm có thể thấy tăng trưởng GDP của Việt Nam 2022 hoàn toàn có thể đạt được mốc 7%.
Bởi vì, trước hết tình hình trên thế giới vẫn tương đối ổn định. Các tác động từ cuộc chiến Nga – Ukraine hay tốc độ tăng trưởng kinh tế của các quốc gia trên thế giới chậm lại dẫn đến việc tăng lãi suất đã và đang tác động đến kinh tế Việt Nam nhưng không quá đột biến.
Thứ hai về việc nỗi lo lạm phát gia tăng khi giá nguyên vật liệu đầu vào từ xăng dầu, sắt thép cho đến các hàng hóa đều tăng lên. Tuy nhiên, sự tăng giá này đã diễn ra rồi, cho nên hiện nay nếu có tăng tiếp thì tăng rất ít, đây chưa phải vấn đề quá lớn.
Như vậy, rõ ràng đầu vào đã ổn hơn, thêm vào đó trong 6 tháng đầu năm xuất khẩu của chúng ta tăng 17,3%; nhập khẩu tăng 15,5%. Và chắc chắn thời gian cuối năm hoạt động xuất nhập khẩu của chúng ta sẽ tiếp tục tốt hơn.
Về đầu tư nước ngoài có dấu hiệu thuyên giảm, nhưng vốn đầu tư giải ngân lại tăng 3,9% – đây mới là điều quan trọng, vì nó là tiền đề tạo nên sức mạnh cho nền kinh tế quốc gia.
Một vấn đề nữa, các doanh nghiệp thực hiện đầu tư mới nhiều hơn, tính đến hết quý 2, có 116.900 doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường. Điều này cho thấy đầu tư vốn và năng lực sản xuất cuối năm sẽ tăng lên.
Theo tôi, với việc đầu tư nước ngoài tăng, với khả năng mở rộng thị trường, mở rộng xuất nhập khẩu, cũng như là đầu tư mới của các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài thì GDP Việt Nam trong năm 2022 sẽ không chỉ là 7% mà thậm chí đạt đến mức cao hơn từ 7,8-8,4%.
Tuy nhiên, ngoài sự lạc quan, chắc chắn sẽ có điều đáng phải lưu ý, đó là chính sách tiền tệ. Lãi suất các nước tăng thì lãi suất của Việt Nam cũng sẽ tăng theo, nhưng Việt Nam khác với các quốc gia khác đó là thực hiện gói kích thích kinh tế chậm hơn hồi phục kinh tế. Cho nên chúng ta phải điều hành lãi suất cũng như tỷ giá để từ đó ổn định kinh tế vĩ mô nhằm thúc đẩy tăng trưởng, chứ không thể như các nước lại đẩy lãi suất lên.
Lạm phát có thể tăng cao cũng là một yếu tố xấu tác động đến nền kinh tế, và nếu chúng ta cứ để “té nước theo mưa” thì rất nguy hiểm, cho nên quản lý lạm phát cũng là vấn đề cẩn trọng. Thu hút tiền thế nào? Bán đôla thế nào? Phát hành trái phiếu chính phủ khi nào, ra sao? đều rất quan trọng.
Có một tín hiệu tốt cho đòn bẩy tín dụng, nếu như đạt được mục tiêu tăng trưởng GDP lên 7% thì với tỷ lệ tăng trưởng tín dụng là 14-15% tức là tỷ lệ đòn bẩy tín dụng/GDP đã giảm đi chỉ còn hơn 2 một chút, đây là tín hiệu tốt cho nền kinh tế.
Đặc biệt, phải làm thế nào khôi phục được thị trường trái phiếu và chứng khoán để từ đó nó trở thành thương hiệu vốn chung và dài hạn giúp khôi phục dòng vốn.
Nguồn: Bizlive/CafeF.vn