English
26/082019
Thương chiến Mỹ – Trung leo thang: Cơ hội nhiều, thách thức lớn

Trước tình hình chiến tranh thương mại Mỹ – Trung ngày càng căng thẳng, trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động ngày 24-8, nhiều doanh nghiệp (DN) bày tỏ rằng cơ hội có nhưng khó tận dụng.

Cạnh tranh với DN Trung Quốc trên sân nhà

Ông Đinh Công Khương, Giám đốc Công ty Thép Khương Mai, cho biết sáng 24-8, Câu lạc bộ Doanh nghiệp Thép TP HCM tổ chức chương trình cà phê doanh nhân lần đầu, bàn về cơ hội và thách thức của ngành thép năm 2019. Hầu hết DN ngành thép đều nhìn nhận khi thương chiến Mỹ – Trung leo thang, cơ hội cho DN thì ít, còn thách thức lại nhiều hơn khi sức mua chung giảm sút. Trong khi đó, đặc thù của nhà máy thép lò cao là vận hành 24/24, sản lượng không thể giảm nhưng nhu cầu giảm sẽ khiến DN phải cạnh tranh về giá.

“DN phải chủ động cân nhắc để ứng phó, cân đối tài chính xem có nên mua hàng, nhập hàng về nhiều không. Nếu cuộc chiến thương mại kéo dài hơn sẽ càng ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh của DN” – ông Khương bày tỏ.

Phó Chủ tịch Hiệp hội Da giày Túi xách Việt Nam (Lefaso), ông Diệp Thành Kiệt, nhận định việc Tổng thống Mỹ Donald Trump yêu cầu các DN nước này tìm phương án rút khỏi thị trường Trung Quốc, bao gồm việc đưa công ty trở lại sẽ có tác động với Việt Nam cả tích cực lẫn tiêu cực. Ngành da giày Việt hiện năng lực sản xuất khoảng trên 1 tỉ đôi, cần 10 năm để tăng gấp đôi năng lực sản xuất này. Trong khi đó, mỗi năm, Trung Quốc xuất qua Mỹ 1,7 tỉ đôi. Nếu chỉ một nửa số giày này của Trung Quốc chuyển sang Việt Nam sản xuất thì ngành da giày trong nước “không thể ôm nổi”. “Ngành giày dép Việt Nam mỗi năm xuất qua Mỹ 460 triệu đôi, giờ nếu kim ngạch bất ngờ tăng mạnh thì nguy cơ bị Mỹ áp thuế chống bán phá giá lên toàn bộ ngành là rất lớn, đầy rủi ro” – ông Kiệt phân tích.

Một nguy cơ khác, theo các DN, không chỉ ngành giày dép, mà các ngành dệt may, thủy sản, hàng điện tử của Trung Quốc cũng có nhu cầu dịch chuyển sang Việt Nam để né thuế. Việc này sẽ gây áp lực cạnh tranh với DN trong nước về nguồn lao động, đất đai…, kéo theo tác động đến cả nền kinh tế.

Đã bị vạ lây

Những dự báo Việt Nam hưởng lợi từ thương chiến Mỹ – Trung thời gian qua không diễn ra như thực tế. TS Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), nhận xét Việt Nam đang bị vạ lây từ thương chiến khi xuất khẩu giảm tốc, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) chững lại.

Cụ thể, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu nửa đầu năm 2019 chỉ bằng chưa đầy một nửa so với cùng kỳ, giảm sút ở hầu hết các thị trường và chỉ tăng ở thị trường Mỹ 33%, gây nguy cơ bị “để ý” về xuất xứ. Về đầu tư, tính đến nửa đầu năm, vốn đầu tư tăng thêm và mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 18,4 tỉ USD, giảm 9,2% so với cùng kỳ. Ngoài ra, hàng hóa Trung Quốc cạnh tranh trực tiếp với hàng Việt Nam ngay ở thị trường nội địa và trên thế giới cũng tạo áp lực cho DN. Để ứng phó, nhà nước cần phải tăng cường kiểm soát, bảo vệ hàng hóa xuất xứ từ Việt Nam trước những tín hiệu về gian lận thương mại trong nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa khi xuất khẩu vào Mỹ.

TS Trần Đình Thiên, Ủy viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính – tiền tệ quốc gia, cũng cho rằng cần lường trước những tiêu cực dài hạn do tác động từ thương chiến Mỹ – Trung. “Cuộc chiến này gây ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động thương mại, đầu tư và chính sách tiền tệ của nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam. Thử thách không phải là khó khăn mà chính là làm sao chúng ta có thể vượt qua ảnh hưởng của thương chiến” – ông Thiên nhận xét.

Ngoài ra, theo các chuyên gia, cần có giải pháp kéo giảm thâm hụt thương mại với Mỹ để tránh những bất lợi và nguy cơ bị áp thuế.

Lo tiếp cận nguồn vốn xấu

TS Trần Du Lịch nhận định trong thương chiến Mỹ – Trung, chúng ta nói nhiều về việc di chuyển dòng vốn từ Trung Quốc sang Việt Nam. Chúng ta phải nhìn lại mình và nhìn cách các quốc gia trên thế giới làm để thu hút FDI. Như Dubai, họ thu hút được dòng vốn lớn để phát triển mạnh mẽ như vậy là bởi từ nội lực của họ, chứ không phải phụ thuộc vào bên này “đánh” bên kia. Chúng ta đang bị phụ thuộc nên rất lo nguy cơ tiếp nhận dòng vốn xấu.

