English
14/122018
Tiền ảo thất thủ

Nguyên nhân dẫn đến việc Bitcoin và các loại tiền ảo lao dốc là vì thời gian qua, chính phủ các nước lo ngại bong bóng Bitcoin vỡ sẽ đe dọa sự ổn định của hệ thống tài chính, dẫn đến những bất ổn về an ninh, an toàn xã hội. Các chuyên gia dự báo, tương lai của Bitcoin và các loại tiền ảo sẽ còn ảm đạm vì quá nhiều rủi ro.

Tiền ảo để lại nỗi đau thật 

Trong phiên giao dịch ngày 13-12-2018, Bitcoin đang giao dịch ở mức 3.400USD/BTC. Trước đó, các nhà đầu tư đã kỳ vọng giá Bitcoin quay về mốc 4.000USD, thế nhưng chẳng những không giữ được giá mà đồng tiền này còn bị phá tan ngưỡng kháng cự 3.500USD.

Như vậy chỉ trong một tuần qua, Bitcoin đã mất gần 20% giá trị. Trưởng nhóm phân tích thị trường Naeem Aslam của Think Markets UK Ltd cho biết, với việc thiết lập mức giảm giá mới, khả năng đồng Bitcoin sẽ mất mốc 3.000USD trong vài ngày tới; đồng thời dự báo, Bitcoin có thể giảm xuống dưới mức giá 2.000USD/BTC và thậm chí xuống 1.500USD/BTC.

Ông Leohard A. Weese, Chủ tịch Hiệp hội Bitcoin Hồng Công, cho biết tiền ảo giống như vàng. Khi nhà đầu tư mua vàng, họ giữ nó như một dạng tích trữ giá trị, không biết rõ giá trị trong tương lai. Các loại tiền ảo hoàn toàn có thể bị mất giá trị, thậm chí trở nên vô giá trị.

Hiện chưa có nhiều nơi và đơn vị chấp nhận tiền ảo, nhưng rất nhiều người vẫn tin rằng trong tương lai, các loại tiền ảo sẽ được chấp nhận và sử dụng rộng rãi, lúc đó giá trị của tiền ảo sẽ tăng lên nên họ vẫn đầu tư hoặc đầu cơ tiền ảo.

Đó cũng là lý do với giá trị ban đầu chỉ vào khoảng vài chục cent/BTC, Bitcoin tăng phi mã lên 20.000USD/BTC, nên nhiều quốc gia trên thế giới đã nhanh chóng siết chặt quản lý đồng Bitcoin nói riêng và các loại tiền ảo nói chung. Thực tế Bitcoin và các loại tiền ảo khác trên thị trường đã rớt giá mạnh trong thời gian qua.

Tiền ảo thất thủ ảnh 1Tiền ảo không phải tiền tệ, phương tiện thanh toán hợp pháp. Ảnh: CAO THĂNG
Mặc dù các nhà quản lý lo ngại, song nhiều nhà đầu tư đã chìm trong cơn say tiền ảo nên không đủ tỉnh táo để nhận ra dấu hiệu xuống dốc của đồng tiền này.

Thống kê cho thấy, thời điểm cuối năm 2017 có đến 80% giao dịch Bitcoin xuất phát từ châu Á, trong đó dẫn đầu là thị trường Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và Việt Nam.

Đã có nhiều người Việt Nam từng tin rằng đầu tư vào tiền ảo có thể mang lại lợi nhuận lên đến 300% – 350%/năm nên đã đổ tiền vào đầu tư, thậm chí  mua máy đào Bitcoin nhập khẩu về Việt Nam với giá khoảng 100 triệu đồng/máy. Thế nhưng đến nay, họ bán đổ, bán tháo ở mức 10 triệu đồng/máy vẫn không bán được.

Tương tự, một loại tiền ảo khác như Bitconnect (BCC) cũng đã sập sàn vào đầu năm 2018, khiến khoảng 50.000 thành viên tại Việt Nam (mới là con số thống kê thông qua trang facebook chơi BCC tại Việt Nam – PV) tham gia mạng này có nguy cơ trắng tay vì không có nơi để giao dịch loại tiền này. Sau khi sập sàn, BCC cũng đã rơi thẳng đứng từ 400USD/BCC xuống còn chưa đến 2 USD/BCC.

Không chỉ dừng lại ở đó, lợi dụng lòng tham của mọi người, với chiêu trò huy động vốn đầu tư vào tiền ảo với lãi suất cao (40% – 50%/tháng) dù không mới nhưng cũng đã khiến rất nhiều người sập bẫy, tiền mất tật mang.

Cụ thể, vào tháng 4-2018, hơn 32.000 người chơi tiền ảo Ifan và Pincoin đã bị Công ty Modern Tech tại quận 1 (TPHCM) lừa đảo chiếm đoạt lên đến hơn 15.000 tỷ đồng. Trong đó không ít người đi vay mượn, thậm chí vay nóng để đầu tư và đã mất trắng. Hiện các cơ quan chức năng đã vào cuộc nhưng đến nay vẫn chưa có kết quả.

