Kinh tế thế giới bước sang quý II/2022 trong bối cảnh phức tạp hơn. Xung đột Ukraine tiếp tục leo thang, đại dịch Covid-19 vẫn xuất hiện những biến chủng mới, chuỗi cung ứng tiếp tục chịu sự gián đoạn và dòng chảy hàng hóa thương mại giảm sút. Xu hướng thắt chặt chính sách tiền tệ nhằm kiềm chế lạm phát, cũng như giảm dần các gói kích thích tài khóa đã trở thành mối lo ngại lớn đối với đà phục hồi kinh tế toàn cầu. Đồng thời, sự lệch pha chính sách giữa các nền kinh lớn có thể dẫn đến những rủi ro nhất định với các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển. Nhiều tổ chức quốc tế hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu cả năm 2022 xuống khoảng 2,8%-3,1%.
Trong nước, trong quý II/2022, nền kinh tế tiếp tục phục hồi, các điều kiện kinh tế vĩ mô được đảm bảo cân đối với mức tăng trưởng GDP ước đạt 7,72% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn so với cùng kỳ giai đoạn 10 năm qua. Trong đó, công nghiệp và xây dựng (đóng góp 46,85%), dịch vụ (48,59%) tiếp tục là các khu vực chủ đạo đóng góp vào mức tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế. Lạm phát được kiểm soát tương đối thấp (so với cùng kỳ trước khi có dịch Covid-19) với mức CPI bình quân 6 tháng tăng 2,44% so với cùng kỳ năm trước.
Trong 6 tháng đầu năm 2022, chính sách tiền tệ được điều hành phù hợp với cân đối vĩ mô, lạm phát và mục tiêu đặt ra, theo đó, lãi suất điều hành tiếp tục được giữ nguyên, tạo điều kiện nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân phục hồi sản xuất – kinh doanh; tín dụng được định hướng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh hiệu quả; đặc biệt tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro được kiểm soát chặt chẽ hơn; tỷ giá trung tâm được điều hành chủ động, linh hoạt phù hợp với tình hình thị trường trong và ngoài nước và các cân đối vĩ mô; thanh khoản thị trường tiền tệ thông suốt, thanh toán không dùng tiền mặt tiếp tục được đẩy mạnh.
Chịu nhiều tác động tiêu cực từ các mối xung đột địa chính trị, các bất ổn kinh tế, tài chính thế giới, thị trường chứng khoán Việt Nam không tránh khỏi bị ảnh hưởng với xu hướng giảm trên cả thị trường cổ phiếu, trái phiếu và chứng khoán phái sinh.
Trong bối cảnh đó, chính sách tài khóa đã được cân đối, triển khai đồng bộ nhằm đảm bảo nguồn lực hỗ trợ cho Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội. Các giải pháp chính sách an sinh xã hội cũng được ban hành, kịp thời hỗ trợ người lao động, kích thích thị trường việc làm… Các chính sách miễn, giảm, giãn thuế, phí nhanh chóng được ban hành và triển khai kịp thời hỗ trợ doanh nghiệp, người dân, góp phần ổn định nền kinh tế… đã phát huy hiệu quả, tạo động lực khôi phục và phát triển kinh tế, góp phần đem lại những tín hiệu tích cực trong nửa đầu năm 2022.
Đây là những thông tin chính trong QR2.2022.V08.7.F
BBT