Ở một chiều khác, nhiều thông tin cho rằng đang có làn sóng kêu gọi DN Mỹ ở Trung Quốc về nước hoặc sang quốc gia khác đầu tư và đây có thể là cơ hội cho Việt Nam. Tôi cho rằng nếu không có thể chế tốt thì cũng không nhận được dòng vốn tốt từ Mỹ. Thực tế, FDI từ Mỹ vào Việt Nam rất thấp. Nguyên nhân nằm ở chỗ hai bên không tương thích về mặt thể chế, chính sách. Nhìn sang Hàn Quốc có thể thấy khi làm đặc khu kinh tế Incheon, họ hướng tới công nghệ nguồn của Mỹ. Vì vậy, họ xây dựng nên một thể chế được gọi là “felling at home”, tức là cảm thấy như đang kinh doanh ở nước họ, như ở nhà họ, không có gì thay đổi. Muốn có dòng vốn tốt, phải cải cách rất mạnh mẽ.

Kinh tế toàn cầu ảm đạm

Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 23-8 (giờ địa phương) yêu cầu các công ty nước này chấm dứt làm ăn với Trung Quốc và thông báo tăng thuế nhằm vào hàng hóa đến từ nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Đến cuối ngày giao dịch, thị trường chứng khoán Mỹ chứng kiến chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones giảm 2,3% trong lúc cộng đồng doanh nghiệp địa phương tăng cường chỉ trích ông Donald Trump.

Khởi đầu một ngày đầy biến động này là thông báo từ Trung Quốc về việc đánh thuế mới lên 75 tỉ USD hàng hóa Mỹ. Tờ The Washington Post nhận định thời điểm Bắc Kinh tung đòn trả đũa này mang tính chiến lược – diễn ra vài giờ trước khi ông Donald Trump chuẩn bị lên đường đến Pháp dự Hội nghị Thượng đỉnh nhóm 7 nước công nghiệp hàng đầu thế giới (G7) và Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) Jerome Powell có bài diễn văn quan trọng.

Tổng thống Donald Trump thông báo trên mạng xã hội Twitter sẽ tăng thuế từ 25% lên 30% đối với 250 tỉ USD hàng hóa Trung Quốc. Ngoài ra, mức thuế dự kiến áp lên khoảng 300 tỉ USD hàng hóa Trung Quốc vẫn chưa bị đánh thuế sẽ tăng từ 10% lên 15%.

Nhiều doanh nghiệp Mỹ lo lắng bước đi này sẽ làm leo thang hơn nữa cuộc chiến thương mại đang phủ bóng nền kinh tế toàn cầu. Tuy nhiên, họ càng sửng sốt hơn khi ông Donald Trump còn “ra lệnh” công ty Mỹ rời Trung Quốc dù Nhà Trắng không có quyền buộc các công ty tuân thủ mệnh lệnh như thế. Cộng đồng kinh doanh Mỹ lập tức lên tiếng chỉ trích đòi hỏi của ông chủ Nhà Trắng trong lúc cảnh báo việc ngưng làm ăn với nền kinh tế lớn thứ hai thế giới sẽ gây tổn thương các công ty và cả nền kinh tế Mỹ.

Không nao núng, ông Donald Trump sau đó viết trên Twitter rằng những ai không biết gì về quyền lực của tổng thống Mỹ nên đọc lại Đạo luật quyền hạn kinh tế khẩn cấp quốc tế (IEEPA). Theo Reuters, IEEPA, cùng với biện pháp thuế quan và cấm tham gia đấu thầu hợp đồng của chính phủ liên bang, là những công cụ có thể được ông Donald Trump sử dụng để ép công ty Mỹ rời Trung Quốc. Chẳng hạn như thông qua IEEPA, ông Donald Trump có thể tuyên bố việc Trung Quốc “đánh cắp tài sản trí tuệ của công ty Mỹ” cấu thành tình trạng khẩn cấp quốc gia và ra lệnh cấm doanh nghiệp Mỹ tiến hành một số giao dịch cụ thể, như mua sản phẩm công nghệ Trung Quốc.

Phía Trung Quốc cũng không cho thấy dấu hiệu nhượng bộ trước sức ép mới nhất từ ông chủ Nhà Trắng. Một bài viết trên tờ Nhân dân Nhật báo hôm 24-8 khẳng định nước này sẽ tiếp tục chiến đấu đến cùng trong cuộc chiến thương mại với Mỹ. Tác giả bài viết gọi các biện pháp thuế quan mới nhất của Mỹ là “man rợ” trong lúc biện hộ việc Trung Quốc đánh thuế 75 tỉ USD hàng hóa Mỹ là phản ứng trước sự leo thang đơn phương của Washington trong cuộc xung đột thương mại hiện nay.

Thương chiến Mỹ – Trung đang giáng đòn mạnh lên nền kinh tế toàn cầu. Trong lúc Washington đối mặt cảnh báo về nguy cơ kinh tế suy thoái, Bắc Kinh chứng kiến tăng trưởng kinh tế giảm xuống mức thấp nhất trong 27 năm qua. Ngân hàng trung ương nhiều nước ở châu Âu, châu Á và Úc cắt giảm lãi suất trong những tuần qua với lý do cần kích thích kinh tế. Bà Gita Gopinath, nhà kinh tế trưởng của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), hôm 23-8 nhận định với đài CNBC rằng triển vọng kinh tế toàn cầu đang ngày càng ảm đạm và bày tỏ nỗi lo về những rủi ro trên mặt trận thương mại theo sau bước đi ăn miếng trả miếng của Mỹ và Trung Quốc.

Nguồn: Người lao động