Cuối tuần qua, Ngân hàng Nhà nước bất ngờ giảm mạnh giá mua vào USD; giá đồng bạc xanh này trên biểu niêm yết của các ngân hàng thương mại cũng lập tức điều chỉnh.
Tính từ đầu năm, ngoại trừ tỷ giá trung tâm tăng đều đặn và đáng kể do “yếu tố đặc thù” (định hình lại cho cân bằng hơn trong tương quan các mức tỷ giá trên thị trường), tỷ giá USD/VND thực tế giao dịch giữa ngân hàng với doanh nghiệp và dân cư đã giảm so với cuối 2018.
Thực tế đó đã và đang bẻ gãy nhiều dự báo về thay đổi của tỷ giá USD/VND năm 2019 đưa ra cuối 2018 và đầu năm nay. Nhiều dự báo có chung khoảng biến động về mức tăng trên 2%, một số dự báo mức độ lớn hơn 3% và cho đây là thay đổi hợp lý. Còn thực tế đang ngược lại, giảm, dù có đợt biến động mạnh vào giữa năm.
Dự báo thường có sai số, dùng để tham khảo và định hình trong hoạch định, điều hành chính sách, cũng như trong xây dựng các phương án sản xuất kinh doanh. Nhưng nhìn lại, với tỷ giá USD/VND, tuyệt nhiên không có dự báo giảm nào đưa ra đầu năm nay một cách đại chúng.
Bối cảnh nền kinh tế, vận động của thị trường, các yếu tố địa chính trị tiềm ẩn những bất thường. Năm 2019 đã cho thấy yếu tố bất thường, điển hình như xung đột thương mại Mỹ – Trung với loạt đánh và đáp trả thuế quan liên tiếp. Đây được cho là một trong những yếu tố chính làm thay đổi xu hướng tăng trưởng của kinh tế toàn cầu.
Tại hội thảo mới đây, ông Đỗ Ngọc Quỳnh, Giám đốc Kinh doanh vốn và tiền tệ Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), cũng nhấn mạnh đến diễn biến trên, xem đây là một thực tiễn thú vị của năm 2019.
Không chỉ tỷ giá, nhiều dự báo về lãi suất năm 2019 cũng đã bị thực tiễn bẻ gãy.
Ông Quỳnh dẫn lại, cuối 2018 và đầu 2019, hầu hết các dự báo đều lường định rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ tiếp tục tăng lãi suất, tăng nhiều lần cho đến hết năm 2019. Thế nhưng, thực tiễn Fed đã đảo chiều chính sách lãi suất với các quyết định giảm liên tiếp vừa qua.
Tại Việt Nam, không còn bên lề xu hướng nới lỏng chính sách tiền tệ mở rộng trên thế giới, năm 2019 đã chứng kiến Ngân hàng Nhà nước giảm đồng loạt các lãi suất điều hành trong tháng 9 vừa qua.
Gần hơn nữa, ngày 26/11, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục giảm mạnh lãi suất cho vay trên thị trường mở (OMO) từ 4,5%/năm xuống 4%/năm. Đáng chú ý, lãi suất này từng như một thành trì cố định suốt 5 năm mà phải đến đầu năm 2018 mới bắt đầu có bước giảm rất thận trọng 0,25 điểm phần trăm, rồi nối tiếp những lần điều chỉnh thận trọng sau đó…
Như vậy, cả tỷ giá và lãi suất đã có những thực tiễn sinh động trong năm 2019, với những khác biệt lớn, thậm chí bẻ gãy nhiều dự báo.
Tựu trung, chính sách điều hành tiền tệ của Việt Nam năm nay đã thiết lập được sự ổn định tương đối và thể hiện những yếu tố đặc thù.
Như với tỷ giá, ngay cả “ngáo ộp” Nhân dân tệ biến động mạnh trong năm, phá vỡ cả mốc 7 và lên tới 7.2 trong quy đổi với USD, tỷ giá USD/VND thậm chí còn giảm nhẹ, VND ở nhóm đồng tiền ổn định hàng đầu trên thế giới…
Tại hội thảo trên, ông Đỗ Ngọc Quỳnh cho rằng, vì tỷ giá tại Việt Nam còn nhiều yếu tố nội tại khác tác động, cũng như do cấu trúc thị trường góp phần quyết định.
Còn với lãi suất, với loạt điều chỉnh vừa qua, thị trường cần độ trễ để ngấm dần tác động của chính sách, theo hướng khi chi phí vốn được xoa dịu sẽ kích thích các thành phần tham gia vào thị trường nhiều hơn. Và giá trị tác động dự kiến sẽ dần thể hiện từ đầu năm tới.
Còn nếu xét cụ thể, giá trị của cắt giảm lãi suất cũng đã nhanh chóng thể hiện ở một dòng chảy: với gần 18.000 tỷ đồng bơm thêm hỗ trợ thị trường ở phiên cuối tuần qua, tổng nguồn Ngân hàng Nhà nước đưa ra ở kênh OMO đã đạt trên 40.000 tỷ đồng mà chi phí chỉ tính 4%/năm thay vì 4,5%/năm hoặc tới 5%/năm những thời điểm trước đây.
Còn về tổng thể, bên cạnh các dự báo, việc trù tính trong điều hành chính sách tiền tệ của Việt Nam, theo cách nói của một chuyên gia khi trao đổi với BizLIVE, là “luôn luôn đúng”. Vì, giai đoạn vừa qua, năm nào Ngân hàng Nhà nước cũng định hướng chung 6 chữ quen thuộc: Chủ động, Linh hoạt, Thận trọng.
Nguồn: bizlive.vn