English
08/122021
Tín dụng tăng tốc mạnh trong hai tháng cuối năm

Công ty chứng khoán SSI mới đây ước tính chỉ trong tháng 11, các ngân hàng thương mại đã “bơm” ra thị trường khoảng 126.600 tỉ đồng qua hoạt động cho vay. Con số này gần gấp đôi so với tháng 10 và gấp 3 lần so với thời điểm tháng 8 và tháng 9.

Số liệu từ cơ quan quản lý trước đó cho biết tính đến ngày 25-11, tăng trưởng tín dụng đạt 10,1% so với cuối năm ngoái, cao hơn nhiều so với con số cùng kỳ là 8,4%.

Hiện nay, nhu cầu vốn đang tăng cao hơn so với cùng kỳ. Ông Nguyễn Thành Nhân, Giám đốc Khối khách hàng doanh nghiệp, Ngân hàng Bản Việt, cho biết nhu cầu vốn trong tháng 11-12 đang tăng cao, chuẩn bị cho hoạt động sản xuất cho dịp Tết âm lịch. Đây cũng là thời điểm mà nền kinh tế “bung” ra sau đợt giãn cách kéo dài vừa qua.

Tăng trưởng tín dụng theo tháng (% so với cùng kỳ). Nguồn: SSI.

Theo SSI, một đóng góp quan trọng đẩy dư nợ tăng mạnh là vì gói hỗ trợ lãi suất tại TPHCM được đẩy mạnh từ tháng 10, với mục tiêu giải ngân 70.000 tỉ đồng lãi suất thấp cho các doanh nghiệp đủ điều kiện vay vốn nhằm phục vụ mùa sản xuất cuối năm.

Ở góc độ quản lý, chính sách tiền tệ mở rộng vào cuối năm đang dần rõ ràng hơn. Bên cạnh động thái nâng trần tăng trưởng tín dụng với 1-6% tùy điều kiện ở một số ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước cũng gián tiếp bơm thanh khoản tiền đồng thông qua hoạt động mua ngoại tệ giao ngay và kỳ hạn, với tổng giá trị ước tính hơn 75.000 tỉ đồng, báo cáo của SSI nhận định.

Nhờ lạm phát ở mức thấp và tỷ giá ổn định giúp chính sách tiền tệ tiếp tục nới lỏng trong tháng 11, SSI cũng đặt kỳ vọng tăng trưởng tín dụng trong năm 2021 sẽ đạt khoảng 13%, tức cao hơn con số dự kiến trước đó là 12%. Còn Công ty chứng khoán VNDirect cho rằng tăng trưởng tín dụng ít nhất sẽ đạt mức 12% trong năm nay, còn năm sau sẽ tăng khoảng 13-14%.

Tín dụng tăng trưởng tốt được đánh giá là tín hiệu cho thấy nền kinh tế đang đi đúng hướng cho việc phục hồi sau đại dịch, cùng với sự cải thiện của số liệu vĩ mô trên hầu hết các lĩnh vực trong tháng 11, theo SSI.

“Nhu cầu từ thị trường quốc tế duy trì là động lực chính cho tăng trưởng và giúp hoạt động sản xuất khả quan, trong khi tiêu dùng nội địa cũng cho thấy mức độ phục hồi so với tháng trước. Mô hình phục hồi hiện tại đang nghiêng nhiều về hình chữ U, đặc biệt là ở TPHCM khi dữ liệu sản xuất công nghiệp và bán lẻ vẫn chưa hồi phục về mức trước đợt bùng phát lần thứ 4”, SSI nhận định.

Nguồn: thesaigontimes.vn