Tín dụng lấy lại đà tăng
Trong điều kiện nền kinh tế chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19, quý I/2020 tín dụng tăng rất chậm, quý II/2020 tăng nhanh hơn một chút, nhưng vẫn trong bối cảnh hết sức khó khăn do dịch tác động tiêu cực tới nhiều ngành, lĩnh vực, thì kết quả đạt được trong quý III/2020 vừa qua là rất đáng mừng. Đây là dấu hiệu tích cực trong việc tiếp cận vốn của DN.
“Đặc biệt, một số lĩnh vực như nông nghiệp – nông thôn tăng 5% và xuất khẩu tăng 7%, kể cả lĩnh vực mà đánh giá là vẫn còn khó khăn như ngành công nghiệp chế biến chế tạo, ngành sản xuất và phân phối điện, khí đốt, điều hòa không khí, dịch vụ bán buôn bán lẻ thì đều có mức tăng trưởng tín dụng tích cực và cao hơn mức tăng chung là kết quả đáng khích lệ”, Phó Thống đốc cho biết thêm.
Có được kết quả này là do hoạt động sản xuất kinh doanh đã khởi sắc hơn sau khi dịch bệnh trong nước cơ bản được kiểm soát, nhiều nền kinh tế lớn trên thế giới cũng đã mở cửa hoạt động trở lại. Bên cạnh đó còn do mặt bằng lãi suất đang có xu hướng giảm mạnh sau các động thái điều hành của NHNN. Theo đó, từ đầu năm đến nay NHNN đã ba lần giảm lãi suất điều hành (lần giảm gần đây nhất áp dụng từ ngày 1/10) với mức giảm tổng cộng lên tới 1,5-2%/năm đã tạo điều kiện cho các TCTD tiếp cận nguồn vốn rẻ để giảm sâu mặt bằng lãi suất hỗ trợ cho DN và người dân phục hồi sản xuất kinh doanh.
Trên thực tế, thời gian qua, các ngân hàng thực hiện nghiêm túc chủ trương của Chính phủ, NHNN, đồng hành và chia sẻ, hỗ trợ thị trường, hỗ trợ DN, người dân vượt qua giai đoạn khó khăn thông qua nhiều chính sách đưa ra các gói kích thích, miễn, giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ các DN bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
Chủ tịch HĐQT VietinBank Lê Đức Thọ cho biết, từ đầu năm đến nay, ngân hàng giảm từ 2-2,5%/năm lãi suất cho vay đối với các ngành nghề ưu tiên, khuyến khích, các lĩnh vực thiết yếu của nền kinh tế như điện, nước, lương thực, thực phẩm… “Năm 2020, VietinBank dự kiến dành khoảng 3.000-4.000 tỷ đồng từ cắt giảm lợi nhuận để hỗ trợ lãi suất và giảm phí, đồng hành, chia sẻ khó khăn với các khách hàng”, ông Thọ thông tin thêm.
Hiện tại, hầu hết các ngân hàng đều đã và đang triển khai các chương trình tín dụng ưu đãi từ vài nghìn tỷ đồng lên mấy chục nghìn tỷ đồng tùy theo quy mô và khả năng tài chính của mình.
Lãi suất giảm kích cầu tín dụng tăng
Theo báo cáo đánh giá triển vọng kinh tế vĩ mô của CTCK Rồng Việt (VDSC), nhiều nhóm ngành như thực phẩm, hóa chất, dược phẩm, máy móc thiết bị… đang phục hồi mạnh. Mặc dù hoạt động sản xuất công nghiệp phục hồi yếu trong quý III/2020, nhưng VDSC kỳ vọng sự phục hồi tích cực hơn trong quý IV/2020 nhờ nhu cầu trong nước và toàn cầu được cải thiện. Chỉ báo về hoạt động sản xuất – PMI cũng đã tăng trưởng lại trong khu vực vào tháng 9/2020 lên 52,2 thay vì chỉ còn 45,7 trong tháng 8/2020.
Môi trường lãi suất thấp cùng một loạt tín hiệu kinh tế vĩ mô tích cực được nhận định sẽ tạo động lực cho tăng trưởng tín dụng. Nếu kinh tế phục hồi tốt hơn trong quý IV/2020, theo nhận định của TS. Trần Du Lịch – Thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng, mục tiêu tăng trưởng tín dụng 9-10% là hoàn toàn khả thi, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong năm 2020 và cả sang những tháng đầu năm 2021. TS. Cấn Văn Lực – Chuyên gia kinh tế trưởng BIDV tin rằng, với các giải pháp phù hợp, tín dụng những tháng cuối năm có khả năng sẽ tăng trưởng mỗi tháng thêm 1% để tăng trưởng cả năm đạt từ 8%-9%.
Đó cũng là cảm nhận của hầu hết các ngân hàng. Ông Lê Đức Thọ cho biết, dư nợ tín dụng của VietinBank đang có dấu hiệu hồi phục tích cực, tốc độ tăng trưởng được cải thiện tạo đà cho các tháng cuối năm. Trong thời gian tới, VietinBank tiếp tục tập trung tăng trưởng tín dụng theo thế mạnh. Trong đó, ưu tiên tăng trưởng vào các DN có chất lượng tốt thuộc các nhóm ngành như: Bưu chính viễn thông, Fintech, trung gian thanh toán; Dược phẩm, thiết bị y tế…
Ngoài ra, ngân hàng chủ động tiếp cận các DN FDI dự kiến đầu tư mới vào Việt Nam, các dự án mở rộng quy mô của DN đầu tư đã lâu tại Việt Nam, đặc biệt tại các khu vực trọng điểm về FDI; Bám sát chính sách giải ngân vốn đầu tư công của Chính phủ, đẩy mạnh các gói tín dụng ưu đãi để đồng hành cùng các DN thực hiện các dự án đầu tư công, cùng với DN vượt qua khó khăn.
Một số ngân hàng khác tập trung vào cho vay khách hàng cá nhân thông qua các gói tín dụng ưu đãi. Đơn cử, SHB cũng vừa điều chỉnh lãi suất vay mua nhà đất từ 7,5%/năm xuống còn 6,5%/năm, lãi suất vay mua nhà dự án, mua ô tô, tiêu dùng giảm chỉ còn 6,8%/năm. Maritime Bank tiếp tục giảm lãi suất xuống chỉ còn 0% cho nhóm khách hàng cá nhân có nhu cầu vay tiêu dùng và phát triển kinh doanh trong tháng đầu tiên đến hết tháng 11/2020. Phó tổng giám đốc VIB Lê Quang Trung cho biết, cầu vay tiêu dùng cá nhân vẫn còn khá cao. Vấn đề là lãi suất như thế nào để họ cân nhắc. “Nên nếu lãi suất ở mức hợp lý và dịch vụ ngân hàng tốt hơn, vô hình trung kéo cầu tín dụng tăng”, ông Trung nhận định.
Về phía NHNN, trong 3 tháng còn lại của năm 2020, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết, NHNN sẽ tiếp tục bám sát kế hoạch để đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng, hỗ trợ tích cực cho tăng trưởng kinh tế. Trên thực tế, nhiều ngân hàng đã được nới room tín dụng để tạo dư địa tăng trưởng tín dụng trong thời gian tới. Đơn cử như: Techcombank, VPBank được nâng room tín dụng tới 19% – 23%; MBB điều chỉnh room tín dụng từ 11,75% lên 20%; VIB nới lên 12,5% so với hạn mức ban đầu; TPBank được tăng room lên 11,5%…
NHNN cho rằng việc hạ lãi suất là giải pháp cơ bản, quan trọng cho tín dụng mở rộng. “Trong điều kiện dịch được kiểm soát tốt như hiện nay và hoạt động của DN cải thiện, cùng với các chính sách hỗ trợ cho sản xuất và xuất khẩu tích cực, thì dư nợ tín dụng có thể tăng 8-10%, khoảng trên 9% là mức khả thi”, Phó Thống đốc nhận định. Để đạt được mục tiêu đó, NHNN đã và đang đề ra nhiều giải pháp, trong đó thực hiện rất tích cực việc xử lý khó khăn cho DN thông qua cơ cấu lại các khoản nợ đến hạn, miễn giảm lãi vay, phí và giữ nguyên nhóm nợ theo Thông tư 01 của NHNN…
Tuy nhiên, theo TS. Lịch, dù động thái giảm lãi suất trong thời gian vừa qua đã giảm chi phí tài chính cho DN, nhưng để thúc đẩy tín dụng không chỉ trông chờ vào lãi suất mà còn cần tháo gỡ một số điểm nghẽn khác như về thủ tục cho các dự án giao thông trọng điểm lớn, BĐS, xây dựng… “Nếu tháo gỡ tốt về thủ tục cho các dự án này sẽ giúp nền kinh tế hấp thụ thêm khoản tín dụng lớn nữa”, TS. Trần Du Lịch nhận định.
Mặc dù vậy, giới chuyên môn cũng khuyến nghị, khi sức hấp thụ vốn của nền kinh tế chưa thực sự tốt, nếu cố gắng đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng cao sẽ xảy ra nguy cơ vốn chảy vào các kênh đầu cơ như chứng khoán, bất động sản, vàng. Lúc đó, tiềm ẩn rủi ro xuất hiện bong bóng tài chính sẽ rất lớn. Do đó, vấn đề chất lượng tín dụng vẫn phải đặt lên hàng đầu để hạn chế rủi ro tín dụng, nợ xấu phát sinh, đe dọa đến an toàn hoạt động ngân hàng.
Nguồn: Thời báo ngân hàng