Không phải là phương tiện thanh toán

Theo ông Leohard A. Weese, tiền ảo hay còn gọi là tiền mã hóa (Cryptocurrency) không phải là đồng tiền pháp định, không được phát hành hay bảo đảm bởi chính phủ hoặc ngân hàng trung ương, cơ quan quản lý tiền tệ ở bất kỳ quốc gia nào. Nó có hoạt động phân tán và mang tính ẩn danh cao, không chịu sự quản lý và tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Hiện chỉ mới có Nhật Bản và Hàn Quốc là 2 quốc gia đã chấp nhận tiền ảo như là một phương tiện thanh toán. Còn ở Mỹ, tùy từng nơi mà tiền ảo được xem là phương tiện thanh toán, tài sản, hàng hóa hoặc chứng khoán. Châu Âu thì xem tiền ảo là tiền tư nhân hoặc tiền ghi sổ. Còn đối với Hồng Công, tiền ảo là một loại hàng hóa ảo…

Thực tế cho thấy, do khả năng “ẩn danh”, tính chất biến động lớn vì việc nắm giữ Bitcoin và các loại tiền ảo khác là giữ “một chuỗi thông tin” không định danh, nếu gặp trường hợp bị trộm thì người giữ tiền ảo sẽ mất hoàn toàn.

Cùng với đó, giao dịch tiền ảo là không thể đảo ngược, không khôi phục được nên rất rủi ro. Do vậy, Bitcoin và các loại tiền ảo bị cấm hoặc hạn chế sử dụng tại nhiều nước.

Cụ thể, từ tháng 1-2018, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc đã yêu cầu các ngân hàng thương mại nước này dừng tất cả các dịch vụ có liên quan đến giao dịch tiền ảo. Dịch vụ dành cho giao dịch tiền ảo bị cấm tuyệt đối. Tháng 2-2018, Chính phủ Ấn Độ công bố không coi các đồng tiền mã hóa là hợp pháp.

Ngân hàng Dự trữ Ấn Độ (RBI) cũng quyết định cấm các ngân hàng chịu sự quản lý của RBI cung cấp dịch vụ chuyển tiền từ tài khoản vào ví Bitcoin.

Cùng thời gian này, Ngân hàng Trung ương Thái Lan cũng đã cấm các ngân hàng tham gia đầu tư hoặc mua bán tiền ảo, tạo ra các nền tảng cho kinh doanh tiền ảo.

Tại Việt Nam, tháng 4-2018 Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã ban hành Chỉ thị số 02 về các biện pháp tăng cường kiểm soát giao dịch, hoạt động liên quan tới tiền ảo.

Thống đốc NHNN yêu cầu các tổ chức tín dụng, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán không được cung ứng các dịch vụ thanh toán, thực hiện giao dịch thẻ, cấp tín dụng qua thẻ, hỗ trợ xử lý, thanh toán, chuyển tiền, bù trừ và quyết toán, chuyển đổi tiền tệ, thực hiện giao dịch thanh toán, chuyển tiền qua biên giới liên quan tới giao dịch tiền ảo.

Về việc này, ông Lê Anh Dũng, Trưởng phòng Nghiệp vụ thanh toán – Vụ Thanh toán (NHNN), cho rằng Bitcoin và các loại tiền ảo có khả năng thách thức các đồng tiền quốc gia và mạng thanh toán hiện hành.

Ông Dũng lý giải: Tiền ảo có mức độ biến động rất mạnh, không có tính ổn định như các đồng tiền quốc gia. Không chỉ thất bại trong việc trở thành phương tiện thanh toán, Bitcoin và các loại tiền ảo cũng không thành công trong vai trò là một đơn vị kế toán do rất ít các công ty, tổ chức thực hiện hạch toán, kế toán, lập báo cáo tài chính quy đổi theo Bitcoin hay tiền ảo.

Theo ông Dũng, các loại tiền ảo có những đặc tính ẩn danh cao, hệ thống hoạt động phân tán, không chịu sự quản lý ràng buộc của bất kỳ cơ quan tổ chức nào nên tiềm ẩn nhiều nguy cơ lạm dụng cho rửa tiền, tài trợ khủng bố, trốn thuế, hoạt động tội phạm, chuyển tiền bất hợp pháp… gây mất an ninh trật tự và an toàn xã hội.

NHNN Việt Nam luôn khẳng định, Bitcoin không phải là tiền tệ, phương tiện thanh toán hợp pháp tại Việt Nam. Việc sử dụng Bitcoin và các loại tiền ảo tương tự khác làm phương tiện thanh toán tại Việt Nam là hành vi bị cấm theo quy định của pháp luật hiện hành. 

Nguồn: sggp.org.